Chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, không tổ chức cấp huyện đang là vấn đề thời sự “nóng” nhất được cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước quan tâm, theo dõi từng ngày. Tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là bước đi đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh hiện nay, là yêu cầu quan trọng khi bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đòi hỏi sự chung sức, đồng lòng, dốc hết tốc lực của cả hệ thống chính trị để hoàn thành thắng lợi mục tiêu chung.
Kỳ 1: Thận trọng, quyết liệt trong từng bước đi
Cùng với cả nước, việc sáp nhập đơn vị hành chính các cấp đối với tỉnh Khánh Hòa là bước đi quan trọng, mở ra cơ hội bứt phá, hướng đến giai đoạn phát triển mạnh mẽ, mở ra thập niên mới, thập niên vươn tầm và phát triển của tỉnh nhà.
Yêu cầu tất yếu từ thực tiễn
Vấn đề cải cách bộ máy nhà nước luôn là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta. Năm 2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến tháng 10-2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Sau gần 8 năm thực hiện Nghị quyết số 18, hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã từng bước được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn. Tuy nhiên, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian, nhiều đầu mối, chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.
Quang cảnh hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, diễn ra ngày 1-12-2024.
Qua đánh giá tổng kết việc thực thi Nghị quyết số 18 cho thấy, chi thường xuyên cho bộ máy chiếm tới gần 70% tổng chi ngân sách nhà nước (trong khi con số này ở nhiều nước chỉ khoảng 48 - 50%), nguồn chi cho bộ máy nhà nước đã chiếm tới 2/3 tổng chi ngân sách, không còn đủ nguồn lực để đầu tư phát triển, an sinh xã hội... Thực tiễn đó cho thấy, một bộ máy cồng kềnh, chồng chéo chức năng không chỉ làm tăng gánh nặng ngân sách, mà còn làm trì trệ quá trình ra quyết định, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.
Một bộ máy tinh gọn, vận hành linh hoạt không chỉ giúp phát triển bền vững, mà còn tăng khả năng thích ứng với biến động toàn cầu. Việc cắt giảm thủ tục hành chính, loại bỏ điểm nghẽn trong hệ thống quản lý tạo thuận lợi hơn cho môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Tinh gọn tổ chức bộ máy không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển nội tại, mà còn giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Một bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, giúp giảm gánh nặng ngân sách, cải thiện môi trường kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế và chuyển đổi số.
Đặc biệt, chủ trương về không tổ chức cấp huyện, thực hiện mô hình địa phương 2 cấp đang rất được quan tâm và nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Nhân dân ủng hộ việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vì sẽ tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí hành chính và tình trạng lãng phí trong chi tiêu công; bộ máy chính quyền tinh, gọn, nhẹ hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời mong muốn việc sắp xếp tổ chức bộ máy khi sáp nhập tỉnh, xã cần phải chọn được người tài, người giỏi, có đạo đức, có tinh thần trách nhiệm làm việc.
Xem xét kỹ càng, hành động quyết liệt
Sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề hệ trọng, cần xem xét kỹ càng, hành động quyết liệt để đạt kết quả tối ưu. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm tầng nấc trung gian và nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, góp phần xây dựng hệ thống quản trị linh hoạt, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Quyết tâm chính trị mạnh mẽ, sự đồng thuận của toàn dân và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là điều kiện quan trọng bảo đảm sự phát triển mạnh mẽ của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28-2-2025 về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kết luận số 722-KL/TU về việc triển khai Kết luận số 127. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chủ động quán triệt nội dung này, đồng thời phối hợp tuyên truyền sâu rộng chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo tạm dừng tổ chức đại hội đảng bộ cấp xã, cấp huyện cho đến khi có chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền; tạm dừng chỉ định, bổ sung cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã và cấp huyện; bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn đối với cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện; điều động, luân chuyển cán bộ, công chức từ cấp huyện về cấp xã và ngược lại kể từ ngày 5-3-2025; giao Đảng ủy UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chủ động xây dựng đề án, tờ trình về tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã (đề xuất 2 - 3 kịch bản),… và một số nội dung quan trọng khác. Đồng thời, nhằm tạo sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, tin tưởng trong xã hội để công tác tuyên truyền thực hiện Kết luận số 127 đạt hiệu quả cao nhất, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chủ động bám sát các chỉ đạo của Trung ương, nhanh chóng ban hành Kế hoạch tuyên truyền thực hiện Kết luận số 127 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai, nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Ngày 14-3-2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 130-KL/TW về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở, không tổ chức cấp huyện). Tiếp đó, ngày 28-3-2025, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 137-KL/TW về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, trong đó nêu cụ thể định hướng chủ trương trong việc sắp xếp lại chính quyền cấp tỉnh, tổ chức lại chính quyền cấp xã, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.
Căn cứ các chỉ đạo của Trung ương, ngày 3-4-2025, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 1667-QĐ/TU về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Ban Chỉ đạo gồm 35 thành viên; ông Nghiêm Xuân Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban Chỉ đạo. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết các vấn đề quan trọng, liên ngành trong việc thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn, bảo đảm chính quyền địa phương cấp cơ sở gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân.
Tuy nhiên, để cuộc cách mạng đi đến thành công, ngoài quyết tâm chính trị cao rất cần sự vào cuộc, đồng hành của các tầng lớp nhân dân, trong đó trước hết, trên hết, trực tiếp là đội ngũ cán bộ, công chức.
SÂM NGUYỄN - HOÀNG VY
(Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy)
Kỳ cuối: Vững vàng tâm thế