Mỗi tấc đất, nhành cây, ngọn cỏ ở Trường Sa đều như chứa đựng hồn thiêng sông núi đất Việt. Vì lẽ đó, mỗi lần đặt chân đến Trường Sa là một lần nghẹn ngào xúc cảm trào dâng. Giữa muôn trùng sóng gió, quân và dân Trường Sa luôn đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn, hiên ngang bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Kỳ 1: Đảo là nhà, biển cả là quê hương
Trên những con tàu rẽ sóng ra thăm Trường Sa và nhà giàn DK1, những người con từ đất liền mang theo sự háo hức, chộn rộn xen lẫn niềm tự hào khi được đặt chân lên quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Giữa biển trời bao la, Trường Sa hiển hiện như một làng quê thanh bình với những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, tiếng chuông chùa ngân vang, tiếng trẻ em nô đùa sau giờ học…
Đến với biển, đảo quê hương
Trong những ngày cuối tháng 4 lịch sử, chúng tôi cùng đoàn công tác số 14 có mặt trên Tàu Kiểm ngư 491 rẽ sóng ra thăm Trường Sa với sự háo hức, chộn rộn. Trước khi khởi hành, hơn 200 thành viên của đoàn được tham dự lễ chào cảng trong không khí trang nghiêm. Chia sẻ trước khi rời đất liền, đồng chí Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, chuyến đi đợt này là một trong những hoạt động thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước đối với cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Đoàn mang theo những món quà thiết thực, ý nghĩa để gửi tặng quân, dân Trường Sa. Qua chuyến đi nhằm động viên tinh thần, tiếp thêm nghị lực cho các lực lượng đang ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, để mọi người hiểu rõ hơn về Trường Sa, qua đó nghiên cứu, xây dựng các dự án nhằm cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho quân, dân huyện Trường Sa; tăng cường công tác tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo, chủ quyền quần đảo Trường Sa, thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.
Diễu binh mít tinh kỷ niệm 50 năm Giải phóng quần đảo Trường Sa (29-4-1975 - 29-4-2025).
Sau 3 hồi còi dài chào cảng, Tàu Kiểm ngư 491 dần tăng tốc, rẽ sóng ra khơi. Trên tàu, tiếng cười nói vang lên khắp các khoang. Ai cũng háo hức và mong chờ khoảnh khắc được đặt chân lên những hòn đảo thiêng liêng giữa trùng khơi. Sau gần 2 ngày đêm lênh đênh trên biển, điểm đến đầu tiên là đảo Song Tử Tây dần hiện ra trước mắt chúng tôi. “Toàn tàu chú ý, đã đến đảo Song Tử Tây, chuẩn bị thả neo”, lời thông báo vừa dứt trên loa, mọi người nhanh chóng chuẩn bị lên đảo. Đứng trên boong tàu nhìn về hướng đảo, bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh phấn khởi nói: “Đây là lần đầu tôi được ra thăm Trường Sa. Nhìn từ xa, đảo Song Tử Tây hiên ngang, sừng sững như một viên ngọc giữa đại dương. Đảo có nhiều cây cối xanh tươi, có âu tàu rộng lớn. Ở đây, các chiến sĩ, nhân dân đang ngày đêm kiên trung bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc”.
Kiên cường giữa trùng khơi
Trưa trên đảo Song Tử Tây, biển trời trong xanh. Ít ai biết, nơi đây, mỗi năm có tới hơn 130 ngày giông bão và mỗi tháng có 15 - 20 ngày gió mạnh. Nhưng, dẫu có sóng to, gió lớn đến nhường nào thì sức sống ở nơi đây vẫn luôn căng đầy. Dẫn chúng tôi đi thăm đảo, ông Vũ Mạnh Hải - Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây chia sẻ: “Trước đây, đảo có hàng nghìn cây lớn. Thế nhưng, cách đây gần 2 năm, cơn bão lớn đổ bộ vào đảo, phần lớn cây cối ở đây đều bị gãy đổ. Với quyết tâm không để đảo thiếu bóng cây xanh, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã ra sức ươm giống, vun trồng và chăm sóc cây kỹ lưỡng. Không phụ công sức, lòng người, đến nay, cây xanh phát triển mạnh đã phủ bóng gần 100% diện tích của đảo. Có cây cối xanh tốt, sức sống lại căng tràn, các loại chim tìm về làm tổ, sinh sôi nảy nở; đời sống nhân dân cũng được cải thiện rất nhiều”.
Trẻ em ở đảo Song Tử Tây.
Ở Trường Sa, ai cũng có màu da nâu sạm vì nắng gió. Gặp chúng tôi, chiến sĩ trẻ Bo Bo Tơ, người Raglai (quê ở xã Cam Phước Tây, huyện Cam Lâm) bộc bạch: “Được ra Trường Sa làm nhiệm vụ, tôi thấy rất vinh dự và tự hào. Tất cả cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đây luôn xem đảo là nhà, biển cả là quê hương. Biển, đảo Trường Sa là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Chính vì lẽ đó, chúng tôi mãi khắc ghi trong tâm khảm phải luôn kiên cường bảo vệ vững chủ quyền biển, đảo quê hương. Tôi sẽ cố gắng rèn luyện, học tập và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao”.
Trong điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và xa đất liền, những người lính kiên cường luôn sáng tạo, đoàn kết, rèn luyện, huấn luyện không ngừng nghỉ để nâng cao bản lĩnh chính trị, kỹ năng, sức chiến đấu, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc giao phó. Ông Cấn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa cho biết: “Trong khó khăn, ý chí của quân và dân trên đảo càng được tôi luyện. Trên đảo, tất thảy cán bộ, chiến sĩ, người dân đều cùng nhau đoàn kết, hỗ trợ để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Lính trẻ xông pha, lính già gương mẫu, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ sau, quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, vùng biển của Tổ quốc”.
Đến thăm gia đình chị Trần Thị Châu Úc (xã Song Tử Tây) mới thấy được ý chí và nghị lực vươn lên của người dân nơi đây. Trong căn nhà rộng hơn 60m2, cuộc sống của vợ chồng chị Úc khá đầy đủ tiện nghi. Ở khu vườn nhỏ sau nhà, chị Úc trồng đủ các loại rau xanh tươi tốt, bên hông có chuồng chăn nuôi gà, vịt để cải thiện cuộc sống. Chồng chị Úc, ngoài tham gia dân quân xã, còn làm thêm nghề sửa chữa điện dân dụng nên thu nhập của gia đình cũng khá ổn định “Tất cả đồ đạc sinh hoạt trong nhà do vợ chồng tôi gửi mua sắm từ đất liền khá tươm tất. Bao năm sống ở đảo, tuy điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhưng bù lại chúng tôi nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất nhiều từ chính quyền xã, cùng cán bộ, chiến sĩ trên đảo nên ai nấy đều cảm thấy rất ấm áp”, chị Úc tâm sự.
Hồn Việt nơi đầu sóng
Những ngày ra thăm Trường Sa, chúng tôi bắt gặp những cảnh làng quê thân thuộc, yên bình như ở đất liền. Đó là những công trình trụ sở, nhà mái bằng, mái ngói đan xen giữa màu xanh cây lá; những ngôi chùa, trường học, nhà khách, lũy tre, những người phụ nữ cùng chồng đan lưới, nấu bữa cơm chiều ấm cúng. Dẫn chúng tôi đi thăm tổ ấm của mình, anh Phạm Quốc Sang (ở đảo Trường Sa) khoe: “Ở đây, nhà nào cũng có đầy đủ tiện nghi, tủ lạnh, quạt điện, ti vi để nắm bắt tình hình đất nước và thế giới. Hằng ngày, tôi đi đánh cá, tham gia lực lượng dân quân, còn vợ chăm con, trồng rau, nuôi gà. Cuộc sống gia đình bình dị, đầm ấm. Những lúc đảo có khách ghé thăm, mọi người lại gọi nhau đi đón đoàn, giao lưu, trò chuyện. Trong cuộc sống đời thường, nhà nào có việc, lối xóm lại cùng nhau hỗ trợ chân tình”.
Đoàn công tác giao lưu văn nghệ với chiến sĩ đảo Đá Thị.
Sáng sớm, khi bước chân lên thăm đảo Đá Tây, tôi đã nghe tiếng chuông chùa ngân vang giữa biển trời Trường Sa. Hầu hết những ngôi chùa ở Trường Sa đều mang phong cách truyền thống, có tam quan, chính điện, tả, hữu, sân vườn và được xây dựng ở vị trí đẹp trên các đảo. Hằng ngày, nơi đây, quân dân trên các đảo và ngư dân đi biển dài ngày thường ghé tham quan, cầu an. Đại đức Thích Nhuận Hiếu - Trụ trì chùa Đá Tây chia sẻ: “Sự khắc nghiệt của Trường Sa là môi trường thanh tịnh để chúng tôi tu hành, toàn tâm, toàn ý hướng đến chân lý của Đức Phật. Với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo, các ngôi chùa rất quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh”...
VĂN GIANG
Kỳ 2: Thắm tình quân dân
(Xem tiếp Báo Khánh Hòa thứ Sáu, ngày 9-5)