Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng Bảo tàng Lâm Đồng nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
Tham dự gặp mặt có bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, đại diện các cơ quan, đơn vị, trường đại học, Hiệp hội Du lịch, doanh nghiệp lữ hành cùng toàn thể cán bộ, viên chức làm công tác bảo tồn, bảo tàng của tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, viên chức Bảo tàng Lâm Đồng với bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc
Phát biểu tại buổi gặp mặt tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: Di sản văn hóa Việt Nam là sự thống nhất trong đa dạng, là sự hòa quyện, kết tinh giữa bản sắc văn hóa các dân tộc anh em. Gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa luôn là nhiệm vụ quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của một địa phương và của đất nước.
Ngày Di sản Văn hóa là dịp để chúng ta thêm yêu quý di sản văn hóa của dân tộc, từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào của những người làm công tác bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Đồng thời, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa cho toàn dân, để toàn xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp văn hóa, chung sức đồng lòng bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Ông Hoàng Ngọc Huy - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng ôn truyền thống 79 năm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
Ôn lại truyền thống Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, ông Hoàng Ngọc Huy - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng đã nhấn mạnh chức năng nhiệm vụ của Bảo tàng Lâm Đồng là bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, của đất nước, đưa tới công chúng trong và ngoài nước. Bảo tàng Lâm Đồng quản lý nhà trưng bày chính với 12.000 hiện vật gắn với mảnh đất con người Lâm Đồng từ ngàn xưa đến nay, và 2 di sản lớn là Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên và Di tích Quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt. Trong đó, có nhiều hiện vật vô cùng độc đáo và quý giá.
Chỉ hơn 2 tháng sau khi nước nhà độc lập, cách đây 79 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ Học viện - Đây là Sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, khẳng định việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc là rất quan trọng trong công cuộc kiến thiết đất nước.
Đại biểu đóng góp ý kiến thiết thực cho công tác sưu tầm, bảo tồn hiện vật
Trước yêu cầu của thời đại mới, vào ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. 19 năm qua, Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam là dịp để những người làm công tác văn hóa, công tác bảo tàng di sản ôn lại truyền thống nhắm tăng cường ý thức trách nhiệm, niềm tự hào của người làm công tác bảo tồn trong việc phát huy các giá trị di sản, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đại diện Trường Đại học Yersin nêu nhiều ý kiến hay về xây dựng các hoạt động trải nghiệm của Bảo tàng Lâm Đồng
Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây Nguyên có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể vô giá. Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 37 di tích được xếp hạng; trong đó, 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh.
Đây là nguồn tài nguyên văn hóa rất lớn phục vụ cho phát triển du lịch. Văn hóa phi vật thể là Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cùng với những sử thi, trường ca, truyện cổ tích, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, những phong tục tập quán, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc địa phương. Ngoài ra, 2 di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận là Mộc bản Triều Nguyễn và Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Đà Lạt còn được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo về âm nhạc, Lang Biang được ông nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đại diện Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng nêu nhiều ý kiến về kết nối tour, thu hút du khách
Lâm Đồng là nơi hội tụ 47 dân tộc anh em; trong đó, có 3 dân tộc gốc địa phương sinh sống lâu đời là Mạ, K’Ho, Churu. Sự đa dạng về văn hóa là nền tảng cơ sở để Bảo tàng Lâm Đồng thực hiện chức năng nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của địa phương.
Ngay sau ngày đất nước thống nhất, tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm đến di sản văn hóa. Bộ phận bảo tồn, bảo tàng được thành lập từ tháng 8/1975 trực thuộc Thành ủy Đà Lạt có nhiệm vụ sưu tầm, gìn giữ và bảo quản những hiện vật, tư liệu lịch sử có giá trị văn hóa của tỉnh.
Năm 1982, UBND tỉnh đã quyết định thành lập Bảo tàng Lâm Đồng với chức năng, nhiệm vụ của một bảo tàng tổng hợp, khảo cổ, khảo cứu của tỉnh.
Đại biểu đánh giá cao về công tác trưng bày, sự sắp xếp khoa học và các hoạt động trải nghiệm bổ ích, lý thú cho học sinh tại Bảo tàng
Nhận thức được việc bảo tồn di sản văn hóa là nhiệm vụ hàng đầu, Bảo tàng Lâm Đồng tự hào gìn giữ di sản cho hiện tại và tương lai. Trong thời gian tới, Bảo tàng Lâm Đồng sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác bảo tồn, sưu tầm, bảo tàng, trưng bày và triển lãm nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách, đáp ứng xu thế phát triển bảo tàng trong thời đại khoa học công nghệ; đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, trải nghiệm đa dạng của công chúng.
Tập trung xây dựng, đổi mới nội dung, hình thức trưng bày, giới thiệu di sản văn hóa, nhất là xây dựng các chương trình trải nghiệm giúp các em học sinh hiểu hơn về di sản, về văn hóa của dân tộc, của quê hương, đất nước.
Ông Hoàng Ngọc Huy - Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng ghi nhận tấm lòng và đánh giá cao các hiện vật được hiến tặng
Tại tọa đàm, các đại biểu đã trình bày các tham luận, các ý kiến về các vấn đề: Ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử tại Bảo tàng Lâm Đồng; Vai trò của công tác trưng bày đối với Bảo tàng; Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp nhằm đưa di sản văn hóa Lâm Đồng đến với đông đảo công chúng, phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Nhà sưu tập Nguyễn Quốc Dũng hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Lâm Đồng
Nhân dịp này, nhà sưu tầm cổ vật Nguyễn Quốc Dũng (Đà Lạt) đã hiến tặng Bảo tàng Lâm Đồng hơn 50 hiện vật văn hóa có niên đại hàng trăm năm gồm nhiều loại, nhiều lĩnh vực như: Chum chóe, đồ trang sức, nhạc cụ, dụng cụ lao động…
Trao Bằng chứng nhận của Bảo tàng Lâm Đồng cho nhà sưu tầm hiến tặng hiện vật
Bảo tàng Lâm Đồng đã tiếp nhận hiện vật hiến tặng theo Luật Di sản và trân trọng biểu dương tấm lòng sự đóng góp của nhà sưu tầm Nguyễn Quốc Dũng, đồng thời đánh giá cao giá trị văn hóa của các hiện vật hiến tặng.
QUỲNH UYỂN