Tinh gọn bộ máy hành chính: Hy sinh vì lợi ích chung, nhưng không thể thiếu sự công bằng

Tinh gọn bộ máy hành chính: Hy sinh vì lợi ích chung, nhưng không thể thiếu sự công bằng
6 giờ trướcBài gốc
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đoàn Hà Nội, trong mọi cuộc cải cách lớn, sự hy sinh quyền lợi cá nhân vì lợi ích chung luôn là yếu tố quan trọng.
Tuy nhiên, để tạo sự đồng thuận và cam kết từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sự hy sinh đó phải đi kèm với chính sách hỗ trợ hợp lý, bảo đảm công bằng và minh bạch.
Bảo đảm công bằng và hỗ trợ thiết thực
"Việc sáp nhập bộ máy hành chính chắc chắn sẽ tạo ra tâm tư, lo ngại đối với không ít cán bộ, công chức, viên chức, bởi đây là một sự thay đổi lớn, liên quan trực tiếp đến công việc, quyền lợi và môi trường làm việc của họ. Đặc biệt, khi việc sáp nhập có thể dẫn đến điều chỉnh, giảm biên chế hoặc thay đổi cơ cấu tổ chức, cảm giác lo lắng và bất an là điều dễ hiểu", PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, đại biểu Sơn cũng cho rằng, trong bối cảnh cải cách hành chính và phát triển đất nước, một phần của quá trình này chính là sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: quochoi.vn)
“Việc đặt lợi ích chung lên hàng đầu, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân để mang lại hiệu quả tổng thể cho bộ máy nhà nước và phục vụ người dân tốt hơn, là một thái độ cần thiết và đáng trân trọng trong công cuộc xây dựng đất nước”, ông Sơn khẳng định.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng, nếu sự hy sinh quyền lợi cá nhân là điều cần thiết để cải cách bộ máy hành chính, thì điều quan trọng là phải có chính sách hỗ trợ hợp lý. Cán bộ, công chức, viên chức không chỉ hy sinh vì lợi ích của tập thể mà phải cảm nhận được sự công bằng và sự chăm lo từ phía Nhà nước.
Để giải quyết vấn đề này, ông cho rằng cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể như chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo lại, tạo cơ hội việc làm mới cho những người bị ảnh hưởng.
"Khi họ cảm thấy mình không bị bỏ lại phía sau, mà thực sự có sự hỗ trợ để thích ứng với môi trường mới, họ sẽ dễ dàng chấp nhận và tham gia vào quá trình này với tâm lý tích cực hơn", ông nói.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn cũng nhấn mạnh vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ tinh gọn bộ máy. Theo ông, sự lãnh đạo quyết liệt và minh bạch từ cấp cao sẽ tạo ra sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong Đảng mà còn trong toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội.
"Khi người đứng đầu thể hiện được tầm gương mẫu, tiên phong trong hành động, họ không chỉ tạo dựng lòng tin mà còn truyền cảm hứng cho các cấp dưới, giúp mọi người nhận thức được tầm quan trọng của công việc và sự quyết tâm trong quá trình thực hiện," ông phân tích.
Đặc biệt, việc giảm biên chế, cải tiến công tác tổ chức, nâng cao hiệu quả công việc phải bắt đầu từ chính những người lãnh đạo cao nhất. Khi họ làm gương, các cấp dưới sẽ dễ dàng nhận thức được rằng cải cách không phải là "chỉ trên giấy" mà là một phần của công việc thực tế hàng ngày.
Loại bỏ chồng chéo, hướng tới bộ máy hiệu quả
Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 18 là nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, từ đó đề ra giải pháp kiện toàn, sắp xếp tổ chức, thu gọn đầu mối.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, việc sáp nhập các bộ, ngành có chức năng tương đồng là một giải pháp quan trọng nhằm tối ưu hóa hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm nguồn lực và hiện đại hóa bộ máy hành chính.
"Hiện nay, bối cảnh kinh tế-xã hội cùng sự phát triển về cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin đã tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình này. Sáp nhập các bộ, ngành có chức năng tương đồng không chỉ giúp khắc phục những hạn chế hiện tại mà còn tạo ra sự phối hợp hiệu quả hơn, bảo đảm tính đồng bộ trong quản lý", ông nhận định.
Tuy nhiên, đại biểu Sơn cũng lưu ý rằng đây là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự cẩn trọng và bài bản. Việc sáp nhập không nên chỉ dừng lại ở cắt giảm cơ học mà cần bắt đầu từ đánh giá cụ thể chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, xây dựng khung pháp lý chặt chẽ để tránh chồng chéo hoặc bỏ sót.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, việc Tổng Bí thư Tô Lâm gọi sắp xếp, tinh gọn bộ máy là "cuộc cách mạng" không chỉ thể hiện tầm quan trọng mà còn nhấn mạnh sự quyết liệt cần có để thực hiện nhiệm vụ này.
Để thực hiện thành công "cuộc cách mạng" này, đại biểu Sơn nêu quan điểm cần tập trung vào một số yếu tố cốt lõi. Trong đó, quyết tâm chính trị, sự quyết liệt từ cấp lãnh đạo cao nhất là động lực quan trọng để thúc đẩy cải cách.
Thứ hai, yếu tố nhân sự đóng vai trò quyết định. Đào tạo, chuyển đổi năng lực cho cán bộ để họ thích ứng với cơ cấu mới là một nhiệm vụ quan trọng.
Thứ ba, sự đồng thuận từ xã hội là điều không thể thiếu. Theo đại biểu, bất kỳ cuộc cải cách nào cũng cần sự ủng hộ của người dân, bởi đây là đối tượng hưởng lợi cuối cùng từ một bộ máy hành chính hiệu quả. Để làm được điều đó, cần minh bạch hóa thông tin, truyền thông hiệu quả và giải quyết các lo ngại phát sinh.
Cuối cùng, sự thận trọng nhưng quyết liệt trong thực hiện là yếu tố then chốt. Đây là một quá trình phức tạp và dài hạn, cần thử nghiệm, điều chỉnh linh hoạt nhưng không để mất đi mục tiêu lớn.
“Tôi tin rằng, với tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo sáng suốt, Việt Nam hoàn toàn có thể biến cuộc cách mạng này thành hiện thực, mở ra một chương mới cho quản trị quốc gia”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
TRUNG HƯNG
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/tinh-gon-bo-may-hanh-chinh-hy-sinh-vi-loi-ich-chung-nhung-khong-the-thieu-su-cong-bang-post858319.html