Tình cảnh trái ngược của Porsche tại Mỹ và Trung Quốc

Tình cảnh trái ngược của Porsche tại Mỹ và Trung Quốc
9 giờ trướcBài gốc
Doanh số tăng mạnh tại Mỹ
Porsche vừa ghi nhận một quý kinh doanh kỷ lục tại thị trường Mỹ, nhờ sức hút mạnh mẽ từ dải sản phẩm xe SUV và sự ra mắt của mẫu xe điện Macan hoàn toàn mới, Autoblog đưa tin.
Macan là mẫu xe Porsche bán chạy nhất tại Mỹ quý đầu năm.
Cụ thể, doanh số quý đầu năm tại Mỹ của Porsche đạt 18.884 xe, tăng 40,6% so với cùng kỳ 2024. Tính cả khu vực Bắc Mỹ, tổng lượng xe Porsche bán ra là 20.698 chiếc, tăng 37% so với cùng kỳ.
Đóng góp lớn vào thành công tại Mỹ của Porsche là mẫu SUV Macan mới với biến thể thuần điện. Gần một nửa trong số 7.486 xe Macan bán ra ở thị trường này quý vừa qua thuộc phiên bản điện.
Trong khi đó, các dòng xe thuần điện và hybrid cắm sạc (PHEV) chiếm gần một phần tư doanh số của Porsche tại Mỹ trong cùng thời gian.
Ngoài ra, doanh số xe đã qua sử dụng chính hãng cũng góp phần vào kết quả tích cực tại Mỹ, với mức tăng 11,7%, đạt 11.587 xe.
Bên cạnh Macan, các mẫu xe khác của Porsche cũng ghi nhận doanh số tốt tại Mỹ, như: Cayenne (5.331 xe), 911 (2.086 xe), Panamera (1.486 xe) hay 718 (1.476 xe).
Tình cảnh trái ngược ở Trung Quốc
Trong khi thị trường Mỹ đạt tăng trưởng doanh số lên tới 37%, đánh dấu quý kinh doanh thành công nhất trong lịch sử của Porsche tại đây, thì tình hình ở Trung Quốc lại hoàn toàn trái ngược.
Porsche đang trải qua quãng thời gian khó khăn tại Trung Quốc.
Doanh số của hãng xe thể thao hạng sang Đức tại đất nước tỷ dân giảm mạnh tới 42% so với cùng kỳ năm trước, khiến doanh số toàn cầu của Porsche trong quý I/2025 vẫn giảm tới 8% so với cùng kỳ.
Đây là sự sụt giảm nghiêm trọng, thể hiện rõ những khó khăn về kinh tế cũng như thách thức trong quá trình chuyển đổi sang xe điện mà Porsche đang phải đối mặt tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới.
Thị trường Trung Quốc từng là động lực tăng trưởng lớn của hãng trong hơn một thập kỷ qua, nhưng nay lại đang gặp rất nhiều khó khăn do áp lực từ nền kinh tế chung, cùng sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất xe điện nội địa.
Tại châu Âu, “sân nhà” của Porsche, tình hình cũng không khả quan hơn khi doanh số sụt giảm theo xu hướng chung.
Việc thị trường Trung Quốc và châu Âu cùng suy giảm đã tạo nên bức tranh kinh doanh toàn cầu ảm đạm với Porsche, cho thấy rõ rủi ro của việc triển khai xe điện không đồng đều ở các thị trường khác nhau.
Dẫu vậy, Porsche vẫn giữ sự lạc quan. Matthias Becker, thành viên hội đồng quản trị phụ trách bán hàng và marketing của Porsche AG, khẳng định hãng sẽ tiếp tục đáp ứng các yêu cầu đa dạng của khách hàng bằng chiến lược sản phẩm bao gồm cả động cơ đốt trong truyền thống, hybrid và xe thuần điện, từ nay đến năm 2030.
Giới phân tích nhận định, nếu nhìn vào thành công của Porsche tại Bắc Mỹ, rõ ràng chiến lược điện hóa của hãng có thể phát huy hiệu quả, nếu duy trì được đà tăng trưởng ổn định và linh hoạt ứng phó với sự chuyển dịch nhanh chóng của thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, sự suy giảm nghiêm trọng tại Trung Quốc lại là một dấu hiệu cảnh báo, không chỉ đối với riêng Porsche, mà còn cả các thương hiệu xe sang khác đang đặt cược lớn vào xe điện tại thị trường đầy biến động này.
Chí Vũ
Nguồn Xây Dựng : https://xe.baoxaydung.vn/tinh-canh-trai-nguoc-cua-porsche-tai-my-va-trung-quoc-192250422143231613.htm