Tìm giải pháp xử lý rác thải ở vùng biển đảo

Tìm giải pháp xử lý rác thải ở vùng biển đảo
3 giờ trướcBài gốc
Rác tồn đọng ở Bãi Nhát huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chờ được xử lý
Theo PGS.TS Tạ Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trong những năm qua, nhiều địa phương ở nước ta đã nhận thức được những giá trị, lợi ích từ bảo vệ môi trường, từ tái chế chất thải nên đã thực hiện nhiều mô hình phân loại chất thải tại nguồn, đồng thời có những giải pháp để tái sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm tái chế từ chất thải.
Quang cảnh hội thảo
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội đã làm gia tăng lượng chất thải sinh hoạt. Theo số liệu, ước tính mỗi ngày cả nước phát sinh trên 60.000 tấn chất thải sinh hoạt nhưng chỉ có khoảng 15% lượng rác thải thu gom được tái chế hoặc tái sử dụng. Số còn lại bị chôn trong các bãi chôn lấp rác, thải ra nguồn nước hoặc đốt tiêu hủy thông thường.
Ngoài ra, Việt Nam có lợi thế về bờ biển dài, nhiều bãi biển và đảo đẹp thu hút nhiều khách du lịch nhưng việc khai thác thiếu bền vững, sự phát triển về du lịch, thương mại đã khiến cho các hòn đảo lớn như: Phú Quốc, Nam Du, Lý Sơn, Côn Đảo… đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, nhiều đảo đang bị ảnh hưởng bởi rác thải sinh hoạt.
Bên cạnh đó, việc quản lý chất thải trên đảo vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, chưa quy định, phân luồng chất thải một cách thống nhất, chưa phân loại được chất thải tại nguồn, thiếu trang thiết bị, phương tiện thu gom, phân loại. Thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; thiếu kinh phí triển khai lập, quản lý hồ sơ, dữ liệu nguồn thải. Với đặc thù các đảo, việc áp dụng các giải pháp, mô hình thu gom gặp rất nhiều khó khăn về phương tiện, kỹ thuật, khoảng cách, hình thức thu gom.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà đầu tư, doanh nghiệp tập trung thảo luận, chia sẻ về một số mô hình, giải pháp, kinh nghiệm của các địa phương trong thực hiện chính sách, quy định phân loại rác tại nguồn; đánh giá các kết quả, vấn đề còn tồn tại trong thực hiện các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đối với các huyện đảo, xã đảo và vùng ven biển. Từ đó, đề xuất các giải pháp về chính sách quản lý, giải pháp xây dựng mô hình phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên đảo và vùng ven biển phù hợp với quy định.
PHÚ NGÂN
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/tim-giai-phap-xu-ly-rac-thai-o-vung-bien-dao-post763136.html