Gia đình chị Bàn Thị Minh, ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng (Định Hóa), vay vốn chính sách để trồng quế, phát triển kinh tế.
Gia đình chị Hoàng Thị Nở, ở xóm Kim Tân, xã Kim Phượng, là một trong những hộ dân đã được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Định Hóa từ năm 2020. Chị Nở cho biết: Sau khi vay vốn, gia đình tôi đầu tư chuồng trại, mua 20 con dê nái về chăn thả. Dê giống được chăm sóc đầy đủ, sau 10 tháng là bắt đầu sinh sản, trung bình mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 1-2 con. Dê con sau khi chăm sóc, đạt trọng lượng từ 20-25kg là có thể xuất chuồng.
Với giá thịt dê thương phẩm trên thị trường hiện nay từ 130-140 nghìn đồng/kg, mỗi năm trừ hết chi phí, gia đình thu về hơn 30 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình đã có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tháng 11-2024, tôi đã trả nợ gốc cho ngân hàng và tiếp tục vay 100 triệu đồng để chuyển sang trồng rừng. - chị Hoàng Thị Nở
Tương tự, gia đình chị Bàn Thị Minh, xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng, cũng được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách. Năm 2021, gia đình chị Minh vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hộ cận nghèo để trồng thêm 1ha quế. Đưa chúng tôi lên tận khu đồi trồng quế của gia đình, chị Minh phấn khởi khoe: 4ha quế này được gia đình trồng từ những năm 1990. Đến nay, cây đã cho thu hoạch, tôi bán lá quế, vỏ quế phơi khô và cả gỗ quế sau khi bóc thu về hơn 50 triệu đồng/năm.
Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao, năm 2021, tôi quyết định vay vốn của NGCSXH đầu tư trồng thêm 1ha quế, nhờ tìm hiểu và chăm sóc đúng kỹ thuật, rừng quế phát triển tốt. Sau 3 năm lấy ngắn nuôi dài, gia đình tôi đã trả nợ gốc ngân hàng và tiếp tục vay 100 triệu đồng đầu tư vào cây quế. Tôi dự kiến sẽ thu hoạch bán từng đợt, thu hồi vốn và quay vòng trồng gối rừng mới chứ không bán hết một lượt. - chị Bàn Thị Minh
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Định Hóa giải ngân các nguồn vốn vay đến người dân.
Cùng với gia đình chị Nở, chị Minh, hiện trên địa bàn huyện Định Hóa đã có hàng nghìn trường hợp được vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, bảo đảm an sinh xã hội. Tính đến 30/11/2024, tổng nguồn vốn do Ngân hàng CSXH huyện Định Hóa quản lý đạt gần 874 tỷ đồng, đạt trên 99% kế hoạch năm, tăng 33,1 tỷ đồng so với 31/12/2023. Tổng dư nợ cho vay đạt trên 770 tỷ đồng với 16.240 khách hàng được vay.
Trong đó, cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn đạt trên 124,4 tỷ đồng; cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn trên 112,5 tỷ đồng; hộ mới thoát nghèo đạt trên 124,3 tỷ đồng; cho vay hộ nghèo trên 123,3 tỷ đồng; hộ cận nghèo trên 101 tỷ đồng; giải quyết việc làm trên 134,2 tỷ đồng…
Nguồn vốn chính sách đã giúp trên 1.750 lượt hộ nghèo, trên 1.500 hộ cận nghèo, hơn 1.800 hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển kinh tế. Vốn tín dụng chính sách cũng giúp thu hút và tạo việc làm cho gần 1.800 lao động, 50 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và 16 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm.
Vốn tín dụng chính sách còn giúp 150 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, mua máy móc thiết bị học tập trực tuyến, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Ngoài ra, nguồn vốn chính sách hỗ trợ người dân xây dựng cải tạo gần 6.000 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ gần 1.000 hộ nghèo xây dựng nhà ở trên địa bàn…
Ông Trương Anh Tú, Chủ tịch UBND xã Kim Phượng: Nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả cao. Qua đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới của xã.
Ông Nguyễn Phúc Huệ, Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Định Hóa thông tin: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể nhận ủy thác vốn vay kịp thời giải ngân theo chỉ tiêu thông báo; tập trung đôn đốc thu hồi nợ gốc, lãi đến hạn, cho vay quay vòng, không để ứ đọng lãng phí nguồn vốn…
Minh Phương