TAND quận 1 (TPHCM) vừa tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Thu Hà đối với Công ty luật TNHH Baker McKenzie Việt Nam (Baker McKenzie).
Theo HĐXX, giữa Công ty Thiên Đỉnh và Công ty Baker & McKenzie có ký hợp đồng cung cấp dịch vụ pháp lý liên quan tới tư vấn pháp luật lao động, rà soát pháp lý nội bộ và tư vấn các vấn đề khác.
Về việc nguyên đơn cho rằng Công ty Baker & McKenzie cử luật sư T. và V. tham gia tố tụng tại tòa án là vi phạm điều 70 luật Luật sư, HĐXX cho rằng, căn cứ vào tài liệu của Sở Tư pháp TPHCM cung cấp, 2 luật sư trên không có tên trong danh sách luật sư Việt Nam hoạt động tại Công ty Baker & McKenzie. Vì vậy, nguyên đơn cho rằng Công ty Baker & McKenzie cử luật sư tham gia tranh tụng trong vụ án tranh chấp lao động là không có căn cứ.
Phiên tòa thu hút sự chú ý của nhiều người. Ảnh: TP
Để thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý cho Công ty Thiên Đỉnh, Công ty Baker & McKenzie đã ủy quyền cho luật sư H. thực hiện các công việc theo hợp đồng. Sau đó, bà H. chỉ định ông P. và ông H., là nhân viên của công ty luật, hỗ trợ thực hiện công việc. HĐXX cho rằng, quá trình làm việc, ông H. có gửi các email cho bà Hà và luật sư của bà Hà, nội dung các email chỉ là thông tin các trao đổi, không có nội dung tư vấn pháp luật. Do đó, nguyên đơn cho rằng luật sư tham gia tư vấn pháp luật để giải quyết tranh chấp lao động mà chưa có ủy quyền là không có căn cứ.
Về cáo buộc ông H. (nhân viên Công ty Baker & McKenzie) thu giữ máy tính, điện thoại của bà Hà, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ trong vụ án, HĐXX cho rằng không có nội dung nào thể hiện việc này.
Theo nhận định của HĐXX, Công ty Thiên Đỉnh cho bà Hà nghỉ trái pháp luật đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực của TAND TPHCM. Bà Hà không chứng minh được Công ty Baker & McKenzie có hành vi cố ý xâm phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín và thiệt hại thực tế từ hành vi xâm phạm trên.
Từ đó, HĐXX bác yêu cầu buộc Công ty TNHH Luật Baker & McKenzie Việt Nam phải công khai xin lỗi và bồi thường thiệt hại tinh thần với mức bồi thường được xác định là 0 đồng.
Trước đó, tại phiên xử sơ thẩm ngày 26/3, đại diện VKS cũng đã đề nghị HĐXX sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của bà Hà.
Vụ kiện xuất phát từ việc bà Hà cho rằng Baker McKenzie đã tư vấn pháp luật cho Công ty Thiên Đỉnh về phương án sử dụng lao động, khiến bà bị sa thải trái pháp luật. Cho rằng việc Công ty Thiên Đỉnh chấm dứt hợp đồng là sai nên bà Hà đã khởi kiện công ty này ra tòa.
Năm 2023, TAND quận 10 bác đơn khởi kiện tranh chấp lao động của bà Hà. Tuy nhiên, ngày 04/6/2024, TAND TPHCM đã chấp nhận kháng cáo của bà Hà, tuyên buộc Công ty Thiên Đỉnh phải bồi thường cho bà Hà 9,4 tỷ đồng.
Một ngày trước khi TAND TPHCM tuyên bản án phúc thẩm vụ lao động, bà Hà có đơn khởi kiện Baker McKenzie.
Theo đơn khởi kiện, Baker McKenzie là công ty luật 100% vốn nước ngoài, được thành lập tại Việt Nam nhưng đã cử luật sư tham gia tố tụng tại phiên xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp lao động với tư cách đại diện ủy quyền và người bảo vệ quyền lợi cho Công ty Thiên Đỉnh; cử 2 cá nhân là nhân viên không có ủy quyền hợp pháp tham gia trực tiếp vào việc thực hiện các cuộc điều tra, rà soát; trực tiếp thu giữ máy tính, điện thoại di động của bà Hà; cử một người không phải luật sư tham gia tư vấn pháp luật về phương án sử dụng lao động của Công ty Thiên Đỉnh, mục đích cho bà nghỉ việc.
Từ đó, bà Hà yêu cầu Baker McKenzie xin lỗi và bồi thường tổn thất về tinh thần số tiền 18 triệu đồng. Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm, bà Hà thay đổi yêu cầu khởi kiện, đòi bồi thường tổn thất tinh thần là... 0 đồng.
Nêu quan điểm về vụ án, đại diện VKS khẳng định bị đơn và Công ty Thiên Đỉnh có giao dịch pháp lý hợp pháp. Công ty Thiên Đỉnh là khách hàng nên luật sư có quyền giao dịch và thực hiện các công việc theo ủy quyền của Công ty luật Baker McKenzie. Công ty Luật TNHH Quốc tế BMVN và Baker McKenzie là 2 pháp nhân độc lập. Vì vậy, việc nguyên đơn cho rằng Baker McKenzie cử luật sư tham gia tranh tụng trong vụ án tranh chấp giữa bà Hà và Công ty Thiên Đỉnh là không có căn cứ.
Đại diện VKSND cũng cho rằng không có căn cứ xác định 2 nhân viên của Baker McKenzie thu giữ máy tính, điện thoại của bà Hà, vì vậy cũng không có căn xác định tổn thất tinh thần của bà Hà.
Do đó, đại diện VKSND quận 1 đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc buộc bị đơn xin lỗi công khai và bồi thường tốn thất tinh thần.
Trước phiên xử sơ thẩm, ngày 20/3, TAND quận 1 đã tạo điều kiện cho các bên hòa giải. Phía nguyên đơn đã yêu cầu Baker McKenzie trả số tiền 3 tỷ đồng để khép lại vụ kiện.
Baker McKenzie không đồng ý, cho rằng số tiền vượt xa yêu cầu khởi kiện ban đầu, trong khi không chứng minh được lỗi của Baker McKenzie cũng như thiệt hại thực tế. "Yêu cầu trên là vô lý nên chúng tôi không chấp nhận hòa giải”, đại diện Baker McKenzie trình bày.
Thanh Phương