Anh Thar Nge, một cư dân ở Sagaing, Myanmar, cho biết sự tang thương đang bao trùm khắp thành phố khi “mỗi làn gió thổi qua đều khiến mùi tử thi tràn ngập không khí”.
Một công trình bị phá hủy bởi động đất ở Myanmar. Ảnh: Unicef Myanmar
“Ở thời điểm này, số thi thể người thiệt mạng được tìm thấy nhiều hơn so với những người sống sót sau thảm họa động đất … Lực lượng cứu hộ từ thành phố Mandalay lân cận sáng 30/3 mới đến đây. Họ không thể đến giải cứu chúng tôi kịp thời vì cây cầu Ava bắc qua sông Irrawaddy đã bị cơn địa chấn phá hủy”, anh Thar nói với phóng viên của hãng tin Al Jazeera.
Theo anh Thar, bản thân đã mất niềm hy vọng tìm thấy con trai mình còn sống sót. Nhiều người trong thành phố này cũng mất đi thân nhân trong thảm họa.
“Như tôi được biết, cho tới nay có gần 90 thi thể được tìm thấy, trong khi chỉ 36 người còn sống được giải cứu khỏi đống đổ nát của nhiều ngôi nhà, cơ sở kinh doanh hoặc tu viện bị san phẳng. Nhiều người, nhất là các tu sĩ ở Sagaing, vẫn đang mắc kẹt trong những công trình bị hủy hoại. Trọng tâm cứu hộ hiện chuyển từ giải cứu người còn sống sang tìm kiếm và chôn cất người thiệt mạng”, anh Thar nói thêm.
Ảnh: Unicef Myanmar
Ko Lin Maw, một cư dân ở thành phố Mandalay gần tâm chấn động đất, bày tỏ anh không biết làm gì ngoài việc chờ lực lượng chức năng tới giải cứu những người thân đang mắc kẹt dưới đống đổ nát, nơi từng là mái ấm của gia đình mình.
“Mẹ cùng hai đứa con của tôi vẫn mắc kẹt dưới những đống đổ nát. Ngay cả khi điện thoại của tôi có tín hiệu để gọi cứu trợ, một số ít đội cứu hộ ở Mandalay vẫn ưu tiên cho các địa điểm lớn hơn, nơi được cho là có nhiều người còn mắc kẹt… Rõ ràng, số lượng nhân viên cứu hộ không đủ để giải cứu các nạn nhân”, anh Ko Lin Maw buồn bã nói.
Theo thống kê mới nhất của chính quyền quân sự Myanmar, các trận động đất cùng dư chấn xảy ra hôm 28/3 ở nước này đã khiến ít nhất 1.700 người thiệt mạng và 3.400 người khác bị thương. Ngoài ra, gần 300 trường hợp đang có tên trong danh sách mất tích.
Tuấn Trần