Các đồng thừa kế không được hưởng... di sản
Nội dung sự việc thể hiện, cụ Huỳnh Văn Cầu (mất năm 2011) có 3 người con chung với vợ cả, gồm: Huỳnh Thị Hồng Cúc (mất năm 2018), Huỳnh Thị Hồng Huệ (mất năm 2005) và bà Huỳnh Thị Hồng Lan.
Đến năm 1989, cụ Cầu cưới cụ Phạm Thị Cư, có đăng ký kết hôn tại UBND xã Quới Thiện và có một người con chung là Huỳnh Thị Hồng Nhung (SN 1991).
Từ trước năm 1975, cụ Cầu được ông bà cho nhiều đất đai để canh tác. Lần lượt các năm 1999 và 2004, cụ Cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ) cho hai thửa đất số 48 và 380 tờ bản đồ số 5 (tại ấp Phú Thới, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) với tổng diện tích khoảng 1,6 ha.
Đến ngày 03/8/2011, cụ Cầu chết, không để lại di chúc. Sau khi cụ Cầu qua đời, các đồng thừa kế nhiều lần họp để chia thừa kế, nhưng không thống nhất được. Đến ngày 09/8/2022, bà Huỳnh Thị Hồng Lan khởi kiện các đồng thừa kế còn lại, yêu cầu tòa án công nhận giấy tờ mua bán đất giữa bà Lan và cha của mình (cụ Cầu), không chấp nhận chia thừa kế và cho biết toàn bộ di sản của cụ Cầu để lại thuộc về mình.
Không đồng ý trước yêu cầu trên, các đồng thừa kế còn lại của cụ Cầu gồm: cụ Cư, bà Nhung và bốn người khác là con của bà Cúc và bà Huệ yêu cầu tòa án chia di sản mà cụ Cầu để lại theo pháp luật. Mỗi người được hưởng một phần diện tích đất trong khối di sản mà cụ Cầu để lại.
Xử sơ thẩm vào tháng 3/2024, TAND huyện Vũng Liêm đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lan. Công nhận giấy tờ mua bán đất bằng giấy tay năm 1986 giữa bà Lan và cụ Cầu có hiệu lực. Các yêu cầu chia thừa kế của bị đơn và người liên quan đều bị bác.
Các đồng thừa kế trên mảnh đất là di sản
Xử phúc thẩm vào tháng 9/2024, TAND tỉnh Vĩnh Long bác kháng cáo của bị đơn và người liên quan. Công nhận toàn bộ di sản mà cụ Cầu để lại thuộc sở hữu của bà Lan, công nhận giấy tờ mua bán giấy tay năm 1986 là hợp pháp.
Bà Huỳnh Thị Hồng Nhung cho biết, cả hai cấp tòa đã tuyên không đúng với sự thật khách quan của vụ án. Bởi lẽ, tờ bán nhà đất lập năm 1986 bị vô hiệu ngay từ khi xác lập. Thời điểm này, pháp luật quy định nghiêm cấm việc bán nhượng đất dưới bất cứ hình thức nào. Tờ giấy tay chỉ ghi chung chung, cả hai cấp Tòa án đều không làm rõ giáp ranh tứ cận có đúng theo giấy tay hay không?
Hơn nữa, hai thửa 48 và 380 là do cụ Cầu và vợ tạo lập, đây là tài sản chung của vợ chồng. Tại thời điểm này, bà Cúc, bà Huệ cũng đang quản lý, sử dụng phần đất mà cụ Cầu tặng cho, mỗi người 3 công đất. Do đó, nếu có sự việc chuyển nhượng xảy ra thì cụ Cầu cũng không có quyền định đoạt toàn bộ hai thửa đất này.
Bà Nhung cũng chia sẻ, giấy tờ mua bán giấy tay vào năm 1986 mà bà Lan lập mua lại đất của cụ Cầu (cha ruột mình), lúc này bà Lan chỉ mới 19 tuổi, còn đang sống phụ thuộc vào cha, vậy thì có đủ nguồn tài chính ở đâu mà mua hết toàn bộ 1,6 ha đất của cụ Cầu. Hai cấp tòa cũng không làm rõ vấn đề này.
Kiến nghị giám đốc thẩm
Mới đây, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Vĩnh Long có văn bản kiến nghị gửi VKSND Cấp cao tại TPHCM, kiến nghị ban hành quyết định giám đốc thẩm vụ án theo hướng hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại.
Theo VKNSD tỉnh Vĩnh Long, cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã vi phạm trong việc áp dụng pháp luật, đánh giá chứng cứ, dẫn đến giải quyết vụ án không bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
Cụ thể, hai bản án chỉ căn cứ vào "Tờ bán nhà đất" viết tay lập ngày 19/01/1986 giữa cụ Huỳnh Văn Cầu với con gái là Huỳnh Thị Hồng Lan để công nhận giao dịch này là hợp pháp và buộc các đồng thừa kế còn lại đang sử dụng đất ổn định, liên tục, ngay tình trên 40 năm, phải di dời trả đất cho bà Lan là ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đồng thừa kế.
Hồ sơ trong vụ án thể hiện, hai người chị của bà Lan đóng thuế đất nông nghiệp từ năm 1978, sinh sống và canh tác ổn định cho đến nay. Bà Lan không có thực hiện nghĩa vụ thuế trong quá trình sử dụng một phần thửa đất số 48.
Quan điểm của VKSND tỉnh Vĩnh Long cũng nêu rõ, không có việc chuyển nhượng nhà, đất diễn ra giữa cụ Huỳnh Văn Cầu và bà Huỳnh Thị Hồng Lan. Điều này thể hiện ở việc "Tờ bán nhà đất" lập năm 1986, trong khi 2 thửa đất này được Nhà nước cấp cho cụ Cầu... năm 1999 và 2004.
Nếu như có việc chuyển nhượng diễn ra, vậy vì sao bà Lan không tự kê khai đăng ký để được cấp GCN QSDĐ. Bên cạnh đó, từ ngày lập "Tờ bán nhà đất" đến khi cụ Cầu mất là 25 năm, bà Lan không có tranh chấp, không có động thái thực hiện việc sang tên để được đứng tên trên GCN QSDĐ.
Mặc khác, theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/2004 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định, đối với đất do người chết để lại (không phân biệt có tài sản hay không có tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất) mà người đó đã có GCN QSDĐ theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003 thì quyền sử dụng đất đó là di sản.
Căn cứ quy định này, cụ Cầu chết để lại hai thửa đất 48 và 380 có GCN QSDĐ theo Luật Đất đai năm 1993 thì hai quyền sử dụng đất đó là di sản của cụ Cầu. Cụ Cầu chết không để lại di chúc thì phải chia thừa kế mới đúng theo quy định của pháp luật.
Luật sư Trần Kim Linh (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết, việc hai cấp tòa áp dụng điểm b.3 tiểu mục 2.2 mục 2 của Nghị quyết số 02/2004 (Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) cho rằng tờ bán nhà đất mà bà Lan đưa ra là Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thực hiện, bên chuyển nhượng là cụ Cầu không phản đối là không đúng sự thật khách quan của vụ án, áp dụng pháp luật một cách khiên cưỡng. Điều này phi lý ở chỗ, trong suốt quá trình tố tụng, bà Lan cũng như đại diện của bà Lan đều thừa nhận là chưa bao giờ đưa ra tờ giấy mua bán này, cũng như chưa từng cho ai biết có việc mua bán này trước đây thì làm sao có ai biết mà phản đối. Cụ Cầu đã chết năm 2011 thì làm gì biết bà Lan có tờ giấy mua bán này mà phản đối. Việc bà Lan được ở nhà và được canh tác trên một phần đất này là được cụ Cầu cho như cho những người con khác. Vậy mà Tòa nhận định ông Cầu không phản đối, để từ đó tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lan "công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và buộc các đồng thừa kế (anh Hảo, Hớn, Tú, Hài, bà Cư, Nhung) tiếp tục thực hiện hợp đồng" là không phù hợp thực tế khách quan, mâu thuẫn chính phần tuyên xử.
ĐĂNG NGUYÊN