Tọa đàm 'Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc'

Tọa đàm 'Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc'
4 giờ trướcBài gốc
Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024).
Tới dự tọa đàm có các đồng chí: Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; Đại tá Đào Ngọc Phương, Phó chủ nhiệm Chính trị Quân khu 2; Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân; Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Chính ủy Sư đoàn 316; Nguyễn Đức Lương, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy Đoan Hùng (Phú Thọ).
Tham dự tọa đàm còn có lãnh đạo, chỉ huy các phòng, ban Báo Quân đội nhân dân; đại biểu Cục Chính trị, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; đại biểu Ban Chỉ huy quân sự huyện Đoan Hùng; đại biểu Huyện đoàn Đoan Hùng; đại biểu chỉ huy các cơ quan, đơn vị cùng hơn 200 cán bộ, chiến sĩ đại diện cho toàn thể cán bộ chiến sĩ toàn Sư đoàn.
Đồng chí Đại tá Lê Ngọc Long và Đại tá Nguyễn Trung Đắc đồng chủ trì tọa đàm.
Trước khi diễn ra tọa đàm, lãnh đạo Báo Quân đội nhân dân đã trao quà lưu niệm tặng Sư đoàn 316 và Trung đoàn 98; nhận món quà lưu niệm của Sư đoàn 316.
Lãnh đạo Báo Quân đội nhân dân trao quà lưu niệm tặng Sư đoàn 316 và Trung đoàn 98.
Quang cảnh tọa đàm.
Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân phát biểu tại tọa đàm.
Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316 phát biểu tại tọa đàm.
Phát biểu báo cáo đề dẫn, Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 316 nhấn mạnh, Bộ đội Cụ Hồ là tên gọi thân thương, trìu mến mà nhân dân đã trao tặng cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Bộ đội Cụ Hồ đã hội tụ những phẩm chất đạo đức, văn hóa tốt đẹp của con người Việt Nam thời đại mới. Vì vậy, hoàn toàn có cơ sở khách quan để khẳng định danh xưng-danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một nét văn hóa quân sự đặc trưng, tiêu biểu đã góp phần làm giàu những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam trong 8 thập kỷ qua, xứng đáng được đề nghị là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân và các đại biểu xem ấn phẩm trưng bày tại Tọa đàm
Hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 / 22-12-2024) và 35 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22-12-1989 / 22-12-2024), từ đầu tháng 7-2024 đến nay, Báo Quân đội nhân dân đã mở chuyên mục Diễn đàn “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ-Xứng đáng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”. Diễn đàn đã thu hút, đăng tải hàng chục bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ uy tín về nguồn gốc ra đời, ý nghĩa, giá trị của danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, qua đó góp phần giúp bạn đọc có cái nhìn toàn diện, sâu sắc, phong phú hơn về những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam và những đặc trưng tiêu biểu nổi bật của phẩm chất, nhân cách Bộ đội Cụ Hồ. Các bài viết trong diễn đàn không chỉ có có giá trị về lý luận, khoa học, mà còn là những nội dung giáo dục lịch sử truyền thống rất thiết thực, bổ ích.
Để góp phần làm sâu sắc thêm danh xưng, danh hiệu cao quý Bộ đội Cụ Hồ, trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, Đại tá Nguyễn Trung Đắc đề nghị cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 cùng các đại biểu tập trung làm rõ 3 vấn đề trọng tâm:
Một là: Làm rõ thêm những phẩm chất đặc trưng cơ bản làm nên giá trị Bộ đội Cụ Hồ; ý nghĩa của danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đối với việc rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất của người quân nhân cách mạng và đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Hai là: Trên cơ sở những giá trị của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, làm rõ những tác động tích cực của giá trị này đối với việc giữ gìn, phát huy truyền thống, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ ở Sư đoàn 316 thông qua những câu chuyện, việc làm cụ thể ở đơn vị; những biện pháp từ cấp sư đoàn đến cấp phân đội nhằm góp phần giữ vững, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ; đề xuất những giải pháp nhằm tiếp tục xây dựng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 hội tụ những phẩm chất tiêu biểu của Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới…
Ba là: Từ những giá trị tích cực của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ, có thể đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận danh hiệu cao quý này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được không?
Trình bày ý kiến về cụm vấn đề 1, Đại úy Đỗ Khắc Trình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 bày tỏ, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta, luôn quan tâm, chăm lo xây dựng Quân đội trở thành lực lượng tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
Chính sự gắn bó khăng khít, máu thịt ấy đã tạo tiền đề cho sự ra đời của danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Điều đó đã được chứng minh ngay từ trong tên gọi. Chẳng ngẫu nhiên mà có, tự nhiên mà thành, danh hiệu cao quý ấy có sự kế thừa, tiếp nối và phát triển cùng những thăng trầm của lịch sử dân tộc, lịch sử quân sự Việt Nam. Nhìn lại những trang sử oanh liệt và hào hùng của dân tộc, hình tượng người lính gắn với nhiều tên gọi khác nhau, từ anh vệ quốc quân, anh giải phóng quân, lính Cụ Hồ, bộ đội Ông Ké, cho đến danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.
Đặc trưng của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ không thể có ngay từ đầu mà phải trải qua một quá trình lâu dài, trường kỳ gian khổ, muôn vàn thử thách, trải dài xuyên suốt lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội ta. Việc phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là niềm khát khao, mong mỏi, tình cảm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân.
Đại úy Đỗ Khắc Trình, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 phát biểu tại tọa đàm
Đơn vị chúng tôi trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ, đã cụ thể hóa 5 đặc trưng cơ bản đó vào hoạt động thực tiễn của đơn vị, cũng như gắn với chức trách, nhiệm vụ của mỗi đồng chí cán bộ, đảng viên, từ chỉ huy Trung đoàn đến từng chiến sĩ tại đơn vị.
Chúng tôi đều nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có lòng trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, kiên định lập trường tư tưởng, có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh. Có tư duy đổi mới, sáng tạo, thực hiện theo đúng tinh thần “7 dám” mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện các nhiệm vụ.
Thực tế tại Trung đoàn 98 chúng tôi, mối quan hệ với nhân dân được thể hiện thường xuyên qua các hoạt động kết nghĩa với địa phương nơi đơn vị đóng quân. Tổ chức các hoạt động thiện nguyện thường niên, giúp đỡ các gia đình có công với cách mạng, tổ chức các chương trình ý nghĩa như “Chắp cánh ước mơ đưa em tới trường”, giúp đỡ các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường. Gần đây, có một hoạt động vô cùng tiêu biểu, đầy ý nghĩa, đó là Trung đoàn trực tiếp cử gần 300 cán bộ, chiến sĩ tham gia tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa, bão ở Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai.
Bất chấp điều kiện thời tiết bất lợi, đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã khắc phục khó khăn, không ngại xả thân, sẵn sàng hy sinh, ngày đêm không ngừng nghỉ tổ chức thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ, được nhân dân địa phương ghi nhận, yêu mến.
Không chỉ vậy, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ còn được thể hiện trong các hoạt động thường xuyên ở đơn vị, như thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, trong thực hiện các nhiệm vụ diễn tập, nhiệm vụ đột xuất. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị phát huy truyền thống của Quân đội anh hùng, tích cực học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ mọi mặt, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nỗ lực lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, góp phần xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Thượng úy Trần Mạnh Hùng, Phó đại đội trưởng, Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 cho rằng: Những giá trị cao quý của danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc tu dưỡng phẩm chất người quân nhân cách mạng. Bởi vì, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ mang ý nghĩa định hướng về tư tưởng và hành động của mỗi người quân nhân, đó là: Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, chấp nhận hy sinh, vượt qua khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Thượng úy Trần Mạnh Hùng, Phó đại đội trưởng, Đại đội 1, Tiểu đoàn 7 phát biểu tại tọa đàm
Cùng với đó, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ còn có ý nghĩa là điểm tựa tinh thần cho mỗi quân nhân thêm niềm tin và nghị lực. Đây không chỉ là danh hiệu một hay hai ngày chúng ta có thể có được, mà là cả chặng đường của lịch sử 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, chính những giá trị cao đẹp của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đã giúp quân đội ta chiến thắng mọi kẻ thù.
Là một cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị chúng tôi hiểu được những ý nghĩa mà danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đem lại. Đó là danh hiệu cao quý mà chúng tôi luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Trong những năm tháng chiến tranh, phẩm chất này được thể hiện ở tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân, thì ngày nay phẩm chất đó được thể hiện ở việc sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì khi Tổ quốc cần. Luôn sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đại úy Nguyễn Văn Triệu, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 chia sẻ, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ nhắc nhở chúng ta rằng, nhiệm vụ của mỗi người không chỉ dừng lại ở những công việc được giao, mà còn bao gồm việc phát huy tinh thần trách nhiệm với đồng đội và với Tổ quốc. Chúng ta luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, từ công tác huấn luyện cho đến thực hiện các nhiệm vụ trong thời bình, bảo đảm an ninh trật tự và hỗ trợ nhân dân.
Đơn vị chúng tôi luôn chú trọng xây dựng tinh thần đoàn kết. Dưới ánh sáng của danh xưng Bộ đội Cụ Hồ, mỗi chiến sĩ ý thức được rằng, sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau là điều kiện tiên quyết để vượt qua mọi khó khăn. Tinh thần kỷ luật không chỉ thể hiện trong việc tuân thủ mệnh lệnh, mà còn trong việc tạo dựng môi trường làm việc tích cực, tôn trọng và giúp đỡ lẫn nhau. Điều này được thể hiện rõ ràng trong các buổi huấn luyện, sinh hoạt tập thể và cả trong những lúc khó khăn, thử thách.
Đại úy Nguyễn Văn Triệu, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 chia sẻ tại tọa đàm
Chúng tôi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động hành quân dã ngoại làm công tác dân vận và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Gần nhất, trong tháng 9 vừa qua, do ảnh hưởng của bão số 3, chúng tôi được cấp trên giao nhiệm vụ giúp nhân dân huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ khắc phục hậu quả thiên tai. Chúng tôi hành quân lên Làng Nủ (xã Bảo Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) để tìm kiếm cứu nạn.
Qua những chuyến đi đó, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ khích lệ mỗi chiến sĩ trở thành tấm gương cho người dân, không chỉ trong các hoạt động chính trị, mà còn trong những việc làm thiết thực. Những chương trình giúp đỡ đồng bào vùng sâu, vùng xa, hay các hoạt động hướng tới nhân dân, đều thể hiện rõ nét hình ảnh bộ đội Cụ Hồ luôn vì dân, vì nước.
Tóm lại, danh xưng Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là một biểu tượng mang tính lịch sử, mà còn là một di sản văn hóa quý giá, gắn liền với trách nhiệm, tình đoàn kết và lòng tự hào của mỗi người lính. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ và phát huy giá trị này trong từng hành động, từng suy nghĩ của mình. Hãy để danh xưng không chỉ là từ ngữ, mà là động lực mạnh mẽ giúp chúng ta thực hiện tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Cầm trên tay cuốn “Ký ức Làng Nủ”, Đại tá Lê Ngọc Long, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân đọc hai câu chuyện xúc động gửi tới toàn thể các đại biểu, chiến sĩ dự tọa đàm.
Câu chuyện thứ nhất được Thiếu tá Đào Xuân Trình, Phó chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật Trung đoàn 98 viết: “Thực hiện nhiệm vụ tại thôn Làng Nủ, nguồn thực phẩm chủ yếu được khai thác tại chỗ. Đến nhiều gia đình tìm mua lợn thịt, tôi nhận được câu trả lời “lũ trôi hết rồi, không có lợn để bán đâu”, có chị chủ nhà bảo “lợn thì gia đình không có, chỉ có một con bò sẵn sàng cho các chú bộ đội, để tôi dắt sang cho các chú thịt”. Cổ tôi nghẹn lại, cay cay nơi khóe mắt, giọng lắp bắp, tôi giải thích “chúng em đã có chế độ, tiêu chuẩn của Quân đội rồi, chị để con bò lại, khi hết lũ lấy kế sinh nhai, không dám nhận con bò của chị”.
Câu chuyện thứ hai: “Khoảng 11 giờ đêm, Hạ sĩ Bàn Văn Lỳ, chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8 đang cúi người thổi lửa để hơ quần áo cho khô. Khi ngước lên, Lỳ thấy đồng chí Đại đội trưởng. Lúc ấy, Lỳ lắp bắp báo cáo, em đang hong quần áo vì thời tiết mưa suốt. Lúc ấy, đồng chí Đại đội trưởng gọi Lỳ vào phòng, bao nhiêu lo lắng được Lỳ nghĩ, rằng chắc lần này mình bị trách phạt nặng đây. Nhưng, đồng chí Đại đội trưởng lôi từ trong túi ra một chiếc quần đùi quân nhu tặng Lỳ”.
Hạ sĩ Bàn Văn Lỳ trong câu chuyện được Đại đội trưởng tặng quần
Đồng chí Đại đội trưởng trong câu chuyện trên là Đại úy Nguyễn Văn Tuấn. Trả lời câu hỏi của Đại tá Lê Ngọc Long, rằng tại sao lúc đó bản thân lại có hành động tặng quần, Đại úy Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giúp dân tại Làng Nủ, thời tiết mưa suốt, nên điều kiện sinh hoạt, phơi phóng của cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn. Lúc đấy, tôi thấy Lỳ đang ngồi hơ quần áo, mà thấy mình còn quần mới chưa dùng, nên tặng Lỳ. Ban đầu, Lỳ ngại ngùng không nhận, nhưng tôi động viên rằng: Chú yên tâm, quần này mới, chưa mặc lần nào. Chú cầm lấy mà dùng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Trực tiếp làm nhiệm vụ tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, Binh nhất Trần Minh Thảo, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, xúc động cho biết: Trải qua thời gian giúp đỡ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai vừa qua, càng củng cố thêm niềm tin yêu của nhân dân đối với quân đội, quân đội thực sự là một điểm tựa tinh thần cho nhân dân. Chia tay bà con Làng Nủ, cả chúng tôi và bà con nhân dân đều khóc, thấy được ánh mắt chứa đầy sự cảm ơn, sự tin tưởng và tình cảm của bà con nhân dân chúng tôi càng nhận thấy rõ điều đó. Người lính Bộ đội Cụ Hồ luôn có mặt ở những nơi khó khăn nhất, nguy hiểm nhất để giúp đỡ nhân dân, đó chính trị giá trị đạo đức cao cả của người lính Bộ đội Cụ Hồ.
Binh nhất Trần Minh Thảo, Đại đội 6, Tiểu đoàn 8
“Qua 2 năm thực hiện nhiệm vụ, tôi cảm nhận rõ ràng rằng danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ đã góp phần định hình lối sống, phong cách làm việc và tư duy của mình, từ đó nâng cao hiệu quả công tác và sự trưởng thành trong cuộc sống. Sau này khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chúng tôi sẽ cố gắng phát huy những gì đã được học tập, rèn luyện tại môi trường quân ngũ, những giá trị phẩm chất Bộ đội cụ Hồ để tiếp tục hoàn thiện bản thân, đóng góp xây dựng và phát triển quê hương, xã hội”, Binh nhất Trần Minh Thảo cho biết.
Trước câu hỏi của đồng chí đồng chủ trì tọa đàm là Chính ủy Sư đoàn 316: “Để giúp đỡ người dân mà có thể hy sinh tính mạng, đồng chí có sẵn sàng không?”. Binh nhất Trần Minh Thảo không hề lưỡng lự, nói: “Có!”. Lời khẳng định của chiến sĩ trẻ nhận được tràng pháo tay vang dội khắp hội trường.
Phát biểu về tình quân dân, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ lan tỏa tới nhân dân, đồng chí Lâm Phương Thuận, Bí thư Huyện đoàn Đoan Hùng cho biết: Trên địa bàn huyện Đoan Hùng có nhiều đơn vị quân đội đóng quân, trong đó có Trung đoàn 98, Sư đoàn 316. Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn đã giúp đỡ nhân dân, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần ở địa phương. Mới đây, Trung đoàn 98 giúp đỡ bà con thôn Làng Nủ khắc phục hậu quả thiên tai, càng khẳng định phẩm chất tuyệt vời của Bộ đội Cụ Hồ.
Đồng chí Lâm Phương Thuận, Bí thư Huyện đoàn Đoan Hùng phát biểu
Binh nhất Lương Tuân Quang (Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98) chia sẻ về quá trình giúp dân tại thôn Làng Nủ: “Tôi và đồng đội có mặt tại thôn Làng Nủ vào buổi trưa. Sắp xếp xong chỗ nghỉ ngơi, 1 giờ chiều, tôi và 10 đồng chí tham gia tổ cơ động, chuyên trách vận chuyển và an táng các nạn nhân xấu số. Lúc đầu, anh em rất sợ, vì chưa ai từng tiếp xúc với thi thể nguời đã khuất bao giờ. Nhưng trước cảnh đau thương mà dân làng ở đây đang gánh chịu, cùng sự động viên và chỉ huy trực tiếp của cán bộ đơn vị, những đau thương, sợ hãi đấy đã biến thành dũng khí, để chúng tôi quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Binh nhất Lương Tuân Quang (Đại đội 7, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 98 chia sẻ tại tọa đàm
Thượng tá Bùi Cường Sơn, Chính ủy Trung đoàn 98, nhấn mạnh: Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 98 luôn theo dõi diễn đàn “Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng được đề nghị công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức. Cán bộ, chiến sĩ nhận thức được đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, hướng tới 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Càng đặc biệt hơn khi Báo Quân đội nhân dân phối tổ chức tại đơn vị cơ sở, để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện chia sẻ, bộc bạch, nói lên những suy nghĩ, cảm nhận của mình về phẩm chất, giá trị, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ - mà chính chúng tôi đang được thừa hưởng từ quá khứ anh hùng. Để gìn giữ và phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, nhất thiết phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trung tâm là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu; xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực tiêu biểu; kỷ luật tự giác nghiêm minh; mở rộng dân chủ trong lãnh đạo; gắn bó mật thiết với nhân dân… Cùng với các đồng chí đã tham gia phát biểu, cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 316, Trung đoàn 98 đồng thuận với những ý kiến, bài viết trên Báo Quân đội nhân dân để khẳng định rằng: Danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ xứng đáng trở thành di sản phi vật thể quốc gia.
Thượng tá Bùi Cường Sơn, Chính ủy Trung đoàn 98 phát biểu
Sau 3 giờ trao đổi, thảo luận dân chủ, sôi nổi, tọa đàm “Giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc” đã thành công tốt đẹp.
Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Chính ủy Sư đoàn 316 cảm ơn thủ trưởng Cục Chính trị Quân khu 2, Thủ trưởng Báo Quân đội nhân dân, các vị đại biểu, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 đã đến tham dự, chỉ đạo, phát biểu, trao đổi ý kiến tại tọa đàm, với nhiều nội dung ý nghĩa, thiết thực.
Đại tá Nguyễn Trung Đắc, Chính ủy Sư đoàn 316 phát biểu kết thúc tọa đàm
Các đại biểu tham gia tọa đàm
Buổi tọa đàm đã cung cấp thêm cái nhìn toàn diện, sâu sắc hơn về ý nghĩa, giá trị của danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ; đồng thời, tuyên truyền về những việc làm, kết quả tích cực của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 316 trong việc giữ gìn, phát huy giá trị danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, qua đó khẳng định, lan tỏa những giá trị truyền thống tốt đẹp của Sư đoàn 316 anh hùng.
Ý nghĩa được đúc kết từ tọa đàm đã khẳng định, danh xưng, danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa quân sự đặc sắc. Đây là cơ sở quan trọng để kiến nghị, đề xuất cơ quan chức năng và cấp có thẩm quyền công nhận danh hiệu Bộ đội Cụ Hồ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/toa-dam-giu-gin-phat-huy-gia-tri-danh-hieu-bo-doi-cu-ho-trong-su-nghiep-xay-dung-quan-doi-bao-ve-to-quoc-797815