Quy mô đường dây sữa giả lớn nhất từ trước đến nay
Liên quan vụ 573 nhãn hiệu sữa bột bị làm giả, doanh thu gần 500 tỷ đồng, ngày 22/4, đại diện Bộ Công an cho biết, đến nay, CQĐT đã xác định có 12 sản phẩm thực phẩm, dinh dưỡng (sữa dạng bột), có chỉ tiêu chất lượng một số chất chính chỉ đạt dưới 70% so với mức công bố, được xác định là hàng giả; đang tiếp tục điều tra, làm rõ đối với 72 sản phẩm còn lại.
Trước đó, ngày 10/4/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt 8 đối tượng trong đường dây sản xuất sữa giả tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group (đều có trụ sở tại Hà Nội), thu giữ 84 loại sản phẩm sữa bột và hơn 26.000 lon sữa.
Kho sản xuất sữa bột giả bị công an phát hiện, triệt phá. Ảnh: VTV.
Theo điều tra ban đầu, từ tháng 8/2021, lợi dụng nhu cầu tiêu thụ cao các sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung, đặc biệt là sữa bột trên thị trường nội địa, Vũ Mạnh Cường (46 tuổi) và Hoàng Mạnh Hà (46 tuổi) đã thành lập 2 công ty trên để sản xuất, kinh doanh và phân phối sữa bột giả.
Đến nay, nhóm này đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột các loại, hướng đến đối tượng tiêu dùng là người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai.
Các sản phẩm như Cilonmum Colos Baby 24h, Gludabet, Anmusure,... được quảng cáo rầm rộ với những lời hứa “tăng cân”, “ổn định đường huyết”, “tăng đề kháng”.
Dù công bố thành phần sản phẩm có chứa chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột mắc ca, bột óc chó... nhưng thực tế sản phẩm không chứa các thành phần này mà chỉ sử dụng một số nguyên liệu thông thường cùng phụ gia.
Lỗ hổng "tự công bố sản phẩm"
Thông tin có tới 573 loại sữa giả đã tuồn ra thị trường khiến nhiều người bất an, nhiều ý kiến chỉ rõ lỗ hổng trong quản lý cho phép công ty tự công bố sản phẩm nhưng khâu hậu kiểm không kiểm soát được.
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc quản lý thực phẩm hầu hết đã được phân cấp về địa phương.
Theo quy định, các sản phẩm như thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi sẽ nộp hồ sơ đăng ký công bố sản phẩm tại địa phương.
Trong hồ sơ đăng ký bản công bố, cần có phiếu kết quả kiểm nghiệm an toàn thực phẩm của sản phẩm trong thời hạn 12 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; Bằng chứng khoa học chứng minh công dụng của sản phẩm hoặc của thành phần tạo nên công dụng đã công bố…
Theo thông tin báo chí, bị can Hồ Sỹ Ý (37 tuổi), cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, điều hành nhà máy sản xuất khai rằng tất cả thông tin, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột "không được kiểm tra nên dẫn tới sự sai sót như thế".
Trong khi đó, Đặng Trung Kiên (37 tuổi), cổ đông góp vốn, Phó Giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood khai nhận "khi triển khai đăng ký hồ sơ bên chi cục cũng có hướng dẫn việc kiểm nghiệm". Tuy nhiên chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vi sinh. "Thực tế về việc kiểm nghiệm toàn bộ dưỡng chất thì gần như không".
Cho phép tự công bố và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, theo Bộ Y tế là tạo cơ chế thông thoáng cho doanh nghiệp. Sau khi doanh nghiệp công bố, việc hậu kiểm sản xuất, kinh doanh sản phẩm sẽ do sự phối hợp liên ngành, kiểm tra theo kế hoạch, định kỳ hay đột xuất.
Tuy nhiên, sau khi đường dây sản xuất 573 sản phẩm sữa giả được phanh phui đã cho thấy việc cho phép tự công bố sản phẩm nhưng khâu hậu kiểm gần như không ai làm đã trở thành lỗ hổng quản lý, để hàng trăm loại sữa giả "ung dung" ra thị trường trong nhiều năm.
Không chỉ sản xuất tinh vi, đường dây còn xây dựng mạng lưới phân phối rộng khắp, từ các đại lý nhỏ lẻ, cửa hàng tiện lợi đến sàn thương mại điện tử và các nền tảng mạng xã hội.
Nhiều sản phẩm được tiếp thị dưới cái mác "sữa y học đặc trị", "dành cho người tiểu đường", hoặc "sữa non nhập khẩu cho trẻ sinh non", đánh vào tâm lý người tiêu dùng đang cần hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt. Chính việc phân phối đa kênh và đánh vào lòng tin khiến cơ quan chức năng khó kiểm soát và người dân dễ bị đánh lừa.
Cơ quan điều tra làm việc với Nguyễn Thành Luân, Giám đốc Công ty Rance Pharma. Ảnh: Báo Công An Nhân Dân.
Động thái từ cơ quan chức năng
Sau khi đường dây sữa bột giả bị triệt phá, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng có các chỉ đạo khẩn đến các địa phương, đơn vị... về việc khẩn trương rà soát, thực hiện các biện pháp kiểm soát sản phẩm sữa giả, sữa kém chất lượng; tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố.
Ngày 20/4, Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các bệnh viện trên toàn quốc rà soát việc nhân viên tư vấn, giới thiệu, bán sữa (đặc biệt các sản phẩm sữa giả đã được cơ quan điều tra, phát hiện), thực phẩm chức năng… cho người bệnh.
Trước đó, ngày 19/4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết đã có công văn đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện loạt biện pháp để kiểm soát thực phẩm giả, kém chất lượng.
Trong đó, cơ quan của Bộ Y tế yêu cầu địa phương tăng cường quản lý sản phẩm tự công bố, đăng ký bản công bố; Chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai hậu kiểm; Phối hợp với Sở Công Thương và các cơ quan chức năng kiểm tra, hậu kiểm, phát hiện và xử lý kịp thời các sản phẩm giả, kém chất lượng.
Các địa phương cũng cần hướng dẫn người dân phân biệt quảng cáo vi phạm (ví dụ: quảng cáo có bác sĩ, cam kết khỏi bệnh, thiếu dòng cảnh báo…); Rà soát các sàn thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng, website… để gỡ bỏ các sản phẩm chưa công bố; Phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm quảng cáo sai phạm trên mạng xã hội.
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh sữa.
Ngày 18/4, Bộ Công Thương ban hành Công điện hỏa tốc yêu cầu các địa phương siết chặt kiểm tra thị trường, đặc biệt với sản phẩm sữa, thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo lực lượng chức năng khẩn trương rà soát, xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh vi phạm, thu hồi hàng giả, hàng kém chất lượng.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu tăng cường hậu kiểm các sản phẩm sữa, thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe.
Y Nhụy