Ba nhóm cán bộ được điều động vào tỉnh Gia Lai-Kon Tum thời ấy gồm cán bộ chính trị, quản lý kinh tế và khoa học kỹ thuật. Nhiệm vụ cấp bách nhất là hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên sau giải phóng. Và rồi, theo thời gian, “tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.
Ông Thái Khắc Bàn (người mặc áo vest) cùng lãnh đạo bộ, ngành Trung ương trên cánh đồng Ayun Hạ năm 1987 (ảnh tư liệu).
Đặt nền móng cho phong trào chăn nuôi
Là bác sĩ thú y duy nhất trong đoàn, ông Lưu Xuân Tạo (SN 1946) được phân công về Chư Prông-một huyện biên giới nghèo, nơi có phong trào chăn nuôi gần “bét” nhất tỉnh. Ông Tạo tốt nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, là một trong số ít người có trình độ đại học, thuộc nhóm cán bộ kỹ thuật. Không chỉ có kiến thức chuyên môn, khi được điều động vào Tây Nguyên, ông và các thành viên khác đều đã có kinh nghiệm công tác.
Ông Lưu Xuân Tạo. Ảnh: H.N
Ông Tạo được phân công về làm Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Chư Prông. “Lúc đó, bà con chưa có khái niệm chuồng trại, chăn nuôi hoàn toàn theo tập tính. Gia súc, gia cầm thả rông khắp nơi, có khi còn phá hoại mùa màng. Cán bộ địa phương đa số hoạt động trong rừng núi thời gian dài cũng không được cập nhật kiến thức gì mới. Mọi thứ khi ấy đều rất sơ khai”-ông Tạo nhớ lại.
Vừa làm chuyên môn, ông vừa làm công tác vận động quần chúng, hướng dẫn bà con cách làm chuồng trại, vệ sinh phòng dịch, trồng thêm cây mì, cỏ voi để làm thức ăn cho vật nuôi. Từ một huyện đứng cuối bảng về phong trào chăn nuôi, Chư Prông đã vươn lên đứng đầu toàn tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Vì vậy, có thời điểm, tỉnh muốn rút ông về Ty Nông nghiệp nhưng lãnh đạo huyện kiên quyết giữ lại, bởi: “Không biết chức danh bác sĩ thú y “ngang dọc” ra sao, nhưng có ông Tạo thì dân tin, phong trào chuyển mình thấy rõ”.
Sau nhiều lần “giằng co” giữa huyện và tỉnh, cuối cùng, ông được rút về tỉnh với nguyện vọng duy nhất: “Vẫn tiếp tục được làm chuyên môn chứ không làm cán bộ lãnh đạo”. Mặc dù làm Chi cục trưởng Chi cục Thú y Gia Lai-Kon Tum (nay là Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh), ông vẫn được toàn tâm toàn ý làm công tác chuyên môn. Tuy vậy, dấu ấn của ông tại Chư Prông vẫn còn mãi. Ông cũng từng là đại biểu HĐND huyện 2 khóa liền.
Năm 1984, ông đưa vợ con vào Gia Lai. Vợ ông làm công nhân kỹ thuật tại Trung tâm Giống cây trồng tỉnh. Vợ chồng ông được Nhà nước cấp đất để làm nhà, ổn định cuộc sống. Nhưng điều kiện quá khó khăn, sau 6 tháng, ông bà vẫn không có tiền làm nhà nên phải trả lại đất cho Nhà nước. Nhiều năm sau, ông bà mới làm được căn nhà giản dị ở vùng ven (nay là thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku). Nơi này vẫn là tổ ấm của ông bà cho đến hôm nay.
Ông Tạo nhớ lại, theo quyết định điều động, cán bộ tăng cường vào Tây Nguyên là 3 năm. Sau thời gian đó, dù được lãnh đạo tỉnh Gia Lai-Kon Tum động viên, tạo điều kiện ở lại nhưng đa số đều xin về. 40 người trong đoàn cán bộ kỹ thuật Thanh Hóa năm nào cũng chỉ còn chưa tròn chục người trụ lại với vùng đất cao nguyên. Họ là những người đã chọn ở lại, không chỉ vì trách nhiệm, mà còn bởi tình yêu với mảnh đất đầy nắng gió và hy vọng hồi sinh này.
Ông bồi hồi nhìn lại dấu mốc nửa thế kỷ xây dựng quê hương mới: “Hoàn cảnh chung của đất nước sau giải phóng nên ai cũng khó khổ như nhau. Tôi được cấp đất ngay thành phố mà không có tiền để dựng tạm cái nhà để ở. Mặc dù vậy, là những người được Đảng, Nhà nước giao trọng trách tái thiết, xây dựng quê hương, chúng tôi không thể lơ là trách nhiệm ấy, chỉ biết cố gắng hết sức, khắc phục khó khăn trong mọi hoàn cảnh”.
Người gieo mầm cho đồng đất Ayun Pa
Trong ký ức của người dân Ayun Pa, ông Thái Khắc Bàn-nguyên Chủ tịch UBND huyện Ayun Pa (cũ) không chỉ là cán bộ lãnh đạo mà còn là biểu tượng của tinh thần vượt lên gian khó. Ông cũng là người gieo mầm cho những cánh đồng lúa nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam tỉnh, đánh dấu sự đổi thay của một vùng đất từng hoang sơ, nghèo đói.
Ông Thái Khắc Bàn. Ảnh: H.N
Ông Bàn là thành viên của đoàn cán bộ Thanh Hóa tăng cường vào Tây Nguyên tháng 10-1976. Ông sinh năm 1943, quê gốc Nghệ An nhưng sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế nông nghiệp Trường Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội (năm 1968), ông được phân công về công tác tại Ban Kinh tế Tỉnh ủy Thanh Hóa. Khi có chủ trương cử cán bộ tăng cường vào Gia Lai-Kon Tum, là đảng viên trẻ, ông xung phong lên đường với bao khát vọng.
Đặt chân đến Ayun Pa khi nơi đây còn là một vùng đất trũng hoang vu, ông trực tiếp chỉ đạo công cuộc khai hoang, làm thủy lợi và đưa vào sản xuất vụ lúa nước đầu tiên, mở ra cuộc cách mạng về cây lúa nước.
Ông Bàn hồi nhớ: Khó khăn nhiều vô kể. Nhưng rồi, từ 10 ha khai hoang trồng vụ lúa nước đầu tiên, năm sau, diện tích lúa nước đã tăng lên 50 ha. Đó không chỉ là diện tích trồng lúa nước lớn nhất của Ayun Pa mà của tỉnh Gia Lai-Kon Tum bấy giờ. Vụ Đông Xuân năm đó được mùa lớn, năng suất đạt 6 tấn/ha-một kỳ tích đối với vùng đất vừa trải qua chiến tranh.
Để có kỳ tích ấy, suốt nhiều tháng ròng rã, ngày nào, ông Bàn cũng ra đồng từ sáng sớm, đến 16 giờ về ăn cơm tập thể xong lại ra trông coi công trình thủy lợi đến tận 22 giờ mới về.
“Hồi đó làm việc hăng say lắm, không biết mệt, không biết nản, chỉ có một động lực to lớn duy nhất là mở rộng diện tích cánh đồng lúa nước”-ông Bàn chia sẻ. Không chỉ có người Kinh, ông còn kiên trì vận động bà con dân tộc thiểu số thay đổi tập quán du canh chuyển sang làm ruộng nước.
Nhờ thành công từ mô hình cánh đồng lúa nước, Gia Lai có cơ sở triển khai công trình thủy lợi Ayun Hạ-đại công trình tưới tiêu cho cả vùng rộng lớn ở Ayun Pa, Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa… Nhờ đó, hàng chục ngàn ha đất canh tác được “hồi sinh”, chuyển từ đất khô hạn sang trồng lúa, mía.
Năm 1986, khi ông tham gia lễ khởi công đại công trình thủy lợi này, vợ ông ở nhà đi gặt lúa gặp mưa gió đã bị nước cuốn trôi, để lại cho ông 3 đứa con thơ. Ông xúc động khi nhắc lại chuyện cũ: “Mặc dù tôi làm lãnh đạo, vợ tôi là giáo viên trường cấp II, III của huyện Ayun Pa nhưng cuộc sống vẫn rất vất vả. Tôi thì thường xuyên vắng nhà vì nhiệm vụ công tác nên mọi khó khăn vất vả đều đặt hết lên vai vợ”.
Sau khi vợ mất, nhiều người động viên ông nghỉ việc một thời gian để lo việc gia đình, nhất là chăm sóc 3 đứa con còn nhỏ dại. Nhưng ông nói, khi đó có những trọng trách không thể đặt lên vai người khác, người đứng đầu phải tự gánh vác, tự chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu không may xảy ra việc ngoài ý muốn. “Nhưng việc gì rồi cũng qua”-ông nói nhẹ nhàng khi nhìn về quãng đời đầy biến cố và nỗi đau riêng.
Ông Thái Khắc Bàn còn để lại dấu ấn của một nhà kiến thiết đối với vùng đất Ayun Pa. Nghĩa trang Liệt sĩ Ayun Pa trước đây vốn là một bãi hoang sơ chôn mấy trăm mộ phần. Ông đã nghĩ ra cách táo bạo để kiếm tiền xây dựng nghĩa trang. Ông xin chủ trương của tỉnh nhận vé xổ số kiến thiết Gia Lai về phát hành tại huyện. Sau 2 đợt phát hành, trừ chi phí còn lãi được 45%, đủ để xây tượng đài, khuôn viên, tường rào, quy tập hài cốt liệt sĩ từ bãi đất trống về nghĩa trang mới để thờ tự trang nghiêm.
Sự táo bạo của một người lãnh đạo chưa dừng lại ở đó. Không chấp nhận nhìn người dân phải trả chi phí sản xuất cao cho các trạm bơm than tư nhân (chiếm 45% chi phí), ông Bàn ra Đà Nẵng thương thảo với Công ty Xây lắp điện Trung ương 3, ứng vốn kéo đường điện 35 kV về các xã Chư A Thai, Chư Mố và nhiều xã khác.
Chưa hết, khi Ayun Pa còn là “vùng trũng”, không bắt được sóng phát thanh-truyền hình; trong một lần ra Hà Nội, ông có dịp gặp lãnh đạo Đài Truyền hình Việt Nam nói về tình hình địa phương và được “nhà đài” cử cán bộ kỹ thuật vào khảo sát. “Suốt mấy tháng trời, họ đưa máy móc vào dò sóng, lắp đặt thiết bị thu phát. Từ đó, bà con mới có thể xem được ti vi, các chương trình truyền hình. Một dấu mốc rất đáng kể”-ông nói.
Ông Bàn còn là người trực tiếp lập dự án vùng nguyên liệu mía, đề nghị tỉnh xây dựng Nhà máy Đường Ayun Pa, tạo bước ngoặt trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng cho nông dân, đồng thời mang ngân sách về cho địa phương. Ông còn là người thắp lên niềm tin cho nhiều cán bộ dân tộc thiểu số, động viên họ kiên trì, bám trụ với công việc giữa muôn vàn khó khăn. Nhờ đó, những người như Ksor H’Xóa, Ksor H’Nham… tiếp tục gắn bó, trở thành lực lượng nòng cốt cho bộ máy chính quyền cơ sở.
Năm 2003, ông về hưu sau chặng đường dài cống hiến với các cương vị như: Chủ tịch UBND huyện Ayun Pa, Bí thư Huyện ủy Ayun Pa, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thi đua-khen thưởng tỉnh. Trong nửa thế kỷ đất nước thống nhất, ông đã có gần 1/4 thế kỷ gắn bó với Ayun Pa, cùng Nhân dân làm nên những kỳ tích trong bức tranh nông nghiệp và để lại dấu ấn ở nhiều lĩnh vực.
“Từ những thửa ruộng khai hoang thời kỳ đầu sau giải phóng giờ trở thành cánh đồng lúa nước trọng điểm của tỉnh, đời sống người dân no đủ hơn, với tôi, vậy là đủ mãn nguyện”-ông Bàn trải lòng.
HOÀNG NGỌC