Bà Trần Thị Thanh Nhàn, cựu thanh niên xung phong và chồng là ông Bùi Mạnh Đức, thương binh hạng 3/4, từng công tác tại Công ty Thiết bị phụ tùng Hải Phòng. Khoảng đầu những năm 2000, căn nhà nhỏ của ông bà ở đường Ngô Gia Tự (TP Hải Phòng) trở thành điểm hẹn quen thuộc của những đồng đội cũ, những thương binh, cựu chiến binh từng cùng chung chiến hào, gắn bó trong khói lửa chiến tranh.
Trong câu chuyện thường nhật, họ hàn huyên chuyện cũ, sẻ chia những khó khăn trong cuộc sống hiện tại, động viên nhau vượt qua vết thương còn hằn trên cơ thể. Bà Nhàn kể, trong những buổi trò chuyện ấy, một ý tưởng dần hình thành: thành lập một hợp tác xã thương binh, nơi không chỉ tạo việc làm mà còn là điểm tựa tinh thần cho những người lính và con cháu của họ.
Ông Trần Ngọc Quang (bên trái), thương binh hạng 1/4, mất cả hai chân trong chiến trường Quảng Trị nhưng luôn lạc quan, là thành viên nhiệt tình trong HTX Thương binh Hải Đông
"Tôi nhớ mãi ông Vinh thương binh loại 1, có vợ bán vé số, hai con bị nhiễm chất độc hóa học. Ông ấy bảo: Chúng tôi muốn cùng với bà cố gắng tạo một doanh nghiệp, để khi nào chúng tôi nằm xuống, con chúng tôi có bát cơm, bát cháo hàng ngày. Động lòng lắm, thương lắm. Anh em mới bảo: Thế thì mình thành lập HTX thương binh, phát triển được thì để các cháu có công ăn việc làm; thứ hai, để các ông thương binh có nơi sinh hoạt. Mấy ông phấn khởi lắm, tích cực lắm", bà Nhàn kể.
Hợp tác xã (HTX) Thương binh Hải Đông ra đời, ban đầu chỉ có 5 thành viên. Những ngày đầu gian khó, HTX chưa định hình được hướng đi cụ thể, chỉ biết rằng cần phải đoàn kết, phải làm điều gì đó hữu ích. Nhờ có một nữ phó chủ nhiệm là nghệ nhân mây tre đan, họ bắt đầu từ những sản phẩm thủ công giản dị. Bà Nhàn tích cực tham gia các lớp đào tạo của tổ chức JICA (Nhật Bản), mang sản phẩm giới thiệu tại các hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài thành phố Hải Phòng, kết nối với đối tác Nhật Bản.... Từ những nỗ lực đó, HTX dần phát triển và mở rộng lĩnh vực hoạt động.
Đến nay, HTX Thương binh Hải Đông có gần 30 thương binh tham gia, tạo việc làm ổn định cho khoảng 15 con em thương binh và người khuyết tật, cùng khoảng 15 lao động thời vụ. Mỗi người một hoàn cảnh, một vết thương chiến tranh để lại nhưng tất cả đều chung một khát vọng vươn lên và niềm tin vào giá trị của lao động chân chính. Ông Trần Ngọc Quang, thương binh hạng 1/4, mất cả hai chân trong chiến trường Quảng Trị chia sẻ, chính tình đồng đội đã giúp ông thêm lạc quan.
Hợp tác xã Thương binh Hải Đông (TP Hải Phòng), nơi không chỉ tạo việc làm mà còn là điểm tựa tinh thần cho những người lính thương binh và con cháu của họ
"Thương tật thì cũng nặng, sức khỏe không còn nhiều nhưng mình vẫn cố gắng. Khi mình làm sản phẩm ra, mình đã cố gắng rồi mà thấy mọi người ưa chuộng, thích thú, mình lại cố gắng hơn. Mình còn tí sức khỏe nào thì mình lại đổ vào đam mê", ông Quang nói.
Những sản phẩm mây tre đan của ông Quang và đồng đội đã vươn ra thị trường và hiện diện tại nhiều hội chợ trong và ngoài nước, mang theo tinh thần kiên cường và niềm tự hào của những người lính thời bình.
HTX Thương binh Hải Đông là 1 trong hơn 200 hội viên của Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Hải Phòng. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, thực hiện lời dạy của Bác “thương binh tàn nhưng không phế”, các thương binh, chủ doanh nghiệp đã cùng nhau vượt khó, xây dựng cơ đồ từ hai bàn tay trắng, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp trong Hiệp hội đã đạt doanh thu gần 1.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 60 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 2.500 lao động, với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng.
Ông Bùi Duy Tư, thành viên Hiệp hội khẳng định, tinh thần đoàn kết, chia sẻ đã làm nên sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt này.
"Hiệp hội doanh nghiệp thương binh và người khuyết tật Hải Phòng đã hỗ trợ hội viên với tinh thần đoàn kết và tương trợ, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, hỗ trợ nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Các doanh nghiệp hội viên xuất phát là người lính, với tinh thần tiên phong, dám nghĩ, dám làm, dù trình độ chuyên môn, kỹ thuật còn hạn chế nhưng đã mạnh dạn tự học tự làm, vừa học vừa làm để hoàn thiện, đưa doanh nghiệp và hiệp hội ngày càng phát triển", ông Tư cho biết.
Không chỉ là chỗ dựa kinh tế, Hiệp hội còn là mái nhà của tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Các doanh nghiệp, hội viên thường xuyên thăm hỏi nhau lúc ốm đau, hỗ trợ hội viên khó khăn, tổ chức nhiều hoạt động tri ân các gia đình liệt sĩ, thương binh, đồng chí, đồng đội.
Ông Phạm Văn Đức, thương binh hạng 1/4, cựu chiến binh Đoàn tàu Không số, thành viên HTX Thương binh Hải Đông chia sẻ: "Tham gia HTX này tôi thấy vui, anh em đoàn kết, có việc gì thì hỗ trợ, thăm hỏi nhau. Vui nhất là gặp lại đồng đội, nhất là dịp 27/7 hay lễ Tết. Còn thường xuyên thì có việc lại phân công nhau đi làm, người nào việc nấy. Phải đoàn kết cùng nhau, nhìn thấy nhau là thích lắm, hát hò, vui sướng lắm".
Dù trên chiến trường năm xưa hay trên mặt trận kinh tế hôm nay, những người lính thương binh vẫn luôn kiên cường, bất khuất, cùng nhau tiếp nối hành trình của một thế hệ “thương binh tàn nhưng không phế”, dựng xây cuộc sống ấm no cho đồng đội, cho gia đình và góp phần phát triển quê hương, đất nước.
Thanh Nga/VOV-Đông Bắc