Theo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, đây là vụ án đầu tiên được phát hiện, điều tra, xử lý liên quan đến cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân lừa đảo chiếm đoạt từ bảo hiểm xã hội thông qua công tác đấu thầu và thực hiện hợp đồng mua bán thuốc vụ vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân lừa đảo chiếm đoạt từ bảo hiểm xã hội thông qua đấu thầu
Vào cuối năm 2019, Thông tư 15/2019/TT-BYT ngày 11/7/2019 của Bộ Y tế ban hành cho phép các cơ sở y tế tư nhân được phép tự lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc theo quy định của Luật đấu thầu. Phải lưu ý rằng, trước đó, các cơ sở y tế tư nhân không được tổ chức đấu thầu mà chỉ mua thuốc theo kết quả đấu thầu do Sở y tế hoặc các cơ sở y tế công lập tổ chức. Nắm bắt được điều này, Nguyễn Mạnh Quyền, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Y dược LanQ (Công ty LanQ) đã bàn bạc, thống nhất với Phạm Văn Cách, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần dược Sơn Lâm (Công ty Sơn Lâm) về việc Công ty LanQ sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp thuốc.
Theo đó, Công ty Sơn Lâm sẽ phối hợp, giúp Công ty LanQ dùng các thủ đoạn gian dối để Công ty Sơn Lâm là đơn vị duy nhất trúng thầu với giá trúng thầu cao nhất có thể theo năng lực của 2 công ty với mục đích là để hợp thức giá thuốc đầu vào cao, quyết toán được nhiều tiền từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang, chia nhau hướng lợi.
Các bị can trong vụ án.
Thực hiện thỏa thuận trên, lợi dụng sự bất cập trong quy định pháp luật về việc xác định giá dược liệu, vị thuốc và việc kiểm tra, giám sát trong công tác tổ chức đầu thầu, Phạm Văn Cách chỉ đạo Lê Văn Tình - Phó Giám đốc, Công ty Sơn Lâm phụ trách công tác đầu thầu phối hợp với Nguyễn Thúy Kim - Kế toán Công ty LanQ cùng xây dựng giá kể hoạch lựa chọn nhà thầu bằng việc đưa ra các tiêu chí trong hộ sơ mởi thầu, tạo lợi thể cho Công ty Sơn Lâm; nhờ Công ty cổ phần Dược phẩm Nam Hà chi nhánh Nam Định tham gia đầu thầu với vai trò làm "quân xanh" đề tránh sự nghi ngờ của cơ quan chức năng nếu bị thanh tra, kiểm tra.
Với sự sắp xếp, dàn dựng trên, Công ty Sơn Lâm là đơn vị duy nhất đủ điều kiện trúng thầu; ngày 16/1/2020, hai công ty ký hợp đồng. Quá trình thực hiện hợp đồng, sau khi Công ty Sơn Lâm cung cấp được một phần nhỏ so với giá trị ký kết trên hợp đồng, Quyền và Cách tiếp tục lợi dụng kẽ hở trong việc kiểm soát thuốc đầu vào của Bảo hiểm xã hội để móc ngoặc với Công ty cổ phần đông dược Hà Nội CQB (có địa chỉ tại khu phố Long Vỹ, phường Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, do vợ chồng Nguyễn Quang Cường, Phạm Thị Thanh Nhàn quản lý, điều hành, sau đây gọi tắt là Công ty CQB) mua thuốc với giá rẻ hơn nhưng không có hóa đơn chứng từ.
Công ty Sơn Lâm chịu trách nhiệm xuất hóa đơn bán hàng theo giá trúng thầu, lập phiếu xuất kho, cung cấp bao bì nhãn mác cho Công ty LanQ để hợp thức đầu vào cho số thuốc mua của Công ty CQB. Ngoài phần thuế VAT phải nộp cho nhà nước, Công ty Sơn Lâm sẽ được hưởng 18% trên tồng giá trị hóa đơn xuất khổng (chưa tính thuế VAT).
ê Văn Tình, Phó Giám đốc Công ty Sơn Lâm.
Căn cứ hóa đơn mua bán xác định: Từ ngày 26/3/2020 đến ngày 28/4/2021, Công ty Sơn Lâm đã xuất 100 hóa đơn cung cấp thuốc cho Công ty LanQ với tổng giá trị hơn 55 tỷ đồng… Sau khi hợp thức hóa đầu vào thuốc, thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Công ty LanQ đã làm hồ sơ, được thanh toán hơn 40 tỷ đồng từ Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân chi trả.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan An ninh điều tra xác định, với vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược Sơn Lâm, bị can Phạm Văn Cách đã có hành vi cấu kết với bị can Nguyễn Mạnh Quyền, dùng thủ đoạn gian dối lừa đảo chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả. Hành vi của bị can Nguyễn Mạnh Quyền và Phạm Văn Cách đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Quá trình mở rộng vụ án, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an còn làm rõ hành vi “Đưa hối lộ” của Nguyễn Mạnh Quyền và Phạm Văn Cách. Trong đó, để tạo điều kiện giải ngân tiền tạm ứng kinh phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Công ty LanQ, Quyền đã chỉ đạo Nguyễn Kim Thúy đưa hối hộ 700 triệu đồng cho Thân Đức Lại, Nguyên giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Giang.
Đối tượng Phạm Văn Cách.
Mặt khác, thực hiện theo chỉ đạo của bị can Phạm Văn Cách, bị can Lê Văn Tình đã có hành vi thỏa thuận, đưa hối lộ hơn 10 tỷ đồng cho các cá nhân có thẩm quyền thuộc một số bệnh viện, trung tâm y tế để đảm bảo việc cung cấp thuốc của Công ty Sơn Lâm không bị gây khó khăn. Ngoài ra, Lê Văn Tình còn chiếm hưởng hơn 4 tỷ đồng từ bị can Nguyễn Thị Hiệu và bị can Tống Viết Phải chuyển. Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an xác định, hành vi của bị can Lê Văn Tình đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Nguyễn Mạnh Quyền và phạm tội “Đưa hối lộ”
Khi cán bộ bệnh viện, trung tâm y tế trục lợi, nhận tiền của doanh nghiệp
Quá trình điều tra, mở rộng, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an còn làm rõ hành vi phạm tội “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại một số Bệnh viện, Trung tâm y tế trên địa bàn cả nước. Theo kết luận điều tra, ngoài việc trúng thầu, cung cấp thuốc cho Công ty LanQ, Công ty Sơn Lâm còn trúng thầu, cung cấp thuốc cho một số bệnh viện trên cả nước.
Mặc dù đã trúng thầu theo quy định của pháp luật nhưng để quá trình cung cấp thuốc được thuận lợi, không bị gây nhũng nhiễu, khó khăn như không nhập thuốc dù đã ký hợp đồng; yêu cầu đổi, trả thuốc liên tục, chậm thanh toán tiền mua thuốc… , theo yêu cầu của các cá nhân có thâm quyền thuộc các bệnh viện, trung tâm y tế, bị can Phạm Văn Cách đã phải đưa chi phí “bôi trơn” cho các cá nhân này với mức từ 2% đến 20 %/ giá trị hợp hóa đơn bán thuốc. Cách đã đưa hối lộ hơn 71 tỷ đồng cho một số cá nhân có thẩm quyền thuộc bệnh viện, trung tâm y tế trước, trong hoặc sau quá trình thực hiện hợp đồng để không bị gây khó khăn trong quá trình cung cấp thuốc.
Một trong số đó là bị can Huỳnh Nguyễn Lộc, nguyên Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh. Với vai trò là Viện trưởng, là người có thẩm quyền quyết định trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng mua thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh, Huỳnh Nguyễn Lộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao thỏa thuận, nhận hối lộ hơn47 tỷ đồng từ bị can Phạm Văn Cách để tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty Sơn Lâm trong quá trình cung cấp thuốc vào Viện Y dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh.
Phạm Văn Chuẩn và Huỳnh Nguyễn Lộc.
Tài liệu của Cơ quan An ninh điều tra xác định, trong quá trình thực hiện hợp đồng, từ năm 2018 đến năm 2023, Huỳnh Nguyễn Lộc yêu cầu Phạm Văn Cách phải đưa tiền chi phí hoa hồng từ 20% đến 25%/ hóa đơn mua bán (tùy thời điểm) cho Lộc hoặc thông qua bị can Phạm Văn Chuân, nhân viên thuộc Viện, không có vai trò trong quá trình thực hiện hợp đồng nhưng là người được Lộc tin tưởng, thường xuyên đi cùng Lộc để phục vụ, thực hiện hợp đồng theo chỉ đạo của Lộc.
Thời điểm đưa tiền là sau mỗi đợt Viện Y Dược học dân tộc TP Hồ Chí Minh thanh toán tiền mua dược liệu cho Công ty Sơn Lâm hoặc khi Lộc cần tiền gấp. Để không bị Lộc gây khó khăn, Cách đồng ý, nhiều lần trực tiếp hoặc chỉ đạo người thân, nhân viên Công ty Sơn Lâm chuyển tiền, đưa tiền cho Lộc hoặc cho Phạm Văn Chuân theo chỉ đạo của Lộc. Tổng số tiền, Lộc đã nhận từ bị can Phạm Văn Cách là hơn 47 tỷ đồng.
Với vai trò là Giám đốc, người có thẩm quyền quyết định trong việc ký kết, thực hiện hợp đồng mua thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên, bị can Trương Thị Thu Hương yêu cầu bị can Phạm Văn Cách phải đưa chi phí hoa hồng cho Hương với mức chi 10% đến 30%/ hóa đơn mua bán (chưa tính thuế VAT) bằng cách chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của Hương hoặc Trương Thị Thúy Vinh (em gái Hương). Thời điểm đưa tiền là sau mỗi đợt Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên thanh toán tiền mua thuốc cho Công ty Sơn Lâm. Để không bị Hương gây khó khăn, Cách đồng ý và chỉ đạo Bùi Thị Thanh Hương (con dâu Cách), sử dụng tài khoản ngân hàng của Hương chuyển 24 lần vào tài khoản ngân hàng của Hương và Vinh với tổng số tiền là hơn 10 tỷ đồng…
Từ vụ án, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã chỉ ra những nguyên nhân, điều kiện phạm tội; kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam tăng cường giám sát việc đấu thầu và quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, đảm bảo việc tạm ứng tiền cho các cơ sở này đúng quy định.
Đối với Bộ Y tế, Cơ quan An ninh điều tra đề nghị rà soát các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến công tác đấu thầu vị thuốc cổ truyền, dược liệu để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức đấu thầu đúng quy định, đảm bảo công bằng, minh bạch, không để xảy ra tình trạng lợi dụng nâng giá thuốc, trục lợi, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở y tế về công tác kiểm soát chất lượng thuốc đầu vào, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân; đồng thời, kiến nghị các cơ quan, tổ chức chấn chỉnh, xử lý đối với các cá nhân liên quan có dấu hiệu sai phạm nhưng không cấu thành tội phạm hình sự.
Xuân Mai