Vợ chồng tôi kết hôn được 5 năm và sinh được hai "công chúa nhỏ" đang học mầm non. Chồng tôi là người Hà Nội. Ngay sau khi cưới, chúng tôi được bố mẹ chồng cho một căn nhà nhỏ trong ngõ để ở riêng. Mọi người thường nghĩ chúng tôi không phải lo việc mua nhà hay trả nợ nên chi tiêu sẽ rất thoải mái, nhưng sự thật không đơn giản như vậy.
Chúng tôi đều làm công ăn lương, tổng lương khoảng 30 triệu mỗi tháng, ngoài ra không có thu nhập gì thêm. Con số trên tưởng không nhỏ nhưng thật sự tôi luôn phải đau đầu vì chi tiêu không đủ, luôn thiếu trước hụt sau, vì riêng tiền đóng cho hai con gái học mẫu giáo trường tư đã trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng.
Có những tháng nhiều sự kiện ma chay hiếu hỉ, tôi phải đi vay để trang trải khi chưa có lương. Có đợt mấy tháng liên tiếp vợ chồng tôi phải đi vay tiền, đến Tết có thưởng mới trả hết. Tôi cũng đã nhiều lần ghi lại từng khoản thu chi nhưng rồi cũng chẳng giải quyết được gì vì thiếu thì vẫn thiếu.
Áp lực tiền bạc khiến tôi nhiều khi cáu bẳn, sinh ra so sánh chồng mình với "chồng nhà người ta", thấy ghen tị với những gia đình có thu nhập cao, có thể thoải mái chi tiêu mà không thiếu trước hụt sau như nhà tôi. Ấy vậy mà thay vì xoa dịu vợ hay ít ra là hứa sẽ cố gắng tăng thu nhập, chồng lại đổ cho tôi không biết quản lý tiền bạc, chi tiêu hoang phí.
Chồng bảo nhiều gia đình thu nhập thấp hơn chúng tôi, lại còn phải trả tiền thuê nhà hoặc nợ mua nhà mà vẫn sống ổn, chúng tôi có 30 triệu đồng mà còn luôn bị âm tiền thì chứng tỏ là chi bất hợp lý.
Tôi tức quá, đúng là đàn ông chỉ biết ném tiền cho vợ là xong, tưởng làm tay hòm chìa khóa thì dễ dàng lắm, sướng lắm, nào biết chợ búa cái gì cũng đắt, hàng hóa dịch vụ tăng giá không ngừng. Tôi nên mạng than thở, nhận được rất nhiều đồng cảm. Chị em mách cho tôi một chiêu rất hay, đó là giao cho chồng cầm tiền, tự chi tiêu cho gia đình.
Một chị bình luận dưới bài của tôi trong diễn đàn: "Đảm bảo chỉ một tháng là trắng mắt ra vì nhận được bài học, trả lại quyền chi tiêu cho vợ ngay. Chồng tớ trước cũng thế, đưa 12 triệu một tháng rồi chê vợ tiêu hoang, tớ bảo vậy mỗi tháng tôi đóng cho anh đúng 12 triệu, anh tự chi mọi khoản trong nhà. Mới 2 tuần hắn đã khóc ra tiếng mán, xin lỗi và năn nỉ tớ cầm tiền".
Tôi làm y như vậy, đưa hết lương cho chồng, chỉ giữ lại 3 triệu để chi xăng xe, ăn sáng ăn trưa và cà phêm bảo: "Anh có giỏi thì cầm tiền đi, quản lý vài tháng rồi còn dám nói tôi tiêu hoang nữa không".
Chồng đồng ý, thế là tôi "ting ting" cho anh rồi đắc ý chờ cái ngày chồng khóc lóc xin vợ nhận lại chức "giám đốc tài chính" trong nhà. Nhưng tôi chờ mãi mà thấy chồng vẫn ung dung, sau 3 tháng vẫn không thấy trả quyền tay hòm chìa khóa cho vợ, không kêu thiếu tiền.
(Ảnh minh họa: AI)
Tôi sinh nghi, hỏi có phải chồng sĩ diện nên im lặng vay tiền bù vào hay không. Anh bảo không hề, chẳng những không thiếu mà còn dư dả. Để chứng minh, anh chuyển file cho tôi xem. Hóa ra, người phải trắng mắt không phải anh mà là chính tôi.
Hóa ra, chồng tôi chia phần trước cho từng loại chi phí trước khi chi tiêu. Anh lập một bảng tính chi tiết, không bỏ sót khoản nào. Mỗi khoản chi được ghi chép, cuối tuần xem xét lại để đánh giá hiệu quả, nếu có gì quá tay thì sau đó tự giác điều chỉnh lại.
Điều quan trọng khác là chồng tôi bám sát vào danh sách mua sắm, không có những chuyến đi siêu thị tùy hứng hay quyết định mua tùy hứng như tôi trước đây. Anh luôn lập sẵn danh sách những thứ cần mua và dừng lại ở đó, không thêm không bớt. Cách này không chỉ tiết kiệm tiền mà còn tiết kiệm được thời gian và công sức không cần thiết.
Chồng tôi còn áp dụng vài thay đổi nhỏ khiến tài chính gia đình trở nên vững vàng hơn. Chẳng hạn, anh dạy cho hai con gái tập tiết kiệm bằng những điều đơn giản, như nhắc nhở hai bé không cần mua đồ chơi chỉ vì chạy đua với bạn bè, có thể tự tạo thêm niềm vui bằng cách chơi những trò dễ thực hiện tại nhà. Ngẫm lại, tôi thấy khá hay, không chỉ giảm chi mà còn hình thành cho các con tư duy tiết kiệm từ nhỏ.
Từ khi chồng cầm tiền, tủ lạnh không còn cảnh chất đống và tồn đồ cũ mấy tháng trời vì thói quen hễ thấy ai rao bán gì cũng mua về nhét ngăn đá. Những chuyến đi chơi, anh cũng lập kế hoạch, chuẩn bị chu đáo nên ít có khoản phát sinh lớn.
Lúc đầu trao quyền quản lý tài chính cho chồng là để thách thức và chơi khăm chồng, nhưng giờ thì tôi chỉ muốn anh quản luôn vì quá hiệu quả, và tôi thì được an nhàn sung sướng. Trước đây, tôi thường đau đầu, căng thẳng vì tiền, giờ có chồng lo hết, tôi tiết kiệm được cả thời gian mà cả tâm trí.
Và dù không cầm tiền nữa, tôi vẫn học được khá nhiều từ cách quản lý tài chính gia đình của anh, sau này nếu bị giao nhiệm vụ trở lại thì chắc không lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau như trước. Chồng tôi cũng cảm nhận được, việc trực tiếp thu chi giúp anh hiểu hơn từng ngóc ngách của cuộc sống gia đình, thấy có trách nhiệm hơn, gần gũi với vợ con hơn.
Vũ Quỳnh