Tín chỉ carbon rừng: Phía sau nguồn lợi hàng trăm tỷ đồng

Tín chỉ carbon rừng: Phía sau nguồn lợi hàng trăm tỷ đồng
6 giờ trướcBài gốc
Hàng trăm tỷ đồng thu được từ các chương trình tín chỉ carbon rừng gần đây khiến không ít người hình dung về một tương lai nơi rừng không chỉ là lá phổi xanh, mà còn là “ngân hàng sống” có thể tạo ra dòng tiền đều đặn. Câu chuyện trồng rừng – giữ rừng dường như được khoác thêm lớp áo mới: vừa vì môi trường, vừa vì lợi ích kinh tế.
Nhưng đằng sau những con số đầy lạc quan ấy là một hành trình dài. Để biến một cánh rừng thành nguồn tín chỉ đủ chuẩn giao dịch, chủ dự án phải vượt qua hàng loạt rào cản kỹ thuật, pháp lý và tài chính. Một hành trình không hề dễ và cũng không hề rẻ.
TheLEADER đã cuộc trò chuyện với Luật sư Trương Tử Long, chuyên gia về chính sách và pháp luật CTCP Sáng tạo Xanh Việt Nam (GREEN IN) để bóc tách những lớp thực tế phía sau “tấm giấy khen” đầy giá trị này.
Thưa ông, thuật ngữ ‘tín chỉ carbon’ đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại Việt Nam, đặc biệt sau khi Việt Nam đưa ra những cam kết mạnh mẽ tại COP26. Vậy giải thích đơn giản, xin ông cho biết tín chỉ carbon là gì?
Ông Trương Tử Long: Từ những năm 90 của thế kỷ trước, để giải quyết bài toán khí hậu, Liên hiệp quốc đã thống nhất triển khai thị trường carbon để huy động nguồn tài chính cho các sáng kiến giảm phát thải, đồng thời, gắn cho mỗi tấn khí nhà kính phát thải vào bầu khí quyển một mức giá nhất định để phản ánh nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.
Và tín chỉ carbon là một hàng hóa trên thị trường carbon, bên cạnh sản phẩm còn lại là hạn ngạch phát thải.
Để dễ hiểu, chúng ta có thể hình dung tín chỉ carbon giống như một “tấm giấy khen” kèm theo một “khoản tiền thưởng”. Vì tấm giấy khen đó là sự ghi nhận cho những nỗ lực giảm phát thải hoặc loại bỏ khí nhà kinh khỏi bầu khí quyền của chủ dự án.
Khi chủ dự án chuyển nhượng tấm giấy khen đó cho doanh nghiệp khác đang cần phải bù đắp lượng phát thải khí nhà kính dư thừa vượt quá hạn ngạch hoặc muốn tự nguyện đóng góp vào nỗ lực chung để ứng phó biến đổi khí hậu, chủ dự án sẽ thu về được một “khoản tiền thưởng” cho nỗ lực mà họ đã tạo ra.
Luật sư Trương Tử Long, chuyên gia về chính sách và pháp luật GREEN IN. Ảnh: KM
Nhiều thông tin gần đây cho thấy, Việt Nam đã gặt hái nhiều kết quả tích cực, như nguồn thu hàng trăm tỷ đồng từ việc bán tín chỉ carbon. Liệu đây có phải là một bài toán kinh tế mới đầy lạc quan hay không, thưa ông?
Ông Trương Tử Long: Tôi cho rằng chúng ta không nên quá lạc quan về những lợi ích kinh tế từ việc bán tín chỉ carbon. Khi làm dự án tín chỉ carbon, chúng ta cần nhìn qua lăng kính của người làm kinh doanh. Doanh thu từ việc bán tín chỉ carbon chỉ là một vế của vấn đề, vế còn lại mà mọi chủ dự án phải quan tâm đó là chi phí. Các chi phí để làm dự án carbon không hề nhỏ.
Theo quan điểm của tôi, chúng ta cần phải nhìn nhận đúng vai trò và lợi ích cốt lõi của tín chỉ carbon. Đó là nó giúp thúc đẩy nghiên cứu và triển khai các công nghệ ít phát thải hoặc loại bỏ khí nhà kính khỏi bầu khí quyền.
Với chủ dự án tạo tín chỉ, họ sẽ có thêm nguồn thu để triển khai dự án thành công. Với người mua, nó sẽ giúp những doanh nghiệp vốn phải tuân thủ quy định về hạn ngạch phát thải hoặc tự nguyện bù đắp phát thải đạt được mục đích của mình.
Không ít thông tin cho thấy ngay cả những người dân trồng rừng, sở hữu rừng giờ đây cũng có thể gia tăng nguồn thu từ tín chỉ carbon, ngay cả khi “ngồi im”. Dường như việc đạt được tín chỉ carbon khá dễ dàng?
Ông Trương Tử Long: Chắc chắn tạo ra được tín chỉ carbon không hề dễ và rẻ. Không hề dễ bởi vì dự án tín chỉ carbon phải đảm bảo tuân thủ nhiều nguyên tắc khắt khe. Để chứng minh kết quả, chủ dự án sẽ phải tiến hành nhiều công việc có tính kỹ thuật cao như đo đạc, giám sát, thẩm định/thẩm tra độc lập kết quả giảm phát thải của dự án.
Và không hề rẻ bởi như tôi đã nói, các chi phí để làm dự án không hề nhỏ. Lấy ví dụ như dự án trồng rừng mới, chủ dự án sẽ phải bỏ ra vốn đầu tư ban đầu để mua cây giống, phân bón, thi công hệ thống dẫn nước…
Chủ dự án cũng cần phải thuê nhân công để thực hiện việc trồng cây, chăm sóc bảo vệ rừng. Chi phí cho việc đăng ký hồ sơ trên nền tảng quốc tế, thuê tư vấn, thuê đơn vị độc lập để thẩm định, thẩm tra trước khi phát hành tín chỉ cũng tương đối lớn, thường tốn vài chục tới cả trăm ngàn đô.
Chưa hết, các rủi ro như rò rỉ (leakage) hoặc đảo chiều phát thải (reversal – ví dụ cây bị chặt phá) cũng luôn tiềm ẩn xuyên suốt quá trình triển khai. Khi những rủi ro này xảy ra, chủ dự án sẽ là người gánh chịu thiệt hại, từ không thu được tiền từ bán tín chỉ carbon cho tới việc phải bồi thường cho người mua vì không bàn giao đủ lượng tín chỉ theo hợp đồng đã ký kết.
Doanh thu từ việc bán tín chỉ carbon chỉ là một vế của vấn đề, vế còn lại mà mọi chủ dự án phải quan tâm đó là chi phí. Các chi phí để làm dự án carbon không hề nhỏ.
Luật sư Trương Tử Long, GREEN IN
Vậy thì quá trình tạo ra một tín chỉ carbon rừng cần phải trải qua các bước như thế nào và cần những yêu cầu gì? Đâu là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của các dự án đó?
Ông Trương Tử Long: Quy trình tạo tín chỉ thường gồm bảy bước chính: từ đánh giá tính khả thi để xác định loại hình và các điều kiện cần đáp ứng của dự án, lập tài liệu dự án, thẩm định bởi bên thứ ba, đăng ký với đơn vị phát hành, giám sát hoạt động giảm phát thải, đến thẩm tra kết quả.
Sau khi có kết quả thẩm tra, đơn vị phát hành mới cấp tín chỉ carbon. Toàn bộ quá trình thường kéo dài 12 – 24 tháng và đòi hỏi sự đầu tư bài bản cả về kỹ thuật, pháp lý lẫn vận hành thực tế.
Tính bổ sung là nguyên tắc cốt lõi và quan trọng nhất mà dự án tín chỉ carbon cần phải có. Chủ dự án cần chứng minh được rằng hoạt động giúp giảm phát thải nhưng đã, đang hoặc sẽ gặp phải những rào cản, bất lợi khiến dự án khó triển khai thành công. Hoặc chủ dự án cũng phải chứng minh được sự cần thiết của nguồn tiền có được từ bán tín chỉ carbon, cụ thể nếu không có số tiền đó thì dự án sẽ gặp khó khăn, không thể duy trì hoặc mở rộng về quy mô, thậm chí không thể triển khai.
Hiểu một cách đơn giản, cũng giống như việc một em học sinh nghèo, có học lực trung bình nhưng có ý chí vươn lên, em có nguyện vọng mua sách vở và đi học thêm để cải thiện học lực từ mức 4 – 5 điểm, tăng lên mức 7 – 8 điểm. Khi ấy, chỉ có khoản tiền của các mạnh thường quân mới giúp em đạt được nguyện vọng này. Đây chính là một tình huống có tính bổ sung.
Ngược lại, một học sinh con nhà khá giả, đã học giỏi sẵn với học lực 9 – 10 điểm và vẫn tiếp tục học tốt dù có hay không có tiền hỗ trợ. Khi ấy, tiền hỗ trợ của mạnh thường quân sẽ không tạo ra khác biệt và không có tính bổ sung.
Tín chỉ carbon đang được Việt Nam quy định như thế nào, thưa ông? Từ thực tiễn và kinh nghiệm làm việc với các dự án, ông có kiến nghị gì?
Ông Trương Tử Long: Chúng ta đều biết, Việt Nam và các đối tác quốc tế triển khai thành công dự án thí điểm về chi trả kết quả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA). Đây là kinh nghiệm thực tiễn quý báu để Chính phủ đang soạn thảo và chuẩn bị ban hành Nghị định lưu giữ và hấp thụ carbon rừng, là cơ sở pháp lý quan trọng để triển khai dự án tín chỉ carbon.
Quan sát nội dung dự thảo này, tôi thấy nó đã phản ánh tốt những kinh nghiệm được đúc kết từ quốc tế và điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh của Việt Nam.
Dưới góc nhìn của một người sẽ áp dụng chính sách này trong tương lai, tôi kỳ vọng quy định mới sẽ tạo không gian thật mở cho các chủ dự án, nhất là những dự án triển khai trên diện tích rừng không thuộc sở hữu toàn dân (tức nhà nước đã giao cho các tổ chức, cá nhân khai thác, quản lý).
Cơ quan quản lý cần đảm bảo các yêu cầu tối thiểu về đo lường, giám sát và báo cáo để đảm bảo tính minh bạch của tín chỉ carbon được tạo ra, nhưng cũng không nên đặt ra thêm các cơ chế quản lý hợp tác giữa các chủ thể, vì các bên hoàn toàn có thể áp dụng quy định sẵn có trong pháp luật dân sự, đất đai, kinh doanh thương mại.
Một điểm quan trọng khác là các phương pháp luận tạo ra tín chỉ cũng cần được sớm làm rõ. Thực tiễn hiện nay có rất nhiều dự án đang đón đầu đầu thị trường và áp dụng các phương pháp luận theo tiêu chuẩn quốc tế.
Do vậy, tôi nghĩ chúng ta cũng “không cần thiết phải thiết kế lại bánh xe”. Việt Nam có thể học tập Indonesia trong việc ký thỏa thuận hợp tác để kế thừa các tiêu chuẩn tín chỉ carbon quốc tế phổ biến như Gold Standard, Verra để tiết kiệm thời gian, công sức. Với cách làm này, tín chỉ của chủ dự án tại Việt Nam tạo ra có thể dễ dàng bán được cả ở thị trường nội địa và quốc tế.
Cảm ơn ông!
Kiều Mai
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/tin-chi-carbon-rung-phia-sau-nguon-loi-hang-tram-ty-dong-d41135.html