"Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) lên án quyết định ban bố sắc lệnh hành pháp của Mỹ cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt lên các quan chức của chúng tôi, gây ảnh hưởng đến sự độc lập và tính vô tư của ICC", cơ quan có trụ sở ở Hà Lan cho biết trong một tuyên bố hôm 7/2.
"ICC sát cánh cùng các nhân sự và cam kết tiếp tục đem lại công lý và hy vọng cho hàng triệu nạn nhân vô tội của sự tàn bạo trên khắp thế giới", ICC nói thêm.
"Chúng tôi kêu gọi 125 quốc gia thành viên, xã hội văn minh và toàn thể quốc gia trên thế giới đoàn kết lại vì công lý và quyền cơ bản của con người", tuyên bố của ICC kết luận.
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) có trụ sở ở Hà Lan. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/2 (giờ địa phương) đã ký sắc lệnh hành pháp cho phép đóng băng tài sản và cấm đi lại đối với các quan chức ICC, người thân và những người từng giúp đỡ cuộc điều tra của cơ quan này.
Tổng thống Trump cho rằng ICC đã tiến hành các cuộc điều tra "không có cơ sở và bất hợp lệ" nhắm vào Mỹ và một số nước đồng minh.
Danh tính những người trực tiếp chịu lệnh trừng phạt của ông Trump chưa được công bố. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt trước đây của ông Trump chủ yếu nhắm vào công tố viên của ICC, theo AFP.
Hành động nhằm vào ICC của ông Trump được cho là để đáp trả quyết định của tòa án vào tháng 11/2024 về việc ban hành lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant vì cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Gaza.
Theo ông Trump, ICC không có quyền tài phán đối với Mỹ hay Israel, vì cả hai nước đều không phải thành viên Quy chế Rome hoặc thành viên ICC.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Trump đã áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính và lệnh cấm thị thực đối với công tố viên ICC khi đó là Fatou Bensouda và các quan chức cấp cao và nhân viên khác vào năm 2020. Tổng thống Joe Biden đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt ngay sau khi nhậm chức vào năm 2021.
ICC được thành lập theo Quy chế Rome và có trụ sở ở La Haye của Hà Lan. ICC là tòa án hình sự quốc tế thường trực, độc lập đầu tiên của cộng đồng quốc tế.
Đại Hoàng