Đại biểu dự Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Theo thông cáo báo chí của Cục Thống kê Điện Biên, năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực, nổi bật trên tất cả các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 16.263,22 tỷ đồng, tăng 8,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Khu vực nông, lâm, thủy sản đạt 2.549,6 tỷ đồng, tăng 4,06%; khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 3.489,77 tỷ đồng, tăng 0,66%; khu vực dịch vụ đạt 9.529,97 tỷ đồng, tăng 13,08%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt mức khá so với các tỉnh cùng khu vực, đứng thứ 6/14 tỉnh cùng khu vực và xếp thứ 18/63 tỉnh, thành cả nước.
Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tích cực. Toàn tỉnh đã gieo trồng được 106.360,13ha cây trồng hàng năm, tăng 3,63% so với năm 2023. Tổng sản lượng lương thực năm 2024 ước đạt 286.976,29 tấn, tăng 0,51% so với năm trước và vượt 1,43% kế hoạch. Chăn nuôi phát triển ổn định, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được hạn chế; sản xuất lâm nghiệp tập trung chăm sóc và bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, các chương trình, dự án trồng rừng; nuôi trồng và khai thác thủy sản được duy trì hiệu quả.
Sản xuất công nghiệp tăng 22,43% so với năm trước, trong đó: sản xuất và phân phối điện tăng 46,96%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,43%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24,77% so với năm trước. Hoạt động vận tải hành khách tăng 51,65% và luân chuyển tăng 51,27% so với năm trước; vận chuyển hàng hóa tăng 18,4% và luân chuyển tăng 18,27%. Đối với lĩnh vực xây dựng, giá trị tăng thêm năm 2024 theo giá so sánh 2010 đạt 2.250 tỷ đồng, đạt mức khá cao nhưng so với cùng kỳ năm trước giảm 8,32%. Nguyên nhân là do lĩnh vực xây dựng năm 2023 có mức tăng trưởng khá cao (có nhiều chương trình, dự án trọng điểm, đặc biệt là dự án Nâng cấp mở rộng Cảng hàng không Điện Biên).
Năm 2024, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng trưởng còn thấp, ước tính đạt 17.318,79 tỷ đồng, giảm 4,36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý ước năm 2024 đạt 84,87% kế hoạch và giảm 11,27%. Thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước tăng 3,57%; chi ngân sách Nhà nước ước tăng 2,98%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 0,75% so với bình quân cùng kỳ năm 2023. Trong đó, có 8 nhóm hàng có chỉ số giá tăng: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,52%; đồ uống và thuốc lá tăng 1,2%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,85%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng 1,65%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,4%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,91%; văn hóa giải trí và du lịch tăng 0,23%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,96%. 3 nhóm có chỉ số giảm: Giao thông giảm 1,26%; bưu chính viễn thông giảm 0,62%; giáo dục giảm 9,37%.
Năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025) toàn tỉnh còn 21,29%, giảm 4,39% so với năm 2023 (tương đương giảm 5.595 hộ nghèo). Trong năm, cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện hiệu quả các chính sách đảm bảo cho đời sống nhân dân, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người lao động, mức sống người dân được cải thiện đáng kể.
Tin, ảnh: Nhật Phương