Liên đội Trường tiểu học Lê Văn Tám (thành phố Biên Hòa) tổ chức Chương trình Lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể Nam Bộ vào trường tiểu học. Ảnh: ĐVCC
Ban Tổ chức Giải thưởng Thắm sắc khăn hồng năm nay đã nhận được 29 sáng kiến, mô hình của cán bộ phụ trách Đội các cấp gửi về. Trong đó có nhiều sáng kiến, mô hình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong tuyên truyền, giáo dục đội viên, thiếu nhi.
Nhiều giải phápứng dụng công nghệ thông tin
Từ việc học sinh không được đem theo điện thoại tới trường, khi các em gặp sự cố, nhà trường phải lục hồ sơ tìm số điện thoại của phụ huynh rất mất thời gian, nhóm tác giả: Trần Văn Hiếu - Nguyễn Ái Nguyệt (Trường trung học cơ sở (THCS) Trần Hưng Đạo, xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) đã có ý tưởng ứng dụng mã QR để quản lý, hỗ trợ học sinh.
Mỗi giáo viên chủ nhiệm tạo mã QR cho từng học sinh, trong đó có thông tin mã số hoặc số thứ tự học sinh, số điện thoại của giáo viên chủ nhiệm, số điện thoại nhà trường, số điện thoại phụ huynh… Mã QR này có thể được làm dưới dạng thẻ đeo. Khi học sinh gặp vấn đề trong trường hoặc trên đường đi học về, thầy, cô hoặc người đi đường chỉ cần sử dụng Zalo quét mã QR để biết ngay số điện thoại liên lạc với người thân nhanh nhất.
Phát biểu tại vòng chung kết Giải thưởng Thắm sắc khăn hồng năm 2024, Phó bí thư Tỉnh đoàn NGUYỄN TRẦN PHƯƠNG HÀ hy vọng các mô hình, sáng kiến tham gia giải thưởng tiếp tục được triển khai sâu rộng, góp phần xây dựng công tác Đội và Phong trào Thiếu nhi tỉnh ngày càng phát triển.
Thầy Trần Văn Hiếu, đại diện nhóm tác giả, lưu ý mã QR ai cũng có thể quét nên chỉ nên tích hợp thông tin mã số, số thứ tự học sinh và số điện thoại liên lạc khẩn cấp, tuyệt đối không tích hợp thông tin về ngày, tháng, năm sinh, số căn cước, số thẻ bảo hiểm y tế… để tránh trường hợp lừa đảo.
Là người đam mê CNTT, cô Nguyễn Thị Thu Linh (Trường trung học cơ sở Tam Phước, phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa) hiến kế mô hình Khám phá trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ hiệu quả công tác Đội. Mục tiêu mô hình này hướng đến là khuyến khích học sinh sử dụng AI để làm việc nhóm, giải quyết các vấn đề trong học tập và quản lý, tổ chức hoạt động Đội.
Để đạt được mục tiêu này, tổ chức Đội cần có những hoạt động: nói chuyện về AI, truyền cảm hứng cho học sinh, các cuộc thi thiết kế sản phẩm công nghệ, logo, poster tuyên truyền để học sinh thể hiện kỹ năng. Bên cạnh đó, khuyến khích học sinh làm việc theo nhóm để phát triển các ứng dụng AI đơn giản; tổ chức triển lãm để học sinh chia sẻ về sản phẩm AI của mình đến các bạn trong và ngoài trường. Đồng thời, tổ chức các buổi thực hành lập trình AI và các thử thách hàng tuần…
“Việc áp dụng sáng kiến này góp phần tạo ra một môi trường học tập và vui chơi lành mạnh, bổ ích và hấp dẫn cho các đội viên. Các em được tiếp cận với các công cụ trực tuyến hiệu quả, phát triển kỹ năng sử dụng CNTT, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm. Qua đó, các em được rèn luyện khả năng tự học, tự quản lý và phát triển tinh thần tự giác, trách nhiệm” - cô Thu Linh cho hay.
Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống
Tham gia Giải thưởng Thắm sắc khăn hồng lần này còn có nhiều mô hình, sáng kiến góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục truyền thống cho đội viên, thiếu nhi.
Cô Nguyễn Hồng Nhung, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Nguyễn Chí Thanh (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa), đem đến Giải thưởng Thắm sắc khăn hồng năm nay mô hình Thực hiện chuyển đổi số trong việc đưa di tích lịch sử đến gần với học sinh.
Theo cô Hồng Nhung, giáo dục truyền thống cách mạng giúp thế hệ trẻ giữ vững bản sắc dân tộc, tự hào về lịch sử đất nước, từ đó hình thành ý thức tự lực, tự cường. Để đưa di tích lịch sử đến gần với học sinh, cô Hồng Nhung đã đưa ra giải pháp sử dụng phần mềm Canva thiết kế tư liệu hình ảnh và mã QR về các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Từ mã QR này, học sinh, giáo viên hay phụ huynh đều có thể tìm hiểu về di tích bằng cách sử dụng điện thoại có kết nối internet và quét mã QR.
Để thúc đẩy tinh thần chủ động tìm hiểu ở học sinh, cô Hồng Nhung còn đưa ra giải pháp giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ gắn với hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương; tổ chức hội thi thuyết trình về di tích lịch sử; cho học sinh tham gia sinh hoạt ngoại khóa tại các di tích lịch sử trên địa bàn…
Từ năm 2023, Liên đội Trường tiểu học Lê Văn Tám (phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa) đã triển khai mô hình Lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể Nam Bộ - đờn ca tài tử đến với học sinh tiểu học. Đây cũng là liên đội đầu tiên triển khai mô hình này.
Cô Hoàng Thị Thúy Nga, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Lê Văn Tám, cho biết mô hình giới thiệu đến học sinh loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử bằng hình thức trực quan sinh động; xem các nghệ nhân, nghệ sĩ biểu diễn, nghe giới thiệu về đờn ca tài tử và tập hát các điệu lý Nam Bộ cơ bản.
Bên cạnh đó, liên đội còn thành lập Câu lạc bộ Em yêu dân ca Nam Bộ nhằm tạo sân chơi cho đội viên, thiếu nhi yêu thích dân ca Nam Bộ; đồng thời, khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống trong thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy và lan tỏa giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng và xã hội.
Liên quan đến công tác giáo dục truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc còn có các mô hình, giải pháp tuyên truyền, giáo dục bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh; giáo dục truyền thống cho học sinh qua video clip trên fanpage…
Nga Sơn