Toàn cảnh 'vùng kinh tế' Bắc Giang trước khi sáp nhập

Toàn cảnh 'vùng kinh tế' Bắc Giang trước khi sáp nhập
3 giờ trướcBài gốc
Tỉnh Bắc Giang có vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế khi nằm trên 2 hành lang phát triển kinh tế: Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội và cách cảng Hải Phòng chỉ khoảng 100 km.
Tại Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương dự kiến hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, lấy tên tỉnh là Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Bắc Giang. Để triển khai việc sáp nhập tỉnh này, tỉnh Bắc Giang được giao chủ trì sắp xếp với tỉnh Bắc Ninh.
Toàn cảnh Quảng trường 3/2 tỉnh Bắc Giang về đêm.
Nhờ Phát triển công nghiệp, những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại Bắc Giang vươn lên mạnh mẽ.
Tại buổi thông tin với báo chí ngày 11/4, lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang cho biết, ngay sau khi có chủ trương của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang và Bắc Ninh đã họp bàn về việc sáp nhập hai tỉnh. Theo đó, hai tỉnh đã thành lập các tổ công tác để phục vụ triển khai việc sáp nhập tỉnh, trong đó có việc rà soát các chính sách, cơ sở vật chất, cán bộ hai tỉnh.
Cũng theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh Bắc Giang, dự kiến thời gian nộp hồ sơ sáp nhập hai tỉnh trước ngày 1/5 và tổ chức lấy ý kiến cử tri vào ngày 20/4 tới đây...
Nhìn lại lịch sử, việc hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh không phải là điều chưa từng có. Từ năm 1962 đến 1996, hai tỉnh này từng được sáp nhập thành tỉnh Hà Bắc. Sau đó, ngày 1/1/1997, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh được tái lập như cũ. Sau gần 30 năm chia tách, cả hai tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trên con đường phát triển kinh tế - xã hội.
Hình ảnh nút giao Hùng Vương, TP Bắc Giang hiện đại từ góc nhìn trên cao
Trước khi sáp nhập, tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh là hai trong số những địa phương có tốc độ công nghiệp hóa nhanh và phát triển công nghiệp nằm trong top đầu cả nước những năm gần đây.
Những năm gần đây, tỉnh Bắc Giang phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang đạt 19,3%, năm 2023 đạt 13,45% và năm 2024 đạt 13,85%, đứng đầu cả nước.
Riêng quý I/2025, tỉnh Bắc Giang cũng dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP với 14,02%. Tổng vốn FDI năm 2024 và quý I/2025 lên tới 2,23 tỷ USD.
Với 16 khu công nghiệp, 55 cụm công nghiệp, Bắc Giang đang dần hình thành chuỗi sản xuất logistics khép kín, đặc biệt tại các huyện, thị xã giáp với Bắc Ninh như Việt Yên, Hiệp Hòa, Lạng Giang.
Cầu Như Nguyệt nối Bắc Giang và Bắc Ninh là công trình trình không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn bảo đảm an ninh - quốc phòng trong khu vực
Với vị trí chiến lược, tại ngã 6 trung tâm TP. Bắc Giang đang được định hình là trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa và là điểm đến vui chơi, giải trí sôi động của tỉnh. Nơi đây đang quy tụ hàng loạt công trình biểu tượng, là điểm nhấn nâng tầm diện mạo đô thị và là minh chứng sống động cho một Bắc Giang đang bứt tốc phát triển.
Trong đó, khu Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang bao gồm các hạng mục chính: Hội trường đa năng 700 chỗ, hội trường 200 chỗ, 6 phòng họp 60 chỗ và các phòng công năng liên quan. Khu quảng trường xung quanh phục vụ các hoạt động văn hóa, chính trị ngoài trời.
Không chỉ có kinh tế, hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang còn chia sẻ một nền văn hóa - lịch sử sâu dày và tương đồng. Cả Bắc Giang và Bắc Ninh từng thuộc trấn Kinh Bắc, nơi sản sinh ra di sản dân ca Quan họ, các lễ hội truyền thống lâu đời và tinh hoa văn hóa Bắc Bộ.
Toàn cảnh khu Công nghiệp Vân Trung, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của tỉnh Bắc Giang trong năm 2025 là nâng cao chất lượng các sản phẩm nông sản. Để đảm bảo chất lượng và uy tín của các mặt hàng nông sản, tỉnh Bắc Giang đã tập trung vào việc cải tiến quy trình sản xuất, sử dụng công nghệ hiện đại và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế vào sản xuất. Điển hình là việc áp dụng công nghệ trong việc bảo quản vải thiều sau thu hoạch.
Thị xã Việt Yên cần giữ vững vị thế "đầu tàu" kinh tế của tỉnh Bắc Giang. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Yên trong 4 năm qua trung bình đạt 26,8%/năm; năm 2024 đạt 29,8%, đứng đầu các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bắc Giang.
Trung tâm Văn hóa - Triển lãm tỉnh Bắc Giang tại TP Bắc Giang.
Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh có diện tích 822,7 km2, nằm ở cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô Hà Nội, trong tam giác tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Theo niên giám thống kê năm 2022, dân số Bắc Ninh là 1.488.250 người, trong đó nam giới chiếm 49,2%, nữ giới 50,8%. Tỉnh có 8 đơn vị hành chính, bao gồm: Thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, thị xã Thuận Thành, thị xã Quế Võ và 4 huyện: Tiên Du, Yên Phong, Gia Bình và Lương Tài với 126 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 70 xã, 52 phường và 4 thị trấn.
Tỉnh Bắc Giang có diện tích tự nhiên là 3.827 km2. Theo điều tra dân số tính đến 0h ngày 1/1/2024, dân số Bắc Giang có 1.922.740 người. Tỉnh có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: Thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên, thị xã Chũ và 7 huyện là Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang, Tân Yên, Sơn Động, Hiệp Hòa.
Một số hình ảnh phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam ghi nhận tại tỉnh Bắc Giang:
Tỉnh Bắc Giang có vị trí thuận lợi khi nằm trên 2 hành lang phát triển kinh tế.
Hình ảnh Quảng trường 3/2 tỉnh Bắc Giang về đêm.
Trung tâm TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang nhìn từ trên cao rực rỡ vào buổi tối.
Tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, hạ tầng giao thông ngày càng được đẩy mạnh đồng bộ và phát triển.
Hình ảnh nút giao đường Hùng Vương và cầu Đồng Sơn (TP Bắc Giang).
Riêng quý I/2025, tỉnh Bắc Giang cũng dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng GRDP với 14,02%.
Toàn cảnh nhà thi đấu tỉnh Bắc Giang với sức chứa gần 5.000 chỗ ngồi.
Tỉnh Bắc Giang là địa phương đăng cai tổ chức môn cầu lông tại SEA Games 31.
Trụ sở thị xã Việt Yên "đầu tàu" phát triển kinh tế của tỉnh Bắc Giang.
Khu du lịch hồ Cấm Sơn điểm đến hấp dẫn cho du khách mỗi khi đến tham quan, trải nghiệm tại tỉnh Bắc Giang.
Du khách đi thuyền tham quan, trải nghiệm cảnh vật non nước hữu tình của hồ Cấm Sơn.
Chùa Bổ Đà, thị xã Việt Yên là một trong những ngôi chùa cổ kính, linh thiêng nhất của miền Kinh Bắc, bên trong chùa lưu giữ 110 ngôi tháp và mộ lớn nhỏ khác nhau.
Trong đó, có 97 ngôi tháp cổ có lịch sử hàng trăm năm là nơi tàng lưu tro cốt xá lỵ nhục thân của 1214 tăng ni phật tử thiền phái Lâm Tế trong cả nước.
Tiến Dũng - Văn Giang/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/toan-canh-vung-kinh-te-bac-giang-truoc-khi-sap-nhap-post1192141.vov