Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 24/12, công thức tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT thay đổi từ năm 2025. Theo đó, điểm xét tốt nghiệp gồm điểm các môn thí sinh dự thi (chiếm 50%); điểm trung bình năm lớp 10, 11 và 12 (chiếm 50%) và điểm ưu tiên, khuyến khích…
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam khi trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống nhấn mạnh rằng, khi văn hóa chất lượng chưa hình thành và những tệ nạn, gian lận, tiêu cực trong dạy học, thi cử vẫn tràn lan, việc đưa ra trọng số 50/50 cần phải cân nhắc, thận trọng.
Ảnh minh họa
Lo ngại bệnh thành tích và gian lận thi cử
Năm 2019, Bộ GD&ĐT thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp theo tỉ lệ 70/30, để giảm thiểu tình trạng bệnh thành tích và gian lận thi cử. với cách tính điểm 50/50 theo quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành, nhiều ý kiến cho rằng “na ná” hồi năm 2018 trở về trước, điều này gây lo lắng gia tang bệnh thành tích, gian lận thi cử?
Tôi cho rằng, về lâu dài không cần có kỳ thi tốt nghiệp THPT nữa mà dựa trên đánh giá quá trình, kết quả học tập của học sinh. Đánh giá quá trình là đầy đủ, toàn diện nhất. Tuy nhiên, để đảm bảo được chuyện này cần phải có 2 điều kiện. Một là, hệ thống kiểm định các trường THPT của ta phải làm tốt, nhưng hiện nay chưa làm được. Hai là phải hình thành được văn hóa chất lượng trong toàn ngành giáo dục và xã hội. Tuy nhiên, ở ta hiện vẫn còn tình trạng xin điểm, mua điểm, sửa điểm tràn lan. Trong bối cảnh hiện nay như thế, nếu bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT đi mà chỉ dựa vào kết quả học bạ sẽ không đảm bảo đánh giá đúng chất lượng của 12 năm học phổ thông, mở đường cho tiêu cực phát triển. Nếu có ngăn chặn được tiêu cực thì vấn đề có trường cho điểm chặt, có trường cho điểm lỏng lẻo cũng không đảm bảo được sự công bằng đối với người học. Do đó vẫn phải có kỳ thi tốt nghiệp THPT ở thời điểm này.
Sự khác biệt của cách tính 50% điểm trung bình 3 năm lớp 10,11,12 theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 so với cách tính điểm xét tốt nghiệp là 50% của năm lớp 12 như trước đây? Rõ là đánh giá toàn diện hơn năng lực, trình độ của học sinh?
Mục đích Bộ GD&ĐT tăng tỷ lệ sử dụng điểm đánh giá quá trình (học bạ) từ 30 lên 50% nhằm đánh giá sát hơn năng lực người học theo chương trình giáo dục phổthông 2018. Điểm học bạ các năm lớp 10, lớp 11 cũng được sử dụng (với trọng số nhỏ hơn của lớp 12) thay vì chỉ của lớp 12 như trước đây cũng nhằm thúc đẩy việc dạy và học ngay từ khi học sinh bước vào bậc học THPT. Rõ ràng, việc tính 50% điểm trung bình 3 năm lớp 10,11,12 sẽ đánh giá toàn bộ năng lực người học trong suốt 3 năm cấp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới hơn là chỉ đánh giá điểm của 1 năm lớp 12.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện vẫn có hạn chế là không phải thi tất cả các môn mà chỉ thi một số môn đại diện. Do đó, phương án lấy điểm trung bình của 3 năm học bạ kết hợp với điểm thi một số môn là hợp lý. Tuy nhiên, tỷ lệ tương quan giữa 2 thành phần điểm này cần phải thay đổi. Khi ở Việt Nam văn hóa chất lượng chưa hình thành, những tệ nạn tiêu cực trong dạy học, thi cử vẫn tràn lan, trọng số điểm học bạ phải thấp hơn 50% thì phù hợp hơn. Tôi cho rằng, nếu 50/50 là hơi lạc quan.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Những vụ gian lận thi cử chấn động dư luận:
Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ gian lận thi tốt nghiệp THPT nổi cộm. Điển hình, năm 2018, trong kỳ thi THPT quốc gia xảy ra vụ gian lận thi cử lớn chưa từng có trong lịch sử giáo dục nước nhà. Tại 3 hội đồng chấm thi của 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã để một số người làm công tác chấm thi sửa điểm, nâng điểm cho 222 thí sinh từ 15 đến 27 điểm (Hà Giang có 114 thí sinh; Hòa Bình có 64 thí sinh; Sơn La có 44 thí sinh). Số thí sinh này sau đó dự tuyển ĐH bằng điểm gian lận, kết quả có 6 thí sinh là thủ khoa, á khoa các trường ĐH lớn. Vụ việc chấn động này dẫn đến một số lãnh đạo, cán bộ của các ngành giáo dục, công an… của 3 tỉnh trên bị khởi tố, kỷ luật; nhiều thí sinh buộc thôi học ở các trường ĐH sau khi bị phát hiện gian lận. Các kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm gần đây thường xuyên xảy ra hiện tượng thí sinh gian lận thi cử, đặc biệt sử dụng công nghệ cao.
Ai chịu trách nhiệm nếu xảy ra bệnh thành tích?
Đi đôi với việc ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, cần chế tài kèm theo để thực sự mang lại sự công bằng, minh bạch trong đánh giá năng lực, chất lượng của học sinh, chuyên gia nhìn nhận ý kiến này thế nào?
Tôi cho rằng, với việc ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 cũng cần phải có chế tài kèm theo để thực sự mang lại sự công bằng, minh bạch trong đánh giá năng lực, chất lượng của học sinh. Tuy nhiên, tôi cho rằng, để làm được phải cần sự quyết tâm của người đứng đầu Nhà nước, của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ ngành giáo dục làm được. Thực tế tệ nạn trong thi cử, học tập, trách nhiệm không chỉ của người đứng đầu ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội.
Giả thuyết lại xảy ra tình trạng bệnh thành tích từ Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trách nhiệm thuộc về người đứng đầu quản lý nhà nước về giáo dục?
Nếu nói về trách nhiệm người đứng đầu quản lý nhà nước về giáo dục thì hơi hình thức quá. Tôi cho rằng, nếu chủ trương, chính sách giáo dục để xảy ra bệnh thành tích, tiêu cực, gian lận thì đương nhiên người đứng đầu ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong điều kiện đã phân cấp cho các địa phương thì người đứng đầu các địa phương phải chịu trách nhiệm. Không phải việc gì cũng quy cho người đứng đầu ngành giáo dục hoặc quy cho địa phương.
Vẫn phải nói, tới bao giờ hệ thống giáo dục mới giảm được mọi sự thay đổi mỗi năm như hiện nay vì điều này luôn khiến học sinh phụ huynh “đứng ngồi không yên”?
Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, năm nay dứt khoát Quy chế thi tốt nghiệp THPT phải thay đổi. Bởi nó liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trước đây, các môn bắt buộc, bây giờ xuất hiện mấy môn tự chọn. Trước đây, học sinh THPT có thể đến sát kỳ thi tuyển sinh vào đại học mới quyết định được ngành nghề của họ nhưng với chương trình 2018, ngay vào đầu năm lớp 10, học sinh phải quyết định chọn các môn tự chọn, quyết định ngành mình học. Trước đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT thi 4 môn, trong đó có 3 môn Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Toán là truyền thống, có 2 môn thi theo tổ hợp. Như vậy, môn thứ 4 chỉ có 2 tổ hợp. Nhưng giờ theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, tính ra có đến 36 tổ hợpnên kỳ thi hiện giờ phức tạp.
Tôi muốn nhấn mạnh kỳ thi năm tới phức tạp, không chủ quan được. Tôi rất lo về chuyện này. Vì chương trình thay đổi, dứt khoát phải có sự thay đổi, phải có chỉ đạo cụ thể. Toàn dân, toàn hệ thống chính trị, xã hội phải vào cuộc, không xem nhẹ, coi thường, chủ quan được.
Xin cảm ơn chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Điểm mới của Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025:
Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được Bộ GD&ĐT ban hành kèm Thông tư số 24/2024/TT-BGDĐT có những điểm mới đáng chú ý. Thứ nhất: Tổ chức Kỳ thi thành 3 buổi thi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ Văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi tổ chức bài thi tự chọn. Các thí sinh dự thi sẽ được sắp xếp theo tổ hợp bài thi tự chọn để tối ưu phòng thi, điểm thi. So với những năm trước, giảm 1 buổi thi, giảm 2 môn thi. Thứ hai: Sử dụng kết hợp điểm đánh giá quá trình (học bạ) và kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp theo tỷ lệ 50-50. Thứ ba: Chứng chỉ ngoại ngữ vẫn được tiếp tục sử dụng để miễn thi trong xét công nhận tốt nghiệp nhưng không được quy đổi thành điểm 10 trong xét công nhận tốt nghiệp như trước đây; công thức tính điểm xét tốt nghiệp không có điểm ngoại ngữ trong trường hợp này…
Hải Ninh- Mai Loan thực hiện