36 thượng nghị sĩ đã gửi đơn yêu cầu bãi nhiệm thủ tướng với cáo buộc bà Paetongtarn không trung thực và vi phạm các tiêu chuẩn dân tộc, vi phạm hiến pháp sau vụ rò rỉ cuộc điện đàm giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen. Nếu tòa án chấp nhận thụ lý vụ việc, họ có thể quyết định đình chỉ ngay lập tức chức vụ của thủ tướng của bà.
Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra. Ảnh: Reuters
Trong cuộc điện đàm ngày 15/6 nhằm xoa dịu căng thẳng biên giới leo thang với Campuchia, Thủ tướng Paetongtarn đã gọi ông Hun Sen là bác và xưng cháu, đông thời chỉ trích một chỉ huy quân đội Thái Lan. Ngay sau đó, bà Paetongtarn đã tổ chức một cuộc họp báo xin lỗi người dân và quân đội, đồng thời cho biết việc sử dụng những lời lẽ đó trong cuộc điện đàm là chiến thuật đàm phán.
Cuộc trò chuyện bị rò rỉ, gây phẫn nộ và khiến liên minh cầm quyền của Thủ tướng Paetongtarn chỉ còn lại thế đa số mong manh. Một đảng chủ chốt đã từ bỏ liên minh này và dự kiến sớm tìm kiếm một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội Thái Lan. Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình tại Bangkok, yêu cầu thủ tướng từ chức.
Vụ việc diễn ra sau 10 tháng bà Paetongtarn lên nắm quyền cho thấy sức mạnh của Đảng Vì nước Thái đang suy yếu. Đây cũng là một phép thử lớn đối với bà Paetongtarn - thủ tướng trẻ nhất của Thái Lan.
Chính phủ Thái Lan hiện đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp phục hồi nền kinh tế vốn đang bị trì trệ. Tỷ lệ ủng hộ đối với bà bà Paetongtarn đã giảm mạnh. Các cuộc thăm dò ý kiến từ ngày 19 đến 25/6 được công bố vào cuối tuần cho thấy tỷ lệ ủng hộ bà đã giảm từ mức 30,9% vào tháng 3/2025 xuống còn 9,2% ở thời điểm hiện tại.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Reuters