Tiếp tục thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, tỉnh đã và đang chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành, địa phương triển khai đồng bộ giải pháp ưu tiên bố trí vốn cho các dự án lớn, công trình trọng điểm trải dài qua nhiều lĩnh vực từ hạ tầng văn hóa - xã hội, y tế đến các dự án giao thông… Qua đó góp phần kiến tạo nền tảng, thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT - XH) của tỉnh phát triển bền vững.
Từ năm 2024 đến nay, toàn tỉnh có 830 công trình, dự án thuộc danh mục thu hồi đất và 445 công trình, dự án thuộc danh mục chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất đã được thông qua.
Riêng năm 2024, toàn tỉnh có 1.617 dự án thực hiện đầu tư, trong đó có 1.268 dự án chuyển tiếp và 349 dự án khởi công mới; đồng thời có 439 dự án kết thúc đầu tư trong kỳ và 428 dự án đưa vào khai thác sử dụng.
Các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đang được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ (Trong ảnh: Thi công Dự án mở rộng đường trục trung tâm khu đô thị Mê Linh). Ảnh: Thế Hùng
Các công trình được triển khai, hoàn thành, nhất là các dự án lớn, trọng điểm, góp phần kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương có công trình đi qua như khu công nghiệp, dịch vụ, tạo thuận lợi trong việc đi lại, giao lưu hàng hóa và kích thích sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Kiên định mục tiêu đầu tư các dự án lớn, công trình trọng điểm, tác động tích cực đến phát triển KT - XH của tỉnh, từ đầu năm đến nay, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh thường xuyên đi khảo sát, nắm bắt tình hình triển khai các dự án. Tổ chức các hội nghị chuyên đề và chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý dự án, chủ đầu tư tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình lớn, dự án trọng điểm nhằm tạo bước đột phá cho phát triển KT - XH bền vững của tỉnh.
Chỉ đạo các sở, ngành tập trung hoàn thiện hồ sơ pháp lý các dự án; rà soát, kiểm duyệt kỹ thành phần, nội dung hồ sơ, không để kéo dài. Tập trung khắc phục, giải quyết khó khăn, vướng mắc, trọng tâm là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Việc triển khai các công trình, dự án trọng điểm theo kế hoạch là giải pháp quan trọng để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, mang lại sự tăng trưởng về kinh tế của tỉnh. Nhờ đó, 4 tháng đầu năm, giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công toàn tỉnh đạt hơn 1.755 tỷ đồng, bằng 25,5% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 20% tổng số vốn kế hoạch tỉnh giao, cao hơn tỷ lệ giải ngân bình quân chung cả nước và đứng thứ 4/11 các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Dự án đường Tây Thiên - Tam Sơn có tổng chiều dài hơn 14 km, trải dài qua nhiều địa phương của 2 huyện Tam Đảo và Lập Thạch với tổng mức đầu tư trên 375 tỷ đồng. Đây là dự án giao thông trọng điểm trong phát triển du lịch của tỉnh, nhất là du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng; do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Hiện nay, dự án đã GPMB và bàn giao 10/14,56 km ngoài thực địa cho nhà thầu. Trên cơ sở đó, đơn vị thi công đã thực hiện cơ bản phần nền đường, cống thoát nước ngang, thoát nước dọc và thảm nhựa được một số đoạn tuyến; khối lượng thi công đạt hơn 40% giá trị hợp đồng.
Sau khi hoàn thành, dự án không chỉ góp phần kết nối các địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh như Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên, hồ Vân Trục, hồ Bò Lạc, khu vực núi Sáng… mà còn từng bước hoàn thiện đường vành đai 5 đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch giao thông vận tải Vĩnh Phúc tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời tăng cường kết nối giao thông cho các huyện khu vực phía Bắc, phía Tây tỉnh, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương và phát triển kinh tế.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung hoàn thiện các quy định pháp lý thuộc thẩm quyền còn thiếu để làm căn cứ xử lý các khó khăn, vướng mắc. Khẩn trương rà soát, tháo gỡ khó khăn, xử lý dứt điểm vướng mắc, tồn tại ở các dự án đầu tư đang tồn đọng, chậm triển khai; các dự án đã hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng, khai thác.
Tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm việc GPMB các công trình, dự án theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân. Phát huy hiệu quả Tổ công tác giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, các dự án tồn đọng của tỉnh. Đồng thời, các sở, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương, địa phương lân cận để triển khai các dự án trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn tỉnh như Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2 đoạn Vĩnh Yên - Việt Trì, đường sắt cao tốc Hà Nội - Lào Cai...
Phấn đấu triển khai sớm một số dự án giao thông "huyết mạch" kết nối Vĩnh Phúc với các địa phương lân cận như tuyến giao thông kết nối từ đê sông Hồng đến cầu Vân Phúc, các nút giao IC2 và IC5 thuộc tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai, cải tạo cảnh quan các nút giao IC3, IC4 tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai...
Đồng thời tiếp tục đầu tư hoàn thiện Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc (Bình Xuyên) và nghiên cứu phát triển các trung tâm logistics tại 2 vị trí được quy hoạch cảng cạn thuộc 2 huyện Lập Thạch và Vĩnh Tường… Phát huy hiệu quả đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông giữa Vĩnh Phúc cùng các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Ngọc Lan