Phía sau danh hiệu
Ngày 12/7, Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc chính thức được UNESCO ghi danh là Di sản thế giới. Đây không chỉ là niềm tự hào của ba địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng mà còn của cả nước. Đáng chú ý, đây là Di sản thế giới liên tỉnh thứ hai tại Việt Nam, sau vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, thuộc tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc, với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi, là Di sản thế giới thứ 9 ở Việt Nam. Nguồn: UNESCO
Trong nội dung phát biểu đáp từ khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc chính thức được UNESCO ghi danh, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, để có được thành công này, từ nhiều năm nay, hệ thống di tích, di sản văn hóa phi vật thể của các địa phương đã được Bộ và các tỉnh, thành phố đặc biệt quan tâm, thông qua nhiều dự án bảo tồn, tu bổ công trình di tích, lập hồ sơ đề cử, ghi danh ở trong nước và quốc tế, góp phần bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của di sản… Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới theo hướng bền vững, thực hiện mô hình quản lý tốt các Di sản thế giới ở Việt Nam.
Theo các chuyên gia, việc một quần thể di sản được ghi danh Di sản thế giới mang lại nhiều lợi ích to lớn, không chỉ giúp tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ, mà còn góp phần xây dựng không gian di sản thống nhất trong đa dạng. Sự cộng hưởng nguồn lực cũng góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng du lịch, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới.
Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử, Quảng Ninh. Nguồn: BVH
Tuy nhiên, di sản liên tỉnh cũng đặt ra thách thức trong công tác bảo tồn và quản lý do chế độ phân cấp và cơ chế phối hợp chưa đồng bộ. Mỗi địa phương có nguồn lực và mức độ ưu tiên khác nhau nên việc thống nhất quy chuẩn bảo tồn, phát huy không đơn giản. Trong khi đó, áp lực du lịch gia tăng dễ tác động tiêu cực đến cảnh quan, hạ tầng và đời sống cộng đồng nếu không có sự thống nhất kiểm soát chặt chẽ cũng như chia sẻ lợi ích trong vùng di sản…
Đơn cử đối với vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận là Di sản thế giới tháng 9/2023, dù là một quần thể thống nhất về địa lý và cảnh quan, nhưng vẫn tồn tại “ranh giới mềm” trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản giữa Quảng Ninh và Hải Phòng. Sự chia cắt này được chính lãnh đạo các địa phương nhìn nhận và thẳng thắn chỉ ra tại các hội thảo và trên báo chí thời gian qua như sự thiếu đồng bộ về hạ tầng, dịch vụ, khác biệt về mức thu phí tham quan… dẫn đến tạo ra “phân biệt” trong trải nghiệm và lựa chọn của du khách.
Chủ động phối hợp, cộng đồng trách nhiệm
Khi vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận, tỉnh Quảng Ninh duy trì Ban Quản lý vịnh Hạ Long với chức năng quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của vịnh Hạ Long. Trong khi đó, tháng 10/2024, Hải Phòng thành lập Ban Chỉ đạo quản lý di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Đây chỉ được xem là phương án tạm thời khi chưa thể thành lập một ban quản lý chung.
Di sản thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà. Nguồn: BVH
Rõ ràng, giờ đây, khi Việt Nam đã có thêm một Di sản thế giới liên tỉnh, các địa phương phải có cơ chế “bắt tay” một cách thực chất để bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Nhiều chuyên gia nhận định vấn đề quản lý di sản liên tỉnh mấu chốt nằm ở việc xây dựng một cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và có tính pháp lý cao.
Theo Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam Đỗ Văn Trụ, một điểm nhấn của Luật Di sản văn hóa 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) là chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương trong bảo vệ và phát huy di sản văn hóa. Theo đó, Khoản 6, Điều 25 của Luật quy định rõ: Di tích thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, phân bố trên địa bàn từ 2 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, các tỉnh, thành phố có di tích phải thống nhất lập kế hoạch quản lý chung và quy chế bảo vệ di tích. “Đây chính là cơ sở pháp lý vững chắc để các địa phương có di sản chung ngồi lại với nhau, tìm ra tiếng nói chung bảo vệ, phát huy giá trị di sản”, PGS.TS. Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.
Thắng cảnh Côn Sơn, thành phố Hải Phòng. Nguồn: TT
Điều quan trọng hơn cả là di sản phải được bảo vệ toàn vẹn và phát huy giá trị theo hướng bền vững. Bản thân du khách không phân biệt di sản địa phương nào quản lý, mà muốn trải nghiệm một hành trình đặc sắc và thuận tiện nhất. Vì vậy, giải pháp cấp thiết hiện nay là nâng cao sự chủ động của các địa phương trong phối hợp bảo vệ, phát huy giá trị di sản, để biến tiềm năng thành sức mạnh phát triển bền vững, tạo ra sức hút mới và cơ hội lớn hơn trong tương lai.
Các di sản liên tỉnh không tránh khỏi sẽ có nhiều vấn đề trong khai thác tiềm năng, bảo vệ và phát huy giá trị. Nhận định như vậy, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, GS.TS. Trương Quốc Bình cho rằng, cần có sự chung tay của các địa phương để tạo thêm sức hút, mở ra nhiều cơ hội phát triển từ nguồn lực di sản. “Đã đến lúc lãnh đạo các địa phương phải bàn bạc cụ thể, quy định thật rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ và khai thác di sản, phân chia quyền lợi... Hàng năm UNESCO đều yêu cầu báo cáo, đánh giá lại vấn đề quản lý, vì thế các địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình bảo vệ và khai thác di sản”.
Khôi Nguyên