Người dân làm thủ tục vay vốn tại Điểm giao dịch xã Lộc Bình
Câu chuyện của chị Phan Thị Cương ở thôn Tân An Hải là một ví dụ điển hình. Từng là lao động làm thuê nhiều năm tại các tiệm may nhỏ, chị Cương mong muốn mở một tiệm may tại nhà, nhưng khó khăn về nguồn vốn đã khiến giấc mơ ấy chưa thể thực hiện. Thông qua Hội Nông dân xã, từ tháng 11/2023, chị được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm để đầu tư mua máy may, máy vắt sổ cùng các nguyên, vật liệu phụ trợ khác để mở một tiệm may nhỏ.
“Sau một năm mở tiệm cùng với sự chịu khó tìm kiếm khách hàng, tôi đã được bà con trong xã và nhiều khách ở địa phương khác tìm đến đặt may trang phục. Nhờ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi, giờ đây tôi đã có công việc với mức thu nhập ổn định, đủ để trang trải cuộc sống” - chị Cương bộc bạch.
Tương tự, gia đình chị Đặng Thị Ngợi ở thôn Mai Gia Phường trước đây có hoàn cảnh khó khăn, 2 vợ chồng đi làm nông quanh năm nhưng cuộc sống vẫn bấp bênh. Biết Hội Liên hiệp Phụ nữ xã có nguồn vốn vay ủy thác dành cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn để phát triển kinh tế, tháng 7/2023, chị Ngợi mạnh dạn vay 50 triệu đồng để mua sắm ngư cụ, đồng thời mua thêm 1.000 con cá giống để ươm nuôi. Đến cuối năm 2024, nguồn đánh bắt thủy sản đem lại thu nhập ổn định, cộng với nuôi cá có hiệu quả đã giúp gia đình chị vượt qua khó khăn, trả nợ gốc và lãi đúng hạn.
Tính đến đầu tháng 12/2024, tổng dư nợ tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc của xã Lộc Bình đạt 17.232 triệu đồng, với 370 hộ vay vốn, bao gồm 10 chương trình tín dụng chính sách. Trong đó, cho vay hộ nghèo đạt 187 triệu đồng; hộ cận nghèo 512 triệu đồng; chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 3.699 triệu đồng; cho vay hỗ trợ tạo việc làm 1.469 triệu đồng; cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn 109 triệu đồng; cho vay nhà ở xã hội 715 triệu đồng; cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn 10.046 triệu đồng…
Có thể thấy, hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã đóng góp không nhỏ trong việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo bền vững, xây dựng NTM, tập trung phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đến nay, huyện Phú Lộc có 11/15 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó mới nhất là xã Lộc Bình.
“Chương trình tín dụng chính sách xã hội đến với Nhân dân kịp thời đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn thuận lợi để cải thiện chất lượng cuộc sống và góp phần thực hiện một số tiêu chí, như: Tạo việc làm, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, xây nhà ở, cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập… Từ đó, từng bước nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân và giúp xã đạt được các tiêu chí xã NTM”, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình - ông Dương Quang Hùng chia sẻ.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc - bà Lê Thanh Bình cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xã Lộc Bình thực hiện tốt hơn nữa hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nâng cao chất lượng tín dụng, hoạt động giao dịch tại xã, hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn. Đồng thời, thường xuyên rà soát, thống kê số hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn để đáp ứng nguồn vốn kịp thời, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống của người dân.
Bài, ảnh: THÁI SƠN