Từ cuối tháng 11/2024, cả hệ thống chính trị quyết liệt triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Những điều chỉnh, thay đổi mạnh mẽ, có tính cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hướng đến đáp ứng các tiêu chí "tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả".
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chiều 24/1/2025. (Ảnh: TTXVN)
Tinh gọn để nâng cao năng lực lãnh đạo
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương, cho biết, việc tổ chức, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống là một trong những nội dung lớn của một Đảng cầm quyền.
"Một Đảng khi đứng lên cầm quyền phải thực hiện đồng thời 3 việc: Một là đề ra đường lối; Hai là thiết lập bộ máy tổ chức để truyền tải đường lối đó, tổ chức thực hiện đường lối đó và cơ chế vận hành của nó; Ba là xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng với yêu cầu để làm sao đủ sức đưa các chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn cuộc sống", ông Hà nói.
Theo ông Hà, sau 80 năm hình thành và phát triển, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn bổ sung, phát triển, hoàn thiện dần để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng, nhưng vẫn với một cơ chế ổn định "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ".
Song, nguyên Vụ trưởng thuộc Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, nhìn nhận một cách nghiêm túc thì chúng ta làm nhiều lần, nói tinh nhưng chưa tinh, nói gọn nhưng chưa gọn, nói mạnh nhưng chưa mạnh và hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.
Vì thế lần này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đặc biệt là Tổng Bí thư Tô Lâm thấy rằng cần thiết phải tiến hành cuộc cách mạng về tổ chức, tinh gọn bộ máy.
"Tinh gọn bộ máy lần này thực chất là đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, hiệu quả và củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng; tăng cường tổ chức lại, tái cấu trúc các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta một cách triệt để và khoa học", ông Hà nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương trả lời phỏng vấn VTC News (Ảnh: Đắc Huy)
Phân tích thêm về sự liên quan chặt chẽ giữa tinh gọn tổ chức bộ máy và phương thức lãnh đạo của Đảng, ông Hà nêu rõ, kiện toàn tổ chức bộ máy thực chất là làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, từng lĩnh vực, từng đơn vị.
Từ đó khắc phục được tình trạng giao thoa, chồng lấn, một việc nhiều người nhúng tay vào nhưng không ai quyết định. Hay một việc nhưng phải chờ đợi nhau, lấy hết ý kiến "ông này", ý kiến "ông kia", cuối cùng dẫn đến chậm trễ, mất thời gian, mất thời cơ, tức là hiệu quả thấp.
"Làm rõ người, rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian và rõ hiệu quả... chính là liên quan phương thức lãnh đạo của Đảng. Phương thức lãnh đạo của Đảng là Đảng lãnh đạo thế nào, cách làm thế nào, tổ chức thực hiện ra sao, vừa đảm bảo được vai trò lãnh đạo của Đảng nhưng lại phát huy được vai trò của Nhà nước, của các cơ quan có liên quan", ông Nguyễn Đức Hà bày tỏ.
Cùng bàn luận vấn đề này, TS Nguyễn Văn Đáng, Nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay đặc trưng bởi nguyên tắc "tập trung và thống nhất" về quyền lực.
Nghĩa là trong hệ thống chính trị luôn tồn tại một chủ thể hạt nhân nắm giữ quyền lực, chi phối được hoạt động của cả hệ thống tổ chức quyền lực.
Các thành tố tạo nên hệ thống chính trị được phân chia theo chức năng và nhiệm vụ, nhiều cấp độ khác nhau, nhưng luôn phải hợp tác và phối hợp với nhau chứ không tồn tại độc lập, cạnh tranh, hay kiềm chế lẫn nhau.
"Nguyên tắc nền tảng cho sự vận hành của hệ thống chính trị ở nước ta là "tập trung dân chủ" với một số yêu cầu then chốt như: thiểu số phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, cá nhân phục tùng tổ chức, tập thể lãnh đạo...", ông Đáng nêu.
Cụ thể hơn, đặc trưng "tập trung và thống nhất" của mô hình tổ chức quyền lực chính trị ở nước ta trước hết thể hiện ở vị trí và vai trò hạt nhân quyền lực trong hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo đó, Đảng là một bộ phận của hệ thống chính trị, đồng thời cũng lãnh đạo hệ thống chính trị, tức là Đảng đảm nhiệm cả hai vai trò lãnh đạo và cầm quyền. Vai trò lãnh đạo của Đảng là tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện, bao trùm mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...
"Quyền lực Nhà nước cũng được phân chia theo chiều ngang (lập pháp, hành pháp, tư pháp) và chiều dọc (Trung ương, địa phương). Các chủ thể quyền lực Nhà nước phải hợp tác và phối hợp với nhau; quyền lực Trung ương không chỉ có thể kiểm soát mọi hoạt động đối nội, đối ngoại, mà còn có thể chi phối mọi hoạt động của các chủ thể quyền lực địa phương", TS Đáng phân tích.
Ưu điểm của mô hình tổ chức "quyền lực tập trung và thống nhất" là giúp các thành tố tạo nên hệ thống chính trị được gắn kết chặt chẽ thành một khối, vận hành trong sự kiểm soát của chủ thể hạt nhân quyền lực.
Tuy nhiên, ông Đáng nhìn nhận, theo tinh thần của cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay, chúng ta cần nhận thức rằng bảo đảm sự thống nhất quyền lực không có nghĩa là lẫn lộn giữa quyền lực chính trị với quyền lực công, duy trì tình trạng "song trùng hình thức", "chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ", "bao biện làm thay", cơ quan Đảng "lấn sân" cơ quan Nhà nước, chính quyền Trung ương can thiệp quá sâu vào phạm vi công việc của các chính quyền địa phương, hay chính quyền địa phương ỷ lại chính quyền Trung ương.
Thay vào đó, ông Đáng chỉ rõ, phải bảo đảm sự thống nhất quyền lực ở nước ta có nghĩa là phải thực hiện tốt hơn nữa cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.
Cụ thể hơn, bảo đảm sự thống nhất quyền lực tức là bảo đảm ý chí chính trị, chủ trương và đường lối lãnh đạo của hạt nhân quyền lực (Đảng Cộng sản Việt Nam) được triển khai thông suốt và nhất quán ở mọi lĩnh vực, mọi cấp độ quản trị.
"Các chính sách của chính quyền Trung ương được thực hiện nghiêm túc trên phạm vi quốc gia, và chính sách của các chính quyền địa phương cần phải nhất quán với các định hướng chính sách vĩ mô được hoạch định bởi chính quyền Trung ương", ông Nguyễn Văn Đáng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại phiên bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chiều 24/1/2025. (Ảnh: TTXVN)
Bảo đảm hiệu lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới
Quyết tâm "đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển" vào năm 2045 đã được Đảng và Nhà nước tuyên bố công khai, nhận được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi.
Có thể nói, sứ mệnh chính trị cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong hai thập kỷ sắp tới là quy tụ sự ủng hộ của mọi lực lượng xã hội cho tầm nhìn lãnh đạo 2045, phát huy mọi tiềm năng cũng như nguồn lực của đất nước, nỗ lực tư duy và hành động đúng đắn để đưa đất nước bứt phá, vươn tới vị thế quốc gia phát triển.
TS Nguyễn Văn Đáng cho rằng, từ góc nhìn lãnh đạo, khát vọng Việt Nam 2045 cũng đang đặt ra nhu cầu phải bảo đảm hiệu lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Theo ông, ở bất cứ cấp độ nào, lãnh đạo cũng là quá trình tương tác hai chiều, qua đó chủ thể lãnh đạo gây ảnh hưởng đến những người khác, cùng hành động để đạt được các mục tiêu chung, góp phần hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo.
Gắn với mỗi bối cảnh cụ thể, hoạt động lãnh đạo diễn ra trong các hệ thống lãnh đạo, bao gồm các chủ thể lãnh đạo, các lực lượng ủng hộ, hệ giá trị và chuẩn mực, tập hợp các khuôn mẫu hành vi và vai trò, nguyên tắc vận hành, quy trình ban hành và thực thi các quyết định lãnh đạo.
"Như vậy, một hệ thống lãnh đạo sẽ cho thấy hiệu lực hoạt động khi vận hành thông suốt, đồng bộ, nhất quán. Nhờ đó, chủ thể lãnh đạo có thể truyền cảm hứng, tạo động lực, gắn kết các lực lượng, duy trì cam kết ủng hộ, và thực hiện được những mục tiêu chung, theo đuổi bởi cả hệ thống lãnh đạo", ông Đáng phân tích.
TS Nguyễn Văn Đáng, Nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh). (Ảnh: Đắc Huy)
Nhìn từ thực tế, ông Đáng đánh giá quá trình thực hiện vai trò lãnh đạo sẽ phụ thuộc vào một điều kiện then chốt là quyền lực, tức là khả năng thực hiện được ý chí của chủ thể lãnh đạo.
Do đó, sự vận hành thông suốt của mô hình tổ chức quyền lực gắn với mỗi hệ thống lãnh đạo sẽ có ảnh hưởng quyết định đến hiệu lực lãnh đạo.
TS Nguyễn Văn Đáng khẳng định, ở nước ta, sau gần 40 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, bối cảnh hiện nay và những mục tiêu lãnh đạo trong thời kỳ mới cũng đang đặt ra nhu cầu cải thiện hiệu lực lãnh đạo của Đảng.
Vị chuyên gia dẫn báo cáo về công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng tại Đại hội XIII: "Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị còn chậm đổi mới, có mặt còn lúng túng. Cơ chế kiểm soát quyền lực trong Đảng và Nhà nước chưa đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao…
Việc thể chế hóa, cụ thể hóa một số chủ trương, nghị quyết của Đảng thành pháp luật của Nhà nước chưa đầy đủ, kịp thời. Việc ban hành nghị quyết của một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa sát thực tiễn, thiếu tính khả thi; việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện một số nghị quyết chưa nghiêm, hiệu quả thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng còn xảy ra ở một số nơi".
Hay gần đây, trong bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới", Tổng Bí thư Tô Lâm cũng chỉ ra: "Mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh. Mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng".
Vì thế, theo ông Đáng, để gia tăng khả năng thành công với tầm nhìn lãnh đạo 2045, một trong những vấn đề căn cốt nhất là phải cải thiện và bảo đảm hiệu lực lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới.
Trong bối cảnh đó, trước hết cần tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện mô hình tổng thể về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị nhằm đáp ứng các tiêu chí quản trị hiện đại.
Ưu tiên hàng đầu là cần xem xét phân định ranh giới rõ ràng hơn giữa quyền lực chính trị (của Đảng) và quyền lực công (của Nhà nước), nhằm bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong sự tôn trọng vai trò và chức năng quản lý của các cơ quan Nhà nước.
Bước tiếp theo được ông Đáng đề cập là xây dựng chiến lược tổng thể quốc gia về phân cấp, phân quyền với kế hoạch và lộ trình cụ thể. Trong đó, cần xác định những lĩnh vực sẽ đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính quyền Trung ương nhằm bảo đảm sự ổn định chính trị và các lợi ích quốc gia.
Với các cấp chính quyền địa phương, TS Đáng gợi ý cần tiếp tục nghiên cứu để trao quyền chủ động hơn nữa đối với các lĩnh vực đời sống dân sinh xã hội hàng ngày.
Đồng thời, tiến hành rà soát, hiệu đính, và bổ sung những quy định thể chế để bảo đảm sự rõ ràng, chính xác về khái niệm và cách hiểu nhằm giảm thiểu sự vận dụng tùy tiện các quy định, dễ dẫn đến sự can thiệp thái quá của cơ quan Đảng với cơ quan Nhà nước, của chính quyền Trung ương vào các hoạt động của chính quyền địa phương, hoặc sự ỷ lại của địa phương vào Trung ương.
Để đảm bảo sự thống nhất quyền lực, ông Nguyễn Văn Đáng cho rằng cần quan tâm đến hoạt động kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, thay vì chỉ chú trọng công tác kiểm tra, giám sát theo chiều dọc trong nội bộ mỗi cơ quan thuộc hệ thống chính trị, chúng ta cần tính đến các phản ứng theo chiều ngang.
"Tức là việc kiểm tra, giám sát có thể tiến hành chéo giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, với thành phần tham gia hoạt động kiểm tra, giám sát đa dạng nhằm giảm thiểu nguy cơ "đóng cửa bảo nhau". Và để gia tăng tính khách quan và giảm thiểu tính hình thức trong hoạt động kiểm tra, giám sát thì cần tính đến mô hình tổ chức theo cụm cơ quan, ngành và địa phương", ông Đáng kiến nghị.
Bên cạnh đó, trong xã hội hiện đại, các phản ứng từ phía xã hội ngày càng trở nên quan trọng và là một phương tiện hữu hiệu để có thể sớm phát hiện các biểu hiện lạm quyền.
Vì thế, ông Đáng nhấn mạnh cần kiến tạo các điều kiện thể chế để các chủ thể ngoài Nhà nước có thể thực sự tham gia vào hoạt động kiểm tra, giám sát.