Tìm thấy bằng chứng 'mạnh mẽ nhất' về sự sống trên một hành tinh xa lạ

Tìm thấy bằng chứng 'mạnh mẽ nhất' về sự sống trên một hành tinh xa lạ
một ngày trướcBài gốc
Theo đó, họ đã phát hiện trong bầu khí quyển của một hành tinh xa lạ bên ngoài Hệ Mặt trời các “dấu vân tay hóa học” của các loại khí trên Trái đất chỉ được tạo ra bởi các quá trình sinh học.
Hai loại khí được phát hiện là dimethyl sulfide (DMS) và dimethyl disulfide (DMDS) được các nhà khoa học quan sát được qua kính viễn vọng Webb trên hành tinh có tên K2-18 b. Trên Trái đất, các loại khí này được tạo ra bởi các sinh vật sống, chủ yếu là sự sống của vi khuẩn như thực vật phù du biển là tảo.
Điều này cho thấy hành tinh K2-18 b có thể tràn ngập sự sống của vi khuẩn, các nhà nghiên cứu chia sẻ. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng họ không công bố đã phát hiện ra các sinh vật sống thực sự mà là một dấu hiệu sinh học có thể có - một chỉ báo về một quá trình sinh học - và rằng những phát hiện này nên được xem xét thận trọng, với nhiều quan sát hơn.
Hành tinh K2-18 b quay quanh một sao lùn đỏ có thể có sự sống - Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, họ đã lên tiếng bày tỏ sự phấn khích. Đây là những gợi ý đầu tiên về một thế giới ngoài hệ Mặt trời có thể có người ở, như nhà vật lý thiên văn Nikku Madhusudhan thuộc Viện Thiên văn học của Đại học Cambridge, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Astrophysical Journal Letters cho biết.
"Đây là thời điểm chuyển đổi trong quá trình tìm kiếm sự sống bên ngoài hệ Mặt trời, nơi chúng tôi đã chứng minh rằng có thể phát hiện ra các dấu hiệu sinh học ở các hành tinh có khả năng có sự sống bằng các cơ sở hiện tại. Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên của sinh học qua quan sát thiên văn" - Madhusudhan cho hay.
K2-18 b có khối lượng lớn hơn Trái đất 8,6 lần và có đường kính lớn hơn hành tinh của chúng ta khoảng 2,6 lần.
Nó quay quanh "vùng có thể sinh sống" - khoảng cách mà nước lỏng, thành phần chính của sự sống, có thể tồn tại trên bề mặt hành tinh. K2-18 b quay xung quanh một ngôi sao lùn đỏ nhỏ hơn và kém sáng hơn Mặt trời của chúng ta, nằm cách Trái đất khoảng 124 năm ánh sáng trong chòm sao Leo.
Anh Duy
Nguồn CA TP.HCM : http://congan.com.vn/quoc-te/chuyen-bon-phuong/tim-thay-bang-chung-manh-me-nhat-ve-su-song-tren-mot-hanh-tinh-xa-la_176781.html