Chỉ 7 ngày ngắn ngủi, nhưng với các thành viên, đặc biệt là những người lần đầu đến Trường Sa, chuyến đi này là trải nghiệm không thể quên.
Bác sĩ Ngô Chiến Thuật – Bệnh viện Châm cứu Trung ương chia sẻ: "Lần đầu tiên được đi tham gia đoàn công tác Trường Sa nên tôi rất háo hức. Cảm giác hồi hộp có từ trước 2 ngày đi, đi vào đây mới thấy rất hào hùng và tự hào được mới được đi chuyến này. Sau khi được ra thăm cuộc sống của bà con biển đảo cũng như cuộc sống của các chiến sĩ, lòng yêu nước của mình tăng gấp bội".
Hơn 200 người trong đoàn công tác số 6, đa số đều là những người lần đầu tiên đi Trường Sa. Người cao tuổi nhất ngoài 70 và người trẻ nhất mới 24. Mỗi người được tham gia chuyến hành trình đều có những cơ duyên khác nhau nhưng tất cả đều cùng tâm trạng háo hức, hồi hộp xen lẫn niềm tự hào và cảm giác may mắn.
Đoàn công tác đã đến từng đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Cô Lin, Đá Đông B, Đá Tây A, Trường Sa và Nhà giàn DK-1, nơi những người con ưu tú của tổ quốc đang ngày đêm canh giữ biển trời. Đoàn được đón tiếp bằng những cái bắt tay ấm áp, những lời thăm hỏi chân tình, như xóa đi khoảng cách giữa đất liền và đại dương mênh mông. Ở mỗi nơi đoàn đi qua, những khó khăn hiện lên rõ nét: trạm xá chỉ có vài ba giường bệnh với một số bác sỹ, y tá, điều dưỡng; trường học mà ở đó các thầy giáo phải đảm trách nhiều lớp ghép học chung; thông tin liên lạc với đất liền thì còn nhiều khó khăn. Nhưng điều khiến mọi người cảm động hơn cả là tinh thần kiên cường của những người lính, những người dân nơi đây. Họ không nói nhiều về vất vả, mà chỉ tâm sự về quyết tâm bám biển, giữ đảo, để mọi người dân yên lòng về sự vững chãi của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.
Trung tá Hoàng Văn Cường -Chính trị viên đảo Sinh Tồn cho biết: "Mỗi cán bộ chiến sĩ trước khi ra đảo Sinh Tồn, chúng tôi đã xác định cho mình tâm thế bản lĩnh để sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao".
"Đây là nhiệm vụ xuyên suốt của cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Phát huy tinh thần truyền thống của đảo, cán bộ chiến sĩ trên đảo sẽ quyết tâm giữ vững độc lập chủ quyền và an toàn trên đảo, quyết tâm thực hiện tốt tất cả các nhiệm vụ mà cấp trên giao phó", Nguyễn Xuân Hoàng - Chính trị viên đảo Cô Lin cho hay.
Đến với Trường Sa những ngày này, mỗi người đều cảm nhận rõ mạch sống mãnh liệt khi màu xanh phủ khắp đảo, những công trình dân sinh ngày càng khang trang, là đời sống của quân và dân đoàn kết một lòng nơi đầu sóng ngọn gió.
Thượng tá Phạm Tiến Điệp - Chính trị viên Đảo Trường Sa cho biết: "Mặc dù điều kiện ở ngoài đảo còn gặp nhiều khó khăn hơn so với đất liền, song chúng tôi cũng cố gắng bảo đảm tốt nhất cho cán bộ chiến sĩ quân dân các lực lượng trên đảo một đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh và vui vẻ, để cán bộ chiến sĩ quên đi những nặng nhọc trong quá trình huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, để tham gia các hoạt động chung của đảo, bằng các hoạt động phong trào như văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao".
Suốt hải trình, mỗi thành viên trong đoàn đều sống trong những cảm xúc sâu lắng khi nghe những câu chuyện đầy xúc động về những người lính biển kiên cường. Những câu chuyện ấy giúp các thành viên trong đoàn công tác thấu hiểu và trân trọng hơn bao giờ hết sự hy sinh thầm lặng của những người lính ngày đêm bám biển, gìn giữ từng tấc đất, sải biển của Tổ quốc. Mỗi món quà trao đi không chỉ là sự sẻ chia, mà còn là lời tri ân chân thành gửi đến những người lính và nhân dân nơi đảo xa. Khi tàu rời cảng Cam Ranh, nhiều người trong đoàn không thể ngờ rằng mình đã rơi nước mắt không ít lần trong suốt hành trình. Những giọt nước mắt ấy không chỉ vì xúc động, mà còn vì tự hào. Tự hào về những hy sinh thầm lặng, những vất vả mà những chiến sĩ, những người dân nơi đầu sóng ngọn gió đang âm thầm chịu đựng, để bảo vệ bình yên cho Tổ quốc.
Sáng hôm tàu hướng về đất liền, ánh nắng dịu dàng chiếu lên mặt biển Trường Sa, như một lời tiễn biệt đầy cảm xúc. Tàu 571 cất lên hồi còi dài, gửi lời chào đảo thân thương. Những cánh tay vẫy chào nhau, ánh mắt đầy lưu luyến, như muốn mang theo tất cả ký ức đẹp về nơi ấy. Ngày mai, cuộc sống sẽ trở lại với bộn bề, nhưng Trường Sa sẽ mãi ở trong lòng mỗi thành viên đoàn công tác số 6, như một lời nhắc nhở về tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc. Chiếc huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa” được trao sẽ là biểu tượng cao quý để mỗi người sống sao cho xứng đáng với niềm tin và sự hy sinh ấy.
Ngọc Ánh