Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương tham dự trực tiếp và đại diện lãnh đạo 63 địa phương tham dự trực tuyến; đại diện các cơ quan hữu quan của Bộ Công Thương, đại diện EVN, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và Viện Năng lượng xây dựng Đề án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nhấn mạnh, những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Công Thương tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện đề án, đảm bảo một quy hoạch điện lực bền vững, phù hợp với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn đề nghị Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch ngành quốc gia, góp phần đảm bảo tính thống nhất trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực điện lực; đảm bảo vững chắc an ninh năng lượng tạo nền tảng hạ tầng bền vững cho phát triển toàn diện kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo hội nghị
Thực hiện nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 31/12/2024, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực, khẩn trương triển khai xây dựng và hoàn thành Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trong thời gian rất ngắn, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9600/VPCP-CN ngày 26/12/2024. Trong quá trình xây dựng, Bộ Công Thương đã tuân thủ các quy định tại Luật Quy hoạch, Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ, tiến hành xây dựng Đề án một cách bài bản, thực hiện lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, địa phương liên quan, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Công Thương.
Ngày 19/02/2025, Hội đồng thẩm định đã tổ chức họp với sự có mặt đầy đủ của các thành viên hội đồng, các ủy viên phản biện, đại điện các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và đã bỏ phiếu thông qua đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII với tỷ lệ 100% tán thành. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương tiếp tục tổng hợp giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định để hoàn thiện đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, báo cáo Hội đồng thẩm định.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày hôm nay, Chính phủ tổ trực Hội nghị trực tuyến với các địa phương về đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện lần cuối cùng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến liên quan đến một số vấn đề như:
Sự phù hợp của nội dung đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII với những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại địa phương; các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh địa phương mình với thực trạng phân bố, sử dụng không gian của ngành điện;
Khả năng đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo từng thời kỳ;
Đánh giá tiềm năng các nguồn năng lượng sơ cấp, năng lượng tái tạo cho phát điện và các năng lượng khác; khả năng khai thác, khả năng xuất nhập khẩu điện của địa phương; đánh giá khả năng trao đổi điện trong khu vực; Phân tích, đánh giá tiềm năng và lợi thế, cơ hội, thách thức trong phát triển điện lực quốc gia tại địa phương; Tính khả thi của phương án phát triển điện lực đề xuất (tổng công suất nguồn điện, mức độ dự phòng, cơ cấu nguồn điện, đầu tư, tài chính…) cũng như các giải pháp về cơ chế chính sách, về phát triển nguồn lực thực hiện cũng như công tác tổ chức.
Hội nghị trực tuyến với các địa phương về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII
Thực hiện nhiệm vụ lập Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1710/QĐ-TTg ngày 31/12/2024, Bộ Công Thương đã rất nỗ lực, khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương để triển khai xây dựng và hoàn thành Đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII trong thời gian rất ngắn, bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 9600/VPCP-CN ngày 26/12/2024.
Tại hội nghị, với vai trò điều hành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề nghị các bộ ngành, địa phương đóng góp ý kiến để hoàn thiện đề án với chất lượng tốt nhất, bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ. Các ý kiến đóng góp về đề án Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII sẽ được Bộ Công Thương tiếp thu, nghiên cứu hoàn thiện lần cuối cùng để trình Thủ tướng Chính xem xét, phê duyệt.
Ưu tiên năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, Ông Phạm Đức Toàn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên cho biết, đối với tỉnh miền núi biên giới như Điện Biên yêu cầu đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số giai đoạn đến năm 2025 và 2030 rất khó khăn do dư địa phát triển và tiềm năng thu hút đầu tư hạn chế. Hiện có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đề xuất nghiên cứu các dự phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh, và đây là cơ hội để Điện Biên thu hút đầu tư, góp phần nâng cao tăng trưởng.
Để Đề án Quy hoạch điện VIII được triển khai thông suốt, lãnh đạo tỉnh Điện Biên đề xuất: Chính phủ, Bộ Công Thương trên quan điểm rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là nguồn điện gió, điện mặt trời. Giúp các địa phương khó khăn có điều kiện trong thu hút nguồn lực đầu tư để thực hiện nguồn lực tăng trưởng.
Về phía địa phương cũng rà soát bổ sung quy hoạch danh mục các dự án lưới điện truyền tải, trạm biến áp trên địa bàn tỉnh để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng, rà soát bổ sung trong quy hoạch đảm bảo đồng bộ giữa nguồn điện và lưới điện truyền tải đảm bảo an ninh năng lượng trên địa bàn.
Về giải pháp thực hiện quy hoạch, lãnh đạo UBND tỉnh Điện Biên đề xuất: Bộ Công Thương ban hành khung chính sách để phát triển điện lực, năng lượng tái tạo bao gồm cơ chế đấu giá, đấu thầu để chọn nhà đầu tư, cơ chế mua bán điện trực tiếp, cơ chế thực hiện quy hoạch ngành theo đúng phân cấp, phân quyền cho UBND cấp tỉnh, hoàn thiện mô hình phát điện cạnh tranh, tạo hành lang pháp lý trong việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch điện VIII đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.
Đề nghị Chính phủ xem xét cho UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình năng lượng có phạm vi trên địa bàn hành chính cấp tỉnh. Với các dự án liên quan đến 2 địa phương, đề nghị phân cấp cho UBND tỉnh phê duyệt nhằm tạo tính chủ động, rút ngắn thời gian thực hiện cam kết của chủ đầu tư.
“Hiện công trình truyền tải điện đã phân cấp cho địa phương rồi nhưng công trình năng lượng như các dự án thủy điện liên quan đến 2 địa bàn chúng tôi đề xuất Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ phân cấp về cho địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch, quy hoạch”, ông Phạm Đức Toàn cho biết thêm.
Phiên họp được kết nối trực tuyến với các địa phương
Trong khi đó, ông Nguyễn Công Vinh- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị, trong phát triển nguồn nguyên liệu trong phát triển điện năng cần thêm cơ chế chính sách trong phát triển năng lượng mới. Đồng thời giao nhiệm vụ cho ngành điện phối hợp với các địa phương phát triển hệ thống truyền tải.
Cùng quan điểm với các đại biểu, ông Đoàn Thanh Sơn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn bày tỏ sự nhất trí cao với 3 nội dung kiến nghị tại Đề án, trong đó có nội dung liên quan đến phát triển điện mặt trời. Đồng thời cho biết, tỉnh Lạng Sơn có 8 dự án điện gió đã có trong quy hoạch và xin được bổ sung thêm công suất, những dự án này đã đều trải qua việc đo gió và đạt tốc độ đo gió khả thi. Hiện đã có 6 nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất, tuy nhiên đang gặp vướng mắc là chưa có phê duyệt quy mô dự án, nên đề nghị sớm có phê duyệt quy mô dự án để tỉnh sớm triển khai thực hiện.
Đồng tình về việc phải ưu tiên cho năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng vần phải tính bài toán kinh tế, bài toán tổng thể của quốc gia chứ không phải bài toán của từng địa phương vì phát triển điện gió, điệm mặt trời phải tùy thuộc vào tần suất và cường độ của gió, tiềm năng bức xạ của mặt trời…
Đối với khu vực miền Trung, nếu đề xuất thêm công suất năng lượng tái tạo sẽ gặp khó khăn trong vấn đề truyền tải. Hiện phụ tải tại chỗ chỉ đáp ứng 7-10%, còn lại 90-93% là truyền tải đi nơi khác. Do đó việc phát triển cũng cần tính toán bài toán kinh tế cho cả nước, vì nếu chúng ta phát triển điện mà không huy động được thì sẽ lãng phí. Điện sản xuất ra cần có tiêu thụ chứ chưa thể lưu trữ được.
Toàn cảnh phiên họp
Đề xuất bổ sung quy hoạch
Ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đề xuất Bộ Công Thương điều chỉnh bổ sung thêm trong Quy hoạch điện VIII điều chỉnh 1.000MW điện gió và 500MW điện mặt trời thay cho công suất phân bổ hiện tại vì tỉnh có tiềm năng hơn 8.000MW điện gió và 6.000MW điện mặt trời.
Tương tự, ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết có nhiều dự án chậm tiến độ vì thế tỉnh đề xuất dự án LNG Cà Mau vào Quy hoạch điện 8 để có điều kiện Cà Mau và Tập đoàn công nghiệp năng lượng quốc gia triển khai ngay mở rộng dự án nhà máy điện Cà Mau 1 và Cà Mau 2.
Đối với nội dung nghiên cứu định hướng liên kết điện Việt Nam với các quốc gia ASEAN, đề xuất hệ thống truyền tải điện siêu áp 1 triệu HVDC (truyền tải điện một chiều siêu cao áp) sang Malaysia, Singapore để xuất khẩu điện. Cà Mau sẽ có báo cáo cụ thể tiềm năng lợi thế để triển khai.
Liên quan đến nội dung kiến nghị của Cà Mau, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong luật điện lực (sửa đổi) đã có 1 điều quy định rất rõ những dự án chậm tiến độ là có chế tài xử lý nghiêm, phạt về tài chính nếu chậm tiến độ. Đất nước không thể ngồi chờ một vài nhà đầu tư được.
Riêng chuyện xuất khẩu điện, tiềm năng chúng ta có nhưng khi ngồi vào bàn đàm phán để xuất khẩu điện thế nào thì câu chuyện đặt là ở đường truyền tải bởi không thể truyền tải trên mặt nước được mà phải truyền tải dưới đáy đại dương. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ đầu tư, người mua điện thì không đủ năng lực để đầu tư, còn người bán điện thì cũng không dễ gì hoạch toán và thu hồi vốn trong một chu kỳ dự án trong khoảng 14-20 năm.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh bổ sung với điện rác 249 MW theo Quyết định 1711 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch của TP. Hồ Chí Minh. Đồng thời xem xét các dự án tiềm năng điện gió của TP. Hồ Chí Minh.
“Đối với nhà máy điện khí LNG, hiện nay trong Quy hoạch điện 8 TP. Hồ Chí Minh đã được phê duyệt giai đoạn 1 của nhà máy LNG Hiệp Phước với công suất 1.200MW. Chúng tôi kiến nghị đến năm 2030 giai đoạn 2 của nhà máy LNG Hiệp Phước tiếp tục được triển khai” – Bà Ngọc kiến nghị.
Các đại biểu đến từ các Bộ, ngành, tập đoàn năng lượng tham dự phiên họp trực tiếp
Sớm có văn bản về đầu tư lưu trữ năng lượng và họp giao ban định kỳ
Ông Lưu Văn Khôi – Giám đốc Sở Công Thương Đắk Lắk cho biết, địa phương thống nhất các nội dung trong đề án Quy hoạch Điện VIII điều chỉnh và trong quá trình triển khai, chúng tôi đã có phối hợp với Viện Năng lượng để cung cấp thông tin.
Thời gian qua cũng có một số nhà đầu tư đến Đăk Lăk đề xuất khai thác công suất điện gió và điện mặt trời, các nhà đầu tư xin đầu tư hệ thống lưu trữ, nhưng hiện rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thì chưa có, nên mong Bộ Công Thương quan tâm vấn đề này, sớm có các văn bản ban hành để có cơ sở pháp lý triển khai dự án.
Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, khi triển khai các dự án Quy hoạch điện 8 sẽ có giao ban thường xuyên, tỉnh Đăk Lăk đề xuất nên triển khai ngay việ này, để các Sở Công Thương địa phương có thể tham gia vào các cuộc giao ban và báo cáo cụ thể các vướng mắc để triển khai dự án về địa phương được thuận lợi.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Văn Diện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đồng tình nội dung báo cáo của Bộ Công Thương, nhất là nội dung thực hiện trong thời gian tới.
Theo ông Vũ Văn Diện, Quảng Ninh có nhiều cơ hội cho phát triển năng lượng điện mới, tuy nhiên đây là chuyên ngành rất sâu, quản lý Nhà nước nhưng chưa chắc đã nắm sâu khi nghe đơn vị tư vấn có thể chưa hiểu, dẫn đến thực hiện chưa sát.
Vì vậy lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh mong muốn, Thủ tướng, Bộ Công Thương chỉ đạo sẽ có những tổ công tác để hỗ trợ địa phương đi vào trực tiếp các dự án, phân rõ trách nhiệm địa phương làm gì và các cơ quan Trung ương hỗ trợ gì để giảm thời gian thực hiện. Đồng thời tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ về những quy trình nhỏ nhưng là cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện các kế hoạch, quy hoạch cho sát.
“Ở địa phương không phải hoàn toàn có đủ thông tin để hiểu được những yêu cầu phát triển mới nên rất cần các tổ hỗ trợ từ Trung ương”, ông Vũ Văn Diện nói.
Liên quan đến vấn đề giao ban định kỳ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau khi Quy hoạch điện VIII điều chỉnh được thông qua, Bộ Công Thương với vai trò là cơ quan thường trực sẽ tiến hành giao ban hàng tháng để hỗ trợ các địa phương, chủ đầu tư triển khai theo đúng kịch bản.
Về vấn đề phân cấp phân quyền, Bộ trưởng Bộ Công Thương thông tin, theo Luật Điện lực sửa đổi phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh rất rõ ràng quyết định chủ trương đầu tư còn tất cả các loại hình. Ngoài ra, giá của các loại hình điện sẽ được công bố rõ ràng, kịp thời trong kỳ.
Cơ chế mua bán điện trực tiếp hay giá điện 2 thành phần, tách giá truyền tải ra khỏi giá thành hiện nay để xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải sẽ được quy định rõ trong các Nghị định sắp được Chính phủ sẽ ban hành.
Phát biểu kết thúc phần thảo luận, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, sau gần 3 giờ làm việc, ngoài báo cáo của Bộ Công Thương và đơn vị tư vấn, đã có 24 ý kiến đại diện cho bộ, ngành địa phương phát biểu. Nhìn chung các ý kiến đồng thuận về đề án này, có ý kiến kiến nghị đề xuất thì trong quá trình tiếp thu và đã có tiếp thu và giải trình. Các địa phương vẫn còn ý kiến thì gửi bằng văn bản đến Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo của Bộ Công Thương cũng như Viện năng lượng.
“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp thu ý kiến của các đồng chí để hoàn thiện đôề̀ án và báo cáo Thường trực Chính phủ trong phiên họp ngày 25/2 để Chính phủ cho ý kiến thông qua quy hoạch trước ngày 28/2/2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ” – Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu đến từ bộ, ngành, địa phương đánh giá cao nỗ lực cũng như đề xuất của Bộ Công Thương trong việc xây dựng, hoàn thiện đề án điều chỉnh Quy hoạch điện VIII. Và bày tỏ mong muốn đề án sớm được thông qua để triển khai thực hiện.
Nhóm phóng viên