Giá tiêu tiếp tục tăng trước những nỗi lo về nguồn cung. Ảnh minh họa: VGP
Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 4 tháng đạt 6.749 đô la Mỹ/tấn (tăng 96%), tiêu trắng đạt 8.611 đô la Mỹ/tấn (tăng 73,8%), TTXVN đưa tin.
Các thị trường xuất khẩu hàng đầu vẫn là Mỹ (chiếm 22,5%) nhưng lượng xuất sang đây giảm mạnh 26,7%. Tiếp theo là Ấn Độ chiếm 8% thị phần (tăng 6,4%), các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất chiếm 6,7% thị phần (tăng 42,2%), Đức chiếm 6,7% thị phần (giảm 9,7%), Trung Quốc chiếm 4,5% (tăng 94,4% so với cùng kỳ).
Xuất khẩu cũng tăng mạnh ở Hồng Kông (Trung Quốc), Úc, Ba Lan nhưng ngược lại giảm ở Hà Lan, Nga, Anh, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp.
Những doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhất hiện nay gồm Olam Việt Nam (chiếm 10,4% thị phần), Phúc Sinh, Nedspice, Trân Châu, Haprosimex JSC...
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 18.388 tấn hồ tiêu, chủ yếu từ Brazil, Indonesia, Campuchia với kim ngạch lên đến 108,6 triệu đô la Mỹ, tăng hơn gấp đôi về giá trị so với cùng kỳ.
Việc nhập khẩu tiêu để phục vụ chế biến, tái xuất được giới chuyên gia đánh giá là bình thường nhằm duy trì vị thế xuất khẩu số một của Việt Nam (quốc gia chiếm khoảng 60% thị phần tiêu toàn cầu). Tuy nhiên, so sánh về chất lượng, hồ tiêu Việt Nam có chất lượng cao hơn cả. Các chuyên gia khuyến cáo, cần có sự quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hồ tiêu để đảm bảo chất lượng, giữ vững uy tín của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Theo Cục xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, hiện nay, giá tiêu tăng không chỉ do cung giảm mà còn nhờ tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Trung Đông, châu Âu. Các doanh nghiệp cần chủ động đa dạng hóa thị trường thay vì phụ thuộc vào một vài đối tác truyền thống.
Minh Hiếu