Tin nổi bật: Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất bị dột; Chính phủ muốn rút thủ tục đầu tư nhà ở xã hội còn 75 ngày; Pakistan đóng cửa không phận, hàng không Việt Nam đổi đường bay

Tin nổi bật: Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất bị dột; Chính phủ muốn rút thủ tục đầu tư nhà ở xã hội còn 75 ngày; Pakistan đóng cửa không phận, hàng không Việt Nam đổi đường bay
6 giờ trướcBài gốc
Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất bị dột sau trận mưa lớn
Nhà ga T3 gồm 1 tầng hầm và 4 tầng nổi với 27 cửa ra máy bay, có khu vực riêng dành cho khách VIP, hạng thương gia và khách ưu tiên. Ảnh: Lê Vũ
Một đoạn video trên mạng xã hội ghi lại cảnh mưa dột làm ướt sàn nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất trong cơn mưa lớn chiều 7-5 tại sảnh chờ ra cửa khởi hành khiến nhân viên phải lau dọn và dùng xô hứng nước. Theo đơn vị quản lý, nguyên nhân dột là do mái kính lấy sáng ở nhà ga có chỗ bị hở keo nên rò rỉ nước khi mưa lớn.
Ga T3 Tân Sơn Nhất được đưa vào khai thác từ ngày 17-4. Đây là nhà ga phục vụ khách nội địa lớn nhất cả nước với công suất 20 triệu hành khách mỗi năm, nâng tổng năng lực khai thác của sân bay này lên 50 triệu khách. Nhà ga T3 có tổng mức đầu tư gần 11.000 tỉ đồng, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines từ TPHCM đi Hà Nội, Vân Đồn và ngược lại đã chuyển sang khai thác tại đây.
Chính phủ muốn rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội còn 75 ngày
Dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV kỳ họp thứ 9 xem xét theo quy trình rút gọn, tháo gỡ vướng mắc trong phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân.
Một nội dung được doanh nghiệp kỳ vọng là đề xuất của Chính phủ về cơ chế đặc thù cho nhà ở xã hội, cắt giảm 70% thời gian làm thủ tục đầu tư, giúp đẩy nhanh tiến độ dự án trong bối cảnh nguồn cung còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị giao UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương và chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không dùng vốn công, giúp rút ngắn khoảng 200 ngày so với quy định hiện hành. Cơ chế đấu thầu hiện nay làm kéo dài tiến độ, mất khoảng 300 ngày. Với đề xuất mới, thời gian sẽ rút còn tối đa 75 ngày, giảm khoảng 70%.
Di dời hạ tầng kỹ thuật để làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu trước tháng Bảy
Mục tiêu là đến cuối tháng 6 việc di dời toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ hoàn thành. Ảnh: Lê Vũ
Theo Ban Quản lý dự án huyện Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua huyện Long Thành có khoảng 50 vị trí giao cắt với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chủ yếu là đường điện trung, hạ thế, đường điện cao thế (220kV, 110kV) và một vị trí đường điện 500kV.
Đến nay, các đơn vị đã di dời được khoảng 60% đường điện trung, hạ thế. Dự kiến đến cuối tháng 5 này, việc di dời hệ thống điện trung, hạ thế sẽ hoàn thành, còn đường điện 500kV sẽ hoàn thành giữa tháng 5 này.
Mục tiêu là đến cuối tháng 6 việc di dời toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ hoàn thành. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu có chiều dài hơn 54km. Trong đó, đoạn qua thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai dài hơn 34km.
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu chính ngạch 4 tấn tổ yến sang Trung Quốc
Ngày 8-5, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Qua 4 năm triển khai nghị định thư 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu chính ngạch hơn 4 tấn tổ yến vào Trung Quốc với giá trị hơn 4 triệu đô la Mỹ.
Sau khi ký Nghị định 2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (hiện nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã tiếp tục đàm phán để xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc. Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu tổ yến vào ngày 15-4-2025 bao gồm cả tổ yến sạch và tổ yến thô và sẽ thay thế cho Nghị định thư ký năm 2022.
Theo báo cáo của các địa phương, hiện cả nước có 29.320 nhà yến vào 2024 tại 40 tỉnh thành phố, trong đó nhiều nhất là Kiên Giang với gần 3.000 nhà nuôi yến.
Pakistan đóng cửa không phận, hàng không Việt Nam đổi đường bay
Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam thông báo kịp thời cho hành khách nếu kế hoạch khai thác chuyến bay bị thay đổi do xung đột quân sự. Ảnh: TL
Cục Hàng không Việt Nam đề nghị các hãng hàng không Việt Nam kiểm tra lại kế hoạch khai thác để lựa chọn các đường bay thay thế nhằm tránh ảnh hưởng từ cuộc giao tranh quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan. Cục Hàng không yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam thông báo kịp thời cho hành khách nếu kế hoạch khai thác chuyến bay bị thay đổi do xung đột quân sự.
Trước đó, Cơ quan Hàng không Dân dụng Pakistan đã thông báo về việc đóng cửa không phận từ 2 giờ 55 ngày 7-5 (giờ Việt Nam), Vietnam Airlines đã điều chỉnh đường bay và kế hoạch khai thác các chuyến bay giữa Việt Nam và châu Âu để đảm bảo an toàn.
Do giao tranh giữa Ấn Độ và Pakistan, một số hãng hàng không châu Á đã điều chỉnh hoặc hủy các chuyến bay đến và đi từ châu Âu. EVA Air của Đài Loan đã chuyển hướng các chuyến bay đến Vienna, Korean Air tránh không phận Pakistan cho các chuyến bay giữa Incheon và Dubai.
Đào Tân
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/tin-noi-bat-nha-ga-t3-tan-son-nhat-bi-dot-chinh-phu-muon-rut-thu-tuc-dau-tu-nha-o-xa-hoi-con-75-ngay-pakistan-dong-cua-khong-phan-hang-khong-viet-nam-doi-duong-bay/