Liên quan đến những thông tin về tồn dư chất cấm trong sầu riêng xuất khẩu, tại buổi trao đổi với báo chí gần đây, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, ngay khi có cảnh báo từ phía Trung Quốc, cơ quan này đã lập tức cử nhiều đoàn kiểm tra tại các vùng trồng trọng điểm.
Kết quả ban đầu cho thấy, nguy cơ cao nhất tập trung ở một số địa phương vùng Tây Nam bộ.
Theo phân tích sơ bộ, có 2 nguyên nhân chính dẫn tới tồn dư Cadimi trên sầu riêng vượt ngưỡng.
Thứ nhất, một số vùng có đặc điểm thổ nhưỡng chứa sẵn Cadimi ở mức cao hơn trung bình, đi kèm với độ pH đất thấp làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng lành mạnh, khiến cây hút theo kim loại nặng.
Thứ hai, nhiều vùng trồng mới, nơi người dân còn thiếu kinh nghiệm, đang lạm dụng phân bón hóa học với liều lượng cao gấp nhiều lần khuyến cáo, vô tình làm gia tăng nguy cơ tồn dư.
“Chúng tôi đã khuyến cáo rất rõ: tuyệt đối không sử dụng phân bón chứa Cadimi. Cần thay đổi cách nghĩ: đất là ‘lá phổi’ của cây, nếu đất không sạch, trái cũng khó lành”, ông Đạt nhấn mạnh.
Với chất Vàng O, một loại phẩm màu công nghiệp bị cấm sử dụng trong thực phẩm, ông Đạt khẳng định, sau khi nhận thông báo cảnh báo, các đoàn kiểm tra của ngành đã rà soát tại các vùng trồng sầu riêng bị nghi ngờ và không ghi nhận việc sử dụng chất này trong quy trình canh tác.
“Do đó, nếu có tồn dư, khả năng cao là phát sinh ở các khâu trung gian, ngoài phạm vi quản lý của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật”, ông Đạt nói thêm.
Để làm rõ vấn đề về chất Vàng O, đơn vị đã chủ động gửi công văn đề nghị phối hợp với các cơ quan chức năng khác nhằm điều tra toàn diện, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như uy tín sầu riêng Việt trên thị trường quốc tế.
“Nếu không minh bạch và xử lý đến cùng, một lô hàng sai có thể làm mất đi cả thị trường”, ông Đạt nói.
Sầu riêng tươi và đông lạnh Việt Nam có thể xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia, nhưng Trung Quốc là thị trường lớn nhất, tiêu thụ tới 90% sản lượng sầu riêng Việt Nam.
Trên thực tế, sầu riêng là mặt hàng có giá trị kinh tế rất cao, nhưng cũng đòi hỏi quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt và ổn định.
Để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sầu riêng, cũng như nhiều loại nông sản khác, phải tuân thủ 3 nguyên tắc: kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm.
Trong trường hợp phát hiện tồn dư kim loại nặng hoặc bất kỳ yếu tố nào vượt ngưỡng cho phép, phía nhập khẩu sẽ yêu cầu truy xuất nguồn gốc để làm rõ nguyên nhân và yêu cầu biện pháp khắc phục. Trong thời gian chờ xác minh, các nước nhập khẩu có quyền áp dụng biện pháp kiểm tra tăng cường, như xét nghiệm lô hàng trước khi thông quan.
Từ đầu năm 2025, việc kiểm tra sầu riêng tại các cửa khẩu Trung Quốc được tăng cường. Không ít lô hàng bị kiểm tra bổ sung, thậm chí có lô bị trả lại.
“Những lô hàng bị trả lại vừa qua đều không đáp ứng tiêu chuẩn nhập khẩu, bị phía Trung Quốc từ chối là đúng quy định. Ngay sau đó, ngành đã chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tại nội địa, không để những lô hàng như vậy quay lại thị trường trong nước mà không qua kiểm định lại”, ông Đạt cho biết.
Cục cũng đang xây dựng một bộ hướng dẫn quy chuẩn cụ thể, đặc biệt dành cho các vùng trồng mới, tránh tình trạng các vùng trồng tự phát không đáp ứng trình sản xuất nghiêm ngặt của sầu riêng.
Ngoài ra, một bộ bản đồ dinh dưỡng đất trồng sầu riêng toàn quốc cũng đang được thiết kế, nhằm hướng dẫn người dân xác định đúng loại đất, tránh lãng phí và sai sót từ gốc.
Trong suốt buổi trao đổi, ông Đạt đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Mỗi mã số là một tài sản, nếu không coi trọng và gìn giữ, nguy cơ mất cả thị trường và thương hiệu sầu riêng Việt Nam là rất rõ ràng.
Vì vậy, ông kêu gọi mọi chủ thể tham gia chuỗi giá trị xuất khẩu sầu riêng phải tuyệt đối tuân thủ các quy định đã cam kết trong Nghị định thư với phía Trung Quốc, đặc biệt là 3 trụ cột: an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và minh bạch quy trình sản xuất.
“Nói đến xuất khẩu chính ngạch, là nói đến sự đồng bộ. Một lô hàng xuất khẩu không chỉ mang danh doanh nghiệp, mà còn mang danh người trồng, vùng trồng và cả uy tín quốc gia”, đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề năng lực kiểm nghiệm, ông Đạt cho biết hiện cả nước có 12 phòng thử nghiệm Cadimi và 8 phòng thử nghiệm Vàng O, đủ năng lực kiểm tra trên diện rộng. Tuy nhiên, việc phòng thử nghiệm đặt ở đâu không quan trọng bằng việc tổ chức ra sao để phục vụ tốt nhất cho doanh nghiệp. “Một mùa vụ trái cây có thể lên tới hàng triệu tấn. Câu hỏi không phải là ‘kiểm ở đâu’ mà là ‘kiểm thế nào để nhanh, chuẩn và không làm doanh nghiệp lỡ chuyến thị trường”, ông Đạt bày tỏ.
Ông cũng lưu ý rằng để xây dựng một phòng thử nghiệm đạt chuẩn quốc tế không chỉ cần chi phí, mà còn đòi hỏi năng lực con người và thời gian tích lũy. Chính vì vậy, giải pháp hiện tại là vận hành hiệu quả các phòng đang có, đồng thời tính toán phân bố hợp lý dựa trên nhu cầu sản xuất và xuất khẩu tại từng vùng.
Nhung Bùi