Mưa bom, bão đạn
Những ngày tháng 7, con đường dẫn vào Khu di tịch lịch sử Quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc trở nên đông đúc với hàng vạn người về đây, kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ 10 anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong (TNXP) cùng những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập tự do và hòa bình dân tộc. Trong chiến tranh, nơi đây từng được mệnh danh là “tọa độ chết” - mỗi mét vuông đất phải hứng chịu ít nhất ba quả bom cày xới, thấm đẫm máu xương của những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi. Cùng với Đài tưởng niệm TNXP là khu Tượng đài Tổ quốc ghi công Tiểu đội 10 nữ TNXP Ngã ba Đồng Lộc, phía trước là hố bom nơi các cô hy sinh, đằng sau là mười ngôi mộ nghi ngút khói nhang được bao bọc bởi rừng cây xanh mát.
Nằm trên đường Trường Sơn, thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc cũ, nay là xã Đồng Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Ngã ba Đồng Lộc lọt thỏm trong một thung lũng hình tam giác, hai bên đồi núi trọc, giữa là con đường độc đạo. Mặt đường nơi đây như một lòng máng, bom địch thả xuống bên nào đất đá cũng lǎn xuống đường làm cản trở giao thông. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua Ngã ba Đồng Lộc, cũng vì lẽ đó mà nơi đây được xem là huyết mạch quan trọng, “yết hầu” giao thông. Các đoàn xe vượt qua được sẽ phân tán tỏa ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào miền Nam.
Ngã ba Đồng Lộc hôm nay.
Chính vì sự hiểm yếu, quan trọng đó mà con đường độc đạo này trở thành vị trí chiến lược, nơi đấu trí, đấu lực giữa ta và địch. Với dã tâm muốn biến Ngã ba Đồng Lộc thành “tọa độ chết”, hòng cắt đứt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc phải hứng chịu 1.863 lượt máy bay Mỹ ném bom với gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể rốc két.
Dưới mặt đất, hố bom chồng lên hố bom, mặt đất biến dạng, đất bị cày đi xới lại, không chồi cây, ngọn cỏ nào có thể mọc nổi. Người dân các xã quanh ngã ba này trong bán kính 4km đều phải sơ tán. “Ban ngày, chúng tập trung chặn các lối ra vào Ngã ba Đồng Lộc của ta. Đêm, chúng thả pháo sáng, ném bom bi, bắn đạn rốc két, đạn 20 mm nhằm tiêu diệt các lực lượng cứu đường của ta để chặt đứt “yết hầu” vô cùng quan trọng này”, ông Trần Sỹ Giai, C552 (Tổng đội TNXP N55 P18 Hà Tĩnh - đơn vị điều tiết, san lấp đường ở khu vực Ngã ba Đồng Lộc từ Cầu Bạng đến Khe Giao), hồi nhớ.
Dòng người dâng hương tri ân Anh hùng liệt sĩ.
Cách đó không xa, Khu di tích lịch sử Cầu Nhe (xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc cũ, nay là xã Gia Hanh, tỉnh Hà Tĩnh) cũng là minh chứng, nhắc nhở thế hệ hôm nay về sự hy sinh anh dũng của 53 liệt sĩ Trung đoàn 5 Yên Tử và 17 liệt sĩ là cán bộ, dân quân địa phương. Nằm trên tỉnh lộ 12, Cầu Nhe lọt thỏm giữa cánh đồng mênh mông. Là tuyến đường “chia lửa” cho việc tiếp tế, hành quân của bộ đội ta nên nơi đây cũng nằm trong “tầm ngắm” của địch.
Trưa 15/4/1968, sau hơn một tháng hành quân, 53 liệt sĩ Trung đoàn 5 Yên Tử (Đoàn 1019) Quân khu 3, Bộ Tư lệnh TP Hải Phòng khi vừa đến Cầu Nhe, bầu trời Vĩnh Lộc bỗng vỡ toang bởi những tiếng gầm rú của máy bay, một trận mưa bom trút xuống giữa đội hình... Trong khoảnh khắc, 53 chiến sĩ Tiểu đoàn 351 đã ngã xuống nơi đây. Cũng trong đợt oanh tạc của máy bay Mỹ, 17 bộ đội, dân quân địa phương khi làm nhiệm vụ hướng đường cũng nằm lại mảnh đất này.
Cầu Nhe – nơi 70 liệt sĩ chung một nấm mồ.
“Sau kháng chiến, chính quyền cùng hàng trăm người dân địa phương, thân nhân, đồng đội các liệt sĩ tổ chức tìm kiếm, nhưng chỉ quy tập được 27 hài cốt đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Can Lộc. Số liệt sĩ còn lại vẫn nằm trong lòng đất Cầu Nhe, dòng sông Nhe. Vì thế mà có nấm mồ chung trước 53 ngôi mộ gió của các liệt sĩ trong khu di tích”, ông Phan Thuận (SN1959, thôn Đại Bản) cho hay.
Hồi sinh
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về một thời hào khí lẫn bi thương vẫn khắc sâu vào tâm khảm mỗi người dân nước Việt. Máu đào của các anh hùng, liệt sĩ hy sinh anh dũng trong các cuộc kháng chiến đã góp phần tô thắm lá cờ đỏ Tổ quốc và truyền thống yêu nước của dân tộc ta, mãi mãi là tấm gương cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo. Sau 57 năm, “tọa độ lửa” với chi chít hố bom năm xưa đã “thay da đổi thịt”. Màu xanh ngút ngàn của núi rừng, của dòng sông, của những cánh đồng lúa. Màu ngói đỏ tươi của những ngôi nhà san sát khang trang.
“Nếu không kể lại, chắc nhiều người không biết chỗ này từng là hố bom. Không chỉ vườn nhà tôi, nhiều nhà khác cũng đầy hố bom. Đồng Lộc ngày trước bị bom đạn tàn phá bao nhiêu, giờ đây người dân nơi đây lại kiên cường, chịu thương chịu khó, tăng gia sản xuất bấy nhiêu để “tọa độ chết” hồi sinh đúng nghĩa”, ông Trần Đình Ngôn (58 tuổi, tổ dân phố Kim Thành, xã Đồng Lộc) bày tỏ.
Tuổi trẻ Hà Tĩnh tri ân các liệt sĩ.
Ông Đặng Quốc Vũ – Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc và Khu tưởng niệm Lý Tự Trọng cho biết, chiến tranh đã lùi xa, nhưng những mất mát, sự hy sinh của anh hùng, liệt sĩ sẽ không bao giờ vơi và thế hệ sau không bao giờ được quên đi. Mỗi năm khu di tích đón hơn 500.000 lượt khách về hành hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống, bảo vệ độc lập, tự do dân tộc.
Trong lời thuyết minh xúc động bên bia tưởng niệm, trong bước chân trầm lặng của những người cựu binh, cựu TNXP năm xưa hay đôi mắt ngấn lệ xúc động của thế hệ trẻ khi đặt chân đến “mảnh đất lửa”... tất cả trở thành mạch nguồn không bao giờ cạn của lòng biết ơn, của niềm tin yêu và trách nhiệm với Tổ quốc.
Với khẩu hiệu: “Xe chưa qua nhà không tiếc”, “Tim có thể ngừng đập nhưng đường phải thông”, “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Đường chưa thông không tiếc xương, tiếc máu” đã trở thành kim chỉ nam, ngọn lửa soi sáng cho lý tưởng, phương châm sống, chiến đấu của các lực lượng lúc bấy giờ. Trên chiến trường khốc liệt này, đã có hàng trăm người con ưu tú của dân tộc mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, linh hồn của họ đã hóa thân vào hồn thiêng sông núi. Tiêu biểu là 10 nữ TNXP tuổi đời còn rất trẻ thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552 đã anh dũng hy sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ thông đường cho xe vào tiền tuyến.
Phạm Trường