Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013
Việc sửa đổi Hiến pháp và các luật, nghị quyết có liên quan phải được hoàn thành trước ngày 30/6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.
Theo dự kiến, sẽ sửa đổi 8/120 điều của Hiến pháp 2013, tập trung vào 2 nhóm nội dung. Đó là quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tại các điều 9, 10 và 84 để sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, Hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (đồng bộ với cơ cấu tổ chức Đảng).
Nhóm nội dung thứ hai là quy định về chính quyền địa phương tại Chương IX để tạo cơ sở pháp lý hiến định cho việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan Nhà nước ở Trung ương với địa phương, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương, bảo đảm sự thống nhất, thông suốt của nền hành chính Nhà nước từ Trung ương đến địa phương.
Quá trình thực hiện lấy ý kiến phải bảo đảm dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là chủ động tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, chất lượng, kịp thời các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong quá trình tham mưu, giúp Chính phủ chủ trì tổng hợp ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo kế hoạch và hướng dẫn của Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Trung ương đề nghị các bộ, ngành, đơn vị, địa phương triển khai tổ chức công tác truyền thông rộng rãi bằng các hình thức phù hợp trong quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
NGUYỆT THU