Vượt mục tiêu đề ra
Có mặt tại Trường THCS Lý Tự Trọng, chúng tôi ấn tượng trước cơ ngơi khang trang, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. Dọc hành lang các lớp học đều được đặt những chậu cây xanh với nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc. Nhờ được TP đầu tư xây mới cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, tháng 12/2023, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Giờ học thực hành của học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng.
Thầy giáo Đỗ Quốc Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Đạt trường chuẩn đã khó, giữ vững danh hiệu càng khó hơn, Ban giám hiệu tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tăng cường đầu tư xây dựng lớp học, các phòng chức năng theo tiêu chuẩn mới của Bộ GD&ĐT ban hành. Năm 2022, trường được UBND TP đầu tư kinh phí hơn 55 tỷ đồng xây mới toàn bộ trên khu đất rộng 8,9 nghìn m2 gồm 4 dãy nhà 4 tầng, 1 nhà đa năng, sân chơi, bãi tập. Đầu tư đồng bộ ti vi thông minh, điều hòa, hệ thống bàn ghế, bảng từ, quạt điện và trang trí lớp học bảo đảm yêu cầu của trường chuẩn quốc gia. Cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Kết quả thi học sinh giỏi cấp TP, trường xếp thứ 8/17 trường THCS về số lượng giải; chất lượng thi vào lớp 10 xếp thứ 6/17 trường THCS của TP”.
Trên địa bàn TP hiện có 55 trường học ở các bậc mầm non, tiểu học và THCS. Hiện 51 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; trong đó có 27 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 với tỷ lệ 49,1%, vượt 19,1% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đặc biệt TP có 2 trường đạt kiểm định cấp độ 4 đầu tiên của tỉnh Bắc Giang là: THCS Lê Quý Đôn; mầm non Trần Nguyên Hãn.
Trường Tiểu học Dĩnh Kế được đầu tư khang trang, hiện đại.
Ông Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng GD&ĐT TP cho biết: “Có được kết quả đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Phòng GD&ĐT đã rà soát tổng thể hiện trạng cơ sở vật chất của các trường học. Trên cơ sở đó tham mưu UBND TP xây dựng đề án nâng cao chất lượng GD&ĐT TP Bắc Giang giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Giai đoạn 2021 - 2024, TP dành nguồn lực lớn để xây dựng cơ sở vật chất mới, chuyển địa điểm và mở rộng diện tích cho nhiều trường học. Cùng đó tăng cường sửa chữa, bổ sung trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học”.
Cụ thể, TP đã dành hơn 611 tỷ đồng để xây mới 19 trường như: Mầm non Song Mai, Mầm non Dĩnh Trì, Mầm non Dĩnh Kế, Tiểu học Đồng Sơn, Tiểu học Tân Mỹ, Tiểu học Đông Thành (cơ sở 1), THCS Mỹ Độ, THCS Tân Mỹ, THCS Đồng Sơn... Cùng đó, bố trí hơn 100 tỷ đồng sửa chữa, cải tạo 48 trường học và bổ sung, mua mới các trang thiết bị phục vụ dạy, học trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Phấn đấu giữ chuẩn và nâng chuẩn
Mặc dù được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm và đạt được nhiều kết quả tích cực song quá trình xây dựng trường chuẩn quốc gia ở một số nơi còn gặp khó khăn. Như tại Trường THCS Trần Nguyên Hãn, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong do nằm ở vị trí trung tâm của TP, quỹ đất eo hẹp nên không mở rộng được diện tích.
Trường Tiểu học Song Mai được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.
Để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia, ngoài yếu tố nguồn lực từ ngân sách đầu tư xây mới, TP cũng thực hiện nhiều giải pháp căn cơ trong thời gian tới như chuyển Trường THCS Trần Phú về trụ sở Trường Chính trị tỉnh cũ; mở rộng Trường Mầm non Ngô Quyền trên hiện trạng của Trường THCS Trần Phú hiện nay. Được biết, TP đã quy hoạch mở rộng diện tích đất cho các cơ sở giáo dục, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là một trong những điều kiện quan trọng tạo thuận lợi cho các trường xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 2.
Thời điểm này, nhiều trường học của TP đang tích cực hoàn thiện tiêu chí để đủ điều kiện nâng chuẩn và giữ chuẩn. Đi trên tuyến đường Thân Khuê mới mở, nhìn từ xa, Trường Tiểu học Song Mai bề thế, khang trang. Trường được công nhận đạt chuẩn mức độ 1 năm 2020. Mục tiêu tháng 9/2025 nâng chuẩn lên mức độ 2. Tuy nhiên, trường khó khăn về cơ sở vật chất khi thiếu phòng chức năng, nhà đa năng, tỷ lệ giáo viên giỏi.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hường, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Về đội ngũ, chất lượng giáo dục, nhà trường hoàn toàn có thể nỗ lực cải thiện. Riêng về cơ sở vật chất nếu không được cấp ủy, chính quyền các cấp TP quan tâm thì rất khó khăn”. Trong thời gian qua, trường đã nỗ lực nâng tỷ lệ giáo viên giỏi các cấp từ 20% lên 30%; số lượng học sinh tham gia và đạt giải tại các kỳ thi hằng năm đều tăng; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trên 98%.
Đặc biệt, năm 2023, TP đã dành 40 tỷ đồng xây mới dãy nhà hành chính quản trị, nhà đa năng và cải tạo toàn bộ các phòng học, phòng chức năng cũ của trường. Công trình đưa vào sử dụng từ đầu năm học 2024-2025. Đây là điều kiện thuận lợi để trường hoàn thành mục tiêu kiểm định lại chất lượng và nâng chuẩn mức độ 2 vào tháng 9/2025.
Theo đồng chí Đỗ Văn Quý, Trưởng Phòng GD&ĐT TP, từ ngày 1/1/2025, TP được mở rộng về quy mô diện tích, dân số (sau khi sáp nhập cả huyện Yên Dũng), theo đó hệ thống cơ sở giáo dục công lập và số học sinh tăng theo. Phòng đã phối hợp với Phòng GD&ĐT huyện Yên Dũng rà soát thực trạng, kế hoạch trong thời gian tới để cập nhật, điều chỉnh vào kế hoạch của TP trong năm 2025; trong đó dự báo những thuận lợi, khó khăn. Trên cơ sở đó xây dựng lộ trình đầu tư cơ sở vật chất phù hợp.
Trước mắt, Phòng sẽ tham mưu lãnh đạo TP ưu tiên nguồn lực xóa phòng học chưa kiên cố tại 4 trường học và bổ sung công trình nhà đa năng tại các trường học trên địa bàn huyện Yên Dũng. Cùng đó tiếp tục giữ chuẩn và nâng chuẩn cho các trường học của TP Bắc Giang hiện tại.
Bài, ảnh: Hoài Thu