Công việc của họ khá vất vả, hàng ngày đi bộ hay đi xe đạp (nếu may mắn xã nào được cấp 1 cái xe đạp Thống Nhất làm xe công vụ) lên huyện để nhận báo Nhân Dân (ngày ấy mỗi xã được tiêu chuẩn 1 tờ báo cho ban lãnh đạo), công văn, chỉ thị và loại giấy tờ đặc biệt.
Họ không phải là người phát thư có dán tem, vì đấy là việc của nhân viên bưu điện (mỗi huyện có một trạm bưu điện). Vì công việc như thế nên có nơi gọi là anh văn thư hay cán bộ thông tin xã. Họ không có lương mà hưởng chế độ như một người nông dân bình thường, sau mỗi vụ được hợp tác xã chia cho mấy chục cân thóc.
Công việc này không giao cho phụ nữ, thanh niên mà giao cho bộ đội xuất ngũ, thương binh từ mặt trận trở về. Lý do chính là họ phải chịu những áp lực mà người thường không chịu được.
Cạnh nhà tôi có anh “Minh cụt”, gọi thế là vì anh bị cụt một tay ở mặt trận. Hôm nào thấy anh từ huyện về nhà, không nói gì, cứ lầm lì đi vào hay đóng cửa nằm im cả ngày, là biết chắc trong tay anh đang có một hay nhiều cái bao thư màu vàng, bên trong có một tờ giấy “nặng ngàn cân”.
Đó là giấy báo tử. Tờ giấy báo tử màu vàng khè, chất liệu giấy rất kém vì làm từ rơm. Nó có khổ chừng 20X30cm, bằng một trang giấy học sinh, được nhà máy in Quân đội in với cùng một nội dung, cán bộ quân lực chỉ việc điền tên người mất vào đấy.
Khi giấy báo tử đến xã thì rất ít người được biết, thường là chỉ có chủ tịch, bí thư và xã đội trưởng. Việc mang giấy báo tử đến nhà là một công việc khó khăn, nặng nhọc, không ai muốn nhận, cứ đùn đẩy nhau, chính vì thế mà người ta giao cho những người lính giải ngũ làm chuyện khủng khiếp này.
Ngày ấy, ai cũng nói hy sinh cho Tổ quốc là vinh quang, là tự hào, nhưng quả thật khi tin ấy đến chỉ người có tinh thần thép mới chịu đựng được. Có luật bất thành văn là các gia đình có con, em hy sinh không được làm lễ truy điệu, hay phát tang, cấm không được gào khóc ầm ĩ, vì như thế làm ảnh hưởng tới tinh thần những thanh niên trong xã chuẩn bị lên đường.
Đau đớn mà khóc to lên được có khi còn đỡ, đằng này chỉ đóng cửa lại khóc với nhau. Phụ nữ xuống bếp mà khóc dấm dúi với nhau, nhìn các bà mẹ, các chị là vợ người mất, nước mắt trào ra phải cắn răng lại, thấy thương đứt ruột, còn các ông bố ngồi như hóa đá bên cái điếu bát hút mãi đến đổ bệnh.
Từ năm 1965 bắt đầu có giấy báo tử, dồn dập nhất là những năm có những chiến dịch lớn như Mậu Thân 1968, Đường 9 Nam Lào năm 1971, thành cổ Quảng Trị năm 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, mãi đến tận những năm 80 vẫn còn giấy báo tử chiến tranh chống Mỹ vì nhiều trường hợp xác minh muộn.
Làng nào ở miền Bắc cũng có hàng chục, hàng trăm gia đình nhận giấy báo tử, có ít nhất một nghĩa trang liệt sĩ. Xã tôi có 5 thôn, vậy mà hơn trăm người “ra đi từ đó không về”.
Sau một vài lần thấy các mẹ, vợ ngất xỉu ngay khi nhìn thấy tờ giấy, các cán bộ xã rút kinh nghiệm, không đưa ngay cho gia đình mà bắn tin bóng gió trước cho gia đình đỡ sốc, nói bâng quơ là có anh bộ đội xã trên mới về phép, nói “người đó con nhà ông bà đó bị thương nặng hay lạc đơn vị”, rồi từ từ mới chính thức báo cho gia đình.
Cái tờ giấy bằng bàn tay ấy thật sự là nỗi ám ảnh của những gia đình có con đi chiến trường. Có nhà thơ còn viết “con ra mặt trận chết một lần, nhưng có những bà mẹ chết đến 2, 3 lần, mỗi lần nhận được giấy báo tử là một lần chết”.
Nhà tôi cũng có một tờ như thế, nên tôi biết nỗi đau như xé nát con tim của người phụ nữ. Và tôi cũng biết khi một đứa con bước chân ra khỏi nhà đi bộ đội, vào chiến trường là gia đình ngóng trông từng giờ. Nhưng nhận được giấy báo tử chưa phải là hết, mà bắt đầu nỗi khắc khoải, rằng con mình chết chôn ở đâu, làm sao mang về được.
Tờ giấy báo tử rất ngắn gọn và đơn giản vì rất ít thông tin, ngoài những nội dung như tên tuổi, ngày sinh, quê quán, con ông bà nào ra, thì có 2 mục viết mặc định như nhau theo quy định của Bộ Quốc phòng. Ở mục hy sinh tại… sẽ được điền vào “mặt trận phía Nam”; còn ở mục thi hài đã mai táng tại… thì ghi là “khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”.
Cả hai thông tin này đều mơ hồ. Những người lính ở chiến trường mới biết làm gì có nghĩa trang nào, chết đâu chôn đấy, có gì chôn nấy. Còn mặt trận phía Nam quả là vô định, vì từ vĩ tuyến 17 đến tận mũi Cà Mau đâu cũng là phía Nam cả.
Kết thúc cuộc chiến tranh chống Mỹ ước tính có khoảng hơn 1,2 triệu giấy báo tử được phát ra, chủ yếu là các tỉnh phía Bắc. Các tỉnh ở miền Nam trong chiến tranh, nhất là vùng Nam bộ nếu hy sinh sẽ được cách này hay cách khác báo tin bằng miệng chứ không có giấy, có lẽ do tính bảo mật, giữ gìn cho các gia đình an toàn, nên Nam bộ không có kiểu giấy báo tử bằng giấy.
Tôi là người lính ở chiến trường hơn 3 năm, chính tay tôi đã chôn cất 8 đồng đội, sau này chỉ tìm được có 3, còn lại bị thất lạc. Đã có lần tôi hỏi một cán bộ cao cấp của Tổng cục Hậu cần, là tại sao không làm một miếng kim loại cho mỗi người lính với dãy số cho biết đơn vị, quê quán, chứ còn ghi tên, tuổi, số đơn vị trên miếng giấy bỏ vào lọ thủy tinh, nhét vào miệng tử sĩ tồn tại được mấy năm đâu.
Thực tế khi đánh nhau tìm đâu ra vỏ lọ thuốc bằng thủy tinh, cho nên đa phần là khắc vội vào đoạn cây chôn theo tử sĩ, sau ít năm rã ra thành đất hết cả.
Vị cán bộ này nói làm như thế là bắt chước kẻ thù, không nên, và điều quan trọng là khi vào chiến trường xác định thân xác mình sẽ “hòa vào núi sông”, nên danh tính cá nhân không quan trọng mà chiến thắng của cả dân tộc mới là quan trọng nhất. Vì thế mà sau 50 năm kết thúc chiến tranh, vẫn còn 530.000 liệt sĩ không xác định được danh tính, hơn 180.000 liệt sĩ chưa tìm thấy.
Rồi đến lúc hành trình tìm kiếm sẽ phải chấm dứt, bởi thời gian sẽ xóa nhòa hết cả và cũng không còn ai chờ đợi họ nữa, những người mẹ, vợ, con cái cũng lần lượt ra đi.
Đã từ lâu rồi, bưu tá xã không còn phải làm công việc cực nhọc kia nữa, và hy vọng tờ giấy báo tử như thế mãi mãi không xuất hiện trong đời sống của Nhân dân, để con cháu chúng ta muôn đời sống trong thái bình.
Cựu chiến binh NGUYỄN MINH HÒA,