Tín dụng nửa cuối năm: Chủ yếu dựa vào bất động sản và đầu tư công

Tín dụng nửa cuối năm: Chủ yếu dựa vào bất động sản và đầu tư công
6 giờ trướcBài gốc
Bất động sản, giải ngân đầu tư công tăng trưởng tốt
Trong báo cáo mới đây, chuyên gia phân tích SSI Research cho rằng, trong bối cảnh thị trường toàn cầu còn bấp bênh liên quan đến chính sách thuế như hiện nay, động lực tăng trưởng tín dụng nửa cuối năm có thể đến từ các dự án liên quan đến bất động sản và hạ tầng trong nửa cuối năm 2025 và năm 2026.
Đây cũng là 2 lĩnh vực nhận được sự quan tâm chính sách ngày càng lớn, phù hợp với nỗ lực của Chính phủ nhằm kích thích nhu cầu trong nước và duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh biến động toàn cầu hiện nay.
Thị trường bất động sản Việt Nam đã cho thấy những dấu hiệu phục hồi sớm từ năm 2024, được thúc đẩy từ sự tiến triển về pháp lý và nguồn cung căn hộ mới tăng mạnh (tăng 91% so với cùng kỳ). Giá bất động sản tại các trung tâm thành phố lớn - đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM - đã phục hồi. Thị trường địa phương cũng đang thu hút sự chú ý, nhờ việc sáp nhập tỉnh và các dự án phát triển hạ tầng. Lãi vay thấp cũng sẽ tiếp tục thúc đẩy tâm lý người mua và hỗ trợ thanh khoản thị trường trong ngắn hạn.
Một loạt các dự án đầu tư công quy mô lớn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng không chỉ trong 6 tháng cuối năm 2025 mà còn trong trung hạn. Chính phủ đã tái khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc giải ngân 100% kế hoạch đầu tư công năm 2025, với tiến độ triển khai tăng tốc rõ rệt - cho thấy nỗ lực chính sách bền vững nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng và hoạt động kinh tế.
Việc gỡ bỏ room tín dụng - nếu xảy ra - sẽ làm thay đổi thị phần tín dụng các ngân hàng theo hướng có lợi cho các ngân hàng có bộ đệm vốn mạnh, do những ngân hàng này sẽ có khả năng mở rộng cho vay tốt hơn.
Lãi suất chịu áp lực nhưng vẫn sẽ duy trì ổn định
Chuyên gia phân tích SSI Research cho rằng, một khi tín dụng tăng trưởng mạnh hơn, lãi suất có khả năng sẽ biến động trong nửa cuối năm 2025.
Thứ nhất, yếu tố mùa vụ thường dẫn đến nhu cầu tín dụng tăng cao vào cuối năm, gây áp lực lên tỷ lệ LDR và khiến các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh nguồn vốn huy động. Tính đến cuối tháng 5/2025, tỷ lệ LDR thuần của toàn hệ thống vẫn ở mức cao, đạt khoảng 107%.
Thứ hai, tiến độ giải ngân đầu tư công nhanh hơn có thể dẫn đến việc giảm tiền gửi Kho bạc tại các ngân hàng thương mại - đặc biệt là tại các thương mại nhà nước - từ đó có thể tạo áp lực nhất định lên thanh khoản hệ thống trong ngắn hạn.
Thứ ba, tỷ giá ngoại tệ thường chịu áp lực tăng trong quý III và đầu quý IV trước khi hạ nhiệt vào cuối năm.
“Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng môi trường lãi suất sẽ được duy trì ổn định, nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế. Các biến động ngắn hạn có thể xảy ra, nhưng sẽ mang tính cục bộ và đặc thù đối với từng ngân hàng, thay vì mang tính hệ thống hoặc diễn ra trên phạm vi rộng”, các chuyên gia phân tích nhận định.
Ngân hàng tìm cách đa dạng nguồn thu
Trong bối cảnh lãi suất huy động cạnh tranh gay gắt khiến NIM thu hẹp và thu nhập lãi thuần chịu áp lực, nhiều ngân hàng đang tích cực mở rộng sang mảng quản lý tài sản nhằm đa dạng hóa nguồn thu ngoài hoạt động tín dụng truyền thống.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, đa dạng hóa nguồn thu sẽ là xu hướng phổ biến trong trung hạn.
Việc thành lập sàn giao dịch vàng và tiền mã hóa tại Việt Nam - nếu được thí điểm trong khuôn khổ Trung tâm Tài chính Quốc tế (IFC) tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng - có thể đóng vai trò chất xúc tác ban đầu cho quá trình chuyển đổi mô hình kinh doanh của các ngân hàng trong nước.
Nếu khung pháp lý cho phép triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với tài sản số trong khuôn khổ IFC, các ngân hàng có thể từng bước thử nghiệm cung cấp dịch vụ dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý. Dù vậy, việc mở rộng sang các loại tài sản mới này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Một tin vui nữa với ngành ngân hàng năm nay là Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng, dự kiến có hiệu lực từ ngày 15/10/2025, trao quyền cho các ngân hàng được thu giữ tài sản bảo đảm khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ thanh toán.
Điều này sẽ giúp các nhà băng rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu quả thu hồi nợ; Cải thiện quy trình thanh lý tài sản, giúp các ngân hàng đẩy nhanh việc bán tài sản và thu hồi vốn hiệu quả hơn; Giảm chi phí vận hành và tăng khả năng cấp tín dụng với mức lãi suất cạnh tranh hơn.
Các ngân hàng có tỷ trọng cho vay phân khúc bán lẻ cao (như VIB, TPB, OCB, MSB) - vốn xử lý số lượng lớn các khoản vay nhỏ lẻ - sẽ là những đơn vị hưởng lợi nhiều nhất từ những thay đổi pháp lý mới.
Theo dự báo của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu sẽ đạt lần lượt +14% và +16% svck trong năm 2025 và 2026.
Các yếu tố hỗ trợ lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng là: tín dụng tăng mạnh (khoảng 17% so với cùng kỳ), NIM ổn định ở mức 3,28%, chi phí tín dụng dần cải thiện (từ 1,04% trong năm 2025 giảm xuống 0,95% vào năm 2026)…
Thùy Liên
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tin-dung-nua-cuoi-nam-chu-yeu-dua-vao-bat-dong-san-va-dau-tu-cong-d326987.html