Tin cực vui cho người trồng sầu riêng khi hơn 800 mã số vùng trồng được duyệt

Tin cực vui cho người trồng sầu riêng khi hơn 800 mã số vùng trồng được duyệt
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 22/5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) vừa phê duyệt thêm 829 mã số vùng trồng sầu riêng và 131 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.
Việc cấp mã cũng mở ra điều kiện thuận lợi để thực hiện các hợp đồng đã ký giữa người dân và doanh nghiệp, hạn chế tranh mua, tranh bán. Như vậy, đến nay, Việt Nam có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt.
Sầu riêng Việt Nam lại rộng cửa xuất khẩu.
Theo ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), thông tin này không chỉ mang ý nghĩa kỹ thuật, mà còn thể hiện bước tiến thực chất trong chuỗi nỗ lực chuẩn hóa sản xuất và nâng cao năng lực quản lý chất lượng nông sản của Việt Nam.
Động thái từ GACC được xem là tín hiệu tích cực cho mùa vụ sầu riêng đang bước vào cao điểm, thu hoạch từ tháng 7 đến tháng 11. Doanh nghiệp và địa phương sẽ có thêm công cụ để điều tiết kế hoạch thu hoạch, xuất khẩu, tránh tình trạng dồn ứ tại cửa khẩu và giảm rủi ro về giá.
"Người tiêu dùng Trung Quốc rất ưa chuộng sầu riêng Việt Nam nhưng cũng rất khắt khe. Cấp mã rồi không có nghĩa là yên tâm, mà càng phải siết kỷ luật, giữ uy tín", Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt cho hay.
Ông Đạt nhận định, được chấp thuận mã số chỉ là điều kiện đầu vào. Muốn trụ vững ở thị trường Trung Quốc, người trồng sầu riêng phải tuân thủ chặt chẽ quy trình canh tác, xử lý sau thu hoạch và đóng gói theo đúng những gì đã cam kết. Điều đó đòi hỏi cả hệ thống, từ hợp tác xã, doanh nghiệp, đến từng hộ nông dân phải nâng cao ý thức và tự giác làm đúng quy trình, quy định.
Dự kiến, ngày 24/5 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy sẽ chủ trì hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Hội nghị nhằm tìm giải pháp gỡ vướng trong tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến và kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu.
Lãnh đạo các bộ, ngành (Công Thương, Tài chính, Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước) cùng đại diện nhiều tỉnh, thành phố trồng sầu riêng sẽ tham dự trực tiếp hoặc trực tuyến. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã lớn trong chuỗi giá trị sầu riêng, từ vùng nguyên liệu, cơ sở đóng gói đến nhà xuất khẩu, cũng sẽ góp mặt, chia sẻ thực tiễn và đề xuất kiến nghị.
Ngày 11/7/2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật (KDTV) đối với quả sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã ký kết.
Ngay sau đó, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã làm việc với các địa phương trồng sầu riêng trong cả nước, phổ biến quy định, hướng dẫn xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chuẩn. Cục đã gửi hồ sơ 1.604 vùng trồng và 314 cơ sở đóng gói sầu riêng cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC); trong đó có 708 vùng trồng, 168 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt. Do có vi phạm trong quá trình xuất khẩu, thời gian qua GACC đã tạm dừng hoạt động đối với một số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Tô Hội
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/tin-cuc-vui-cho-nguoi-trong-sau-rieng-khi-hon-800-ma-so-vung-trong-duoc-duyet-169250522154648094.htm