Thực hiện Chỉ thị và Kết luận của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã phủ kín 100% các thôn, bản, khu phố. Hiện nay, tất cả hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khi nhu cầu vay vốn và đủ điều kiện chắc chắn sẽ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi. Để tạo thuận lợi cho người dân, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Thái Nguyên đã triển khai thực hiện điểm giao dịch tới tất cả các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, góp phần giải quyết hầu hết các nghiệp vụ ngân hàng phát sinh (thu lãi, trả gốc, giải ngân) với người dân được thực hiện ngay tại chỗ.
Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ. (Ảnh: Trọng Tài)
Theo đồng chí Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Nguồn vốn từ chính sách tín dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, những tác động tích cực trong việc nâng cao trình độ, nhận thức để giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của người dân trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống… góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của địa phương”.
Điển hình như Đại Từ là một huyện miền núi phía Tây của tỉnh Thái Nguyên, địa bàn rộng với 32 dân tộc cùng sinh sống, người dân chủ yếu là canh tác nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… Do vậy, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ đã tập trung đẩy mạnh cho người dân vay vốn để phát triển kinh tế, chuyển đổi ngành nghề, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao thu nhập trên địa bàn huyện.
Để đồng vốn đến tay hộ nghèo đạt hiệu quả cao, cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ đã phối hợp với các tổ chức chính trị -xã hội thực hiện ủy thác vốn vay để người dân tiếp cận với nguồn vốn dễ dàng hơn. Có được đồng vốn đã khó, nhưng để đồng vốn sinh lời càng khó hơn, nhất là với hộ nghèo, hộ sản xuất - kinh doanh tại vùng khó khăn, hộ chưa có việc làm ổn định. Vì vậy, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện không chỉ đơn thuần là giải ngân cho vay, mà còn tư vấn, hỗ trợ người nghèo sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Cùng với đó, các cán bộ ngân hàng đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện, phổ biến, hướng dẫn các hộ vay vốn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, tìm mô hình làm ăn phù hợp để bà con học tập, sử dụng vốn đúng mục đích…
Thông qua nguồn vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ, nhiều mô hình kinh tế trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao tại các địa phương trên địa bàn huyện.
Gia đình ông Lương Văn Chinh, trú tại xóm 5, xã Cù Vân, huyện Đại Từ là một trong những gia đình điển hình kinh tế vươn lên từ nguồn vốn Ngân hàng Ngân hàng Chính sách xã hội. Ông Chinh cho biết: Mặc dù gia đình có vườn bãi rộng nhưng loay hoay không biết trồng cây gì, nuôi con gì hiệu quả nên cuộc sống cứ mãi khó khăn. Năm 2023, tìm hiểu qua báo chí, các phưng tiện thông tin đại chúng về mô hình nuôi trâu vỗ béo, ông Chinh đã bàn với gia đình phát triển kinh tế từ nuôi gia súc.
Đàn trâu, bò gia đình nhà ông Lương Văn Chinh, trú tại xóm 5, xã Cù Vân, huyện Đại Từ phát triển rất tốt. (Ảnh: Trọng Tài)
Được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ cho vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi, ông Chinh đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại nuôi trâu. Theo ông, đối với những con trâu trưởng thành sau khi mua về, chăm sóc từ 3-4 tháng có thể xuất bán. Theo ông Chinh chia sẻ “Lúc đầu tôi quyết định vay vốn, tôi rất băn khoăn về thủ tục vay, nhưng khi đến Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ tôi được cán bộ Ngân hàng hướng dẫn nhiệt tình, thủ tục nhanh chóng, vì vậy tôi rất yên tâm. Nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giúp gia đình tôi có vốn để đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo và từng bước có cuộc sống ổn định”.
Trao đổi với đồng chí Trần Thị Kim Hòa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ cho biết: “Để thực hiện hiệu quả các chương trình cho vay, hàng năm, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện chủ động tham mưu Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ngay từ đầu năm đã có văn bản chỉ đạo, giao chỉ tiêu, kế hoạch cho các xã, thị trấn chỉ đạo thực hiện sát sao các chương trình vốn nói chung, đặc biệt là nguồn vốn chương trình hộ nghèo. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách vốn, phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, tổ chức hội nắm danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu vay vốn. Từ đó, giải ngân kịp thời và có sự định hướng để sử dụng nguồn vốn phù hợp với hoàn cảnh từng gia đình, không để người nghèo bị bỏ lại phía sau vì thiếu vốn”.
Trong tháng 10/2024, đã có 221 lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn với tổng số tiền 11.064 triệu đồng. Tổng dư nợ là 690.837 triệu đồng, giảm 415 triệu đồng so với 30/9/2024, tăng 48.264 triệu đồng so với 31/12/2023, tỷ lệ tăng trưởng 7,51%…
Đồng chí Trần Thị Kim Hòa, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ trao đổi với phóng viên. (Ảnh Trọng Tài)
Để phát huy hiệu quả những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Từ sẽ tiếp tục triển khai tốt các biện pháp để quản lý nguồn vốn và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trên địa bàn huyện được tiếp cận với các chính sách tín dụng ưu đãi. Cùng với đó, tiếp tục tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể để tiếp tục củng cố, kiện toàn hoạt động của các tổ vay vốn, tuyên truyền sâu rộng đến các hộ vay sử dụng vốn vay đúng mục đích, nâng cao ý thức trả nợ, trả lãi để không ngừng nâng cao chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn.
Theo đồng chí Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Cù Vân huyện Đại Từ cho biết: Trong những năm trước đây, trên địa bàn toàn xã Cù Vân còn có nhiều hộ gia đình nghèo và cận nghèo, cuộc sống của nhiều hộ dân còn vất vả, mặc dù diện tích đất thì nhiều nhưng họ không biết trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế của gia đình.Từ khi Nhà nước có sự ưu đãi đặc biệt dành cho những hộ nghèo và cận nghèo được vay nguồn vốn từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách, cho đến nay các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn đã từng bước khắc phục được khó khăn để vươn lên thoát nghèo, cuộc sống giờ đây đã khấm khá hơn rất nhiều...
Nhìn từ thực tế ở huyện Đại Từ, có thể khẳng định, nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đã phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ các đối tượng được vay vốn. Nhờ vào các chương trình cho vay vốn tín dụng ưu đãi, đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương.
Trọng Tài