Tỉnh Hà Giang quyết tâm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 31/10/2025

Tỉnh Hà Giang quyết tâm hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 31/10/2025
4 giờ trướcBài gốc
Tính đến hết ngày 18/4, toàn tỉnh Hà Giang có 2.967 căn nhà đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Ảnh: TL
Theo tỉnh Hà Giang, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính nhân văn sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với người có công cũng như đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khác.
Hiện nay, vẫn còn số lượng lớn nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các địa phương thực hiện Chương trình theo tinh thần: “Hoàn thành những nhà đã khởi công, khởi công những nhà chưa khởi công” theo thời gian cụ thể; đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình để kiểm tra, đôn đốc; linh hoạt trong công tác huy động nhân lực, nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, các lực lượng vũ trang và người dân.
Hoàn tất phân bổ vốn đã được cấp trước ngày 30/4, rà soát kỹ đối tượng thụ hưởng để không bỏ sót hộ nghèo, cận nghèo. Đẩy mạnh tuyên truyền các mô hình hay, điển hình tiên tiến để nhân rộng, gắn với công tác thi đua khen thưởng. Quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có công trước ngày 30/6 và chung tay hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia trước ngày 31/10.
Theo báo cáo, tính đến hết ngày 18/4, toàn tỉnh Hà Giang đã khởi công xây dựng 4.573 căn nhà tạm, nhà dột nát và 2.967 căn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Bên cạnh nguồn vốn của Chương trình, các địa phương, ngành, đoàn thể đã vận động, hỗ trợ thêm 86 hộ gia đình xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà ở.
Tỉnh Hà Giang đã nhận được tổng số kinh phí hỗ trợ là 279,5 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) của tỉnh đã thực hiện phân bổ cho Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố với số tiền gần 174 tỷ đồng. Đến nay đã có 6 huyện thực hiện hỗ trợ giải ngân 100%, đó là các huyện: Quang Bình, Bắc Quang, Đồng Văn, Quản Bạ, Hoàng Su Phì và Vị Xuyên.
Ngoài kinh phí Chương trình, nhiều địa phương kêu gọi hỗ trợ xi măng, ngói, gỗ… phù hợp với phong tục từng dân tộc, đồng thời áp dụng nguyên tắc “3 cứng”, kết hợp xây bếp, nhà tắm, công trình vệ sinh.
Đối với hộ già cả, neo đơn hoặc quá khó khăn, Ban chỉ đạo Chương trình tổ chức “đổi công” hoặc huy động Nhân dân giúp đỡ để rút ngắn thời gian thi công. Nhờ đó, chi phí mỗi căn chỉ dao động từ 80 - 150 triệu đồng.
Tỉnh Hà Giang chỉ đạo các địa phương thực hiện linh hoạt trong công tác huy động nhân lực, nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp, các lực lượng vũ trang và người dân. Ảnh: TL
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, thực hiện chương trình, Hà Giang còn gặp nhiều vấn đề khó khăn cần tháo gỡ, như: Các hộ thực hiện Chương trình vừa yếu về nguồn lực đối ứng, thiếu nhân lực; việc đổi công lao động trong Nhân dân gặp nhiều khó khăn do đang vào mùa sản xuất; tình trạng khan hiếm nước, thiếu vật liệu xây dựng diễn ra khá phổ biến tại nhiều địa phương…
Để tiếp tục thực hiện chương trình theo đúng kế hoạch đề ra, tỉnh Hà Giang kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, MTTQ tỉnh, đoàn thể, doanh nghiệp và Nhân dân phát huy tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” nhằm đưa Chương trình về đích sớm, bảo đảm chất lượng và tính bền vững./.
THẢO CHI
Nguồn Kiểm Toán : http://baokiemtoan.vn/tinh-ha-giang-quyet-tam-hoan-thanh-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-truoc-ngay-31-10-2025-40324.html