Tôi đưa con đi 'hành xác' xuyên Việt

Tôi đưa con đi 'hành xác' xuyên Việt
13 giờ trướcBài gốc
Gia đình đi ngắm dải Ngân Hà huyền ảo - trải nghiệm không sách vở nào có thể diễn tả được.
Tôi là Nguyễn Hồng Nhật, một ông bố mê xê dịch và nhiếp ảnh. Hè này, tôi cùng vợ, hai con (7 và 9 tuổi) và con mèo béo thực hiện chuyến xuyên Việt kéo dài một tháng, bắt đầu từ Hà Nội xuôi về Cà Mau rồi ngược ra Bắc.
Chuyến đi bắt đầu từ một nỗi sợ - sợ rằng con sẽ lớn nhanh, có thế giới riêng và tôi không còn bao nhiêu thời gian để đồng hành. Thế nên, thay vì chờ đủ tiền, đủ thời gian, chúng tôi quyết định lên đường, thực hiện những hành trình đáng nhớ, dành thời gian chất lượng cùng các con. Chúng tôi lên kế hoạch từ nửa năm trước và cứ thế lên đường.
Những bài học không có trong sách vở
Không khách sạn sang trọng, không resort 5 sao, chúng tôi chọn cách "sống như người địa phương": ăn cùng mâm, ngủ cùng chiếu, làm việc cùng người dân. Với tôi, du lịch không chỉ là nghỉ ngơi mà còn là cơ hội để học hỏi, khám phá và kết nối. Khi tôi và các con sống, trải nghiệm như người bản địa, ký ức đọng lại sâu sắc hơn bất kỳ chuyến nghỉ dưỡng nào.
Tôi sẽ nhớ mãi lần đầu các con phụ gỡ lưới cho bà chủ homestay ở làng chài, sáng sớm đón thuyền cá về trong làn sương mù, hay buổi trưa nằm võng dưới mái tranh nghe chuyện làng giữa tiếng sóng vỗ. Du lịch trải nghiệm còn giúp tiết kiệm chi phí - điều rất cần thiết cho hành trình dài ngày.
Gò Cỏ là một trong những địa điểm để lại ấn tượng sâu sắc cho cả gia đình bởi nét mộc mạc, cuộc sống bình dị hiếm có.
Một trong những nơi để lại ấn tượng sâu sắc nhất là làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (Sa Huỳnh, Quảng Ngãi). Nằm giữa núi và biển, làng chài nhỏ tái hiện đời sống cư dân xưa - từ kiến trúc nhà tranh vách đất đến lối nếp sống mộc mạc, chưa bị "du lịch hóa".
Ba ngày ở Gò Cỏ, chúng tôi sống cùng cô Đi và chú Bình trong căn nhà tranh đúng nghĩa: không tivi, không máy lạnh, ngủ giường trúc, chiếu cói. Dù không tiện nghi, ngôi nhà nhỏ vẫn khá mát mẻ giữa mùa hè oi ả. Nhịp sống nơi đây xoay quanh lịch đi biển của chú Bình, chậm rãi nhưng đầy tiết tấu. Có hôm chú đi từ 18h đến 22h, cá chưa đủ 3h chú lại ra biển tiếp.
Thời gian ở đây, chúng tôi có cảm giác như được về quê sống cùng ông bà. Cả nhà cùng phụ cô gỡ lưới, đi chợ, nấu cơm, quét nhà, đi đón chú ngoài biển về, tối đến lại cùng nấu ăn và trò chuyện như một gia đình thực thụ. Dưới mái nhà nhỏ, chúng tôi nghe chuyện làng, chuyện tôm cá, chuyện 8 người con của cô chú đang làm ăn xa, chuyện biển ngày được ngày mất.
Vì một thế hệ nhỏ không ngại khó, dám thử, dám dơ, và dám sống thiệt vui, gia đình anh đã đưa con lên rừng, xuống biển, trải nghiệm cuộc sống bản địa.
Tại Mũi Kê Gà (Lâm Đồng), cả nhà cùng bắt tôm tít dưới ánh trăng. Trong khi "hai ngư dân nhí" đào cát săn ngao, tôm tít, "hai bác ngư dân già" thì săn sao giữa đêm biển rì rào sóng vỗ. Sáng sớm "cuốc bộ" ra chợ gần nhà, chúng tôi gom đủ nguyên liệu cho bữa sáng, thậm chí được tặng mực tươi để nấu mì. Có hôm chúng tôi được chiêm ngưỡng khung cảnh làng chài vui như trẩy hội khi các cô chú chia cá tôm lúc thuyền câu về.
Chính những trải nghiệm như thế giúp các con yêu thiên nhiên, quan sát cuộc sống và trân trọng sức lao động. Chuyến hành trình đưa các con ngắm nhìn những giây phút bình minh, hoàng hôn rực rỡ hay dải Ngân hà lấp lánh - những điều mà không sách vở nào thể diễn tả hết được.
Hành trình không dễ nhưng xứng đáng
Dẫn con đi xuyên Việt không dễ. Có hôm các con mệt, có hôm trời mưa bất chợt giữa Tây Nguyên, có hôm đồ ăn không hợp khẩu vị. Nhưng chính những điều đó khiến tôi nhận ra trẻ con giỏi thích nghi hơn mình tưởng.
Sau mỗi chặng đường, tôi thấy các con thay đổi rõ rệt. Các con biết tự xếp đồ, giúp bố mẹ việc nhà, nhường nhịn nhau và chủ động kết bạn với các bạn mới. Các bé tò mò nhiều hơn về điểm đến, tự đi hỏi người dân nếu bố mẹ không trả lời được.
Thoát ra khỏi vùng an toàn, các bé tự do vùng vẫy, khám phá thế giới.
Tôi bất ngờ vì các con nhanh chóng hòa nhập, sẵn sàng thử các trò chơi mạo hiểm như lặn biển, leo núi và nếm các món ăn lạ. Môi trường mới và sự cởi mở của người địa phương khiến các con tự tin hơn - điều tôi hiếm thấy khi ở nhà.
Để chuẩn bị cho việc thích nghi với điều kiện sống không điều hòa, không nước nóng, tôi đã chuẩn bị tâm lý trước cho các con. Vợ chồng tôi thay nhau kể cho các con nghe về nơi sắp đến để các con có thể tượng tượng, hiểu cách người dân sinh sống và dễ dàng thích nghi hơn.
Chúng tôi luôn ưu tiên thời gian nghỉ ngơi, ăn uống và chơi đùa cho con. Khi đi xe, các bé có game card, truyện tranh. Dọc đường, chúng tôi mua thêm sách cũ, thậm chí dừng xe chỉ để tụi nhỏ leo đồi hoặc tắm mưa.
Từ Hà Nội đến Mũi Cà Mau, gia đình nhỏ đã có dịp gặp gỡ, kết nối với nhiều người dân địa phương, cùng trải nghiệm những thứ "thật" nhất.
Với tôi, hành trình này không đơn thuần là du lịch mà là một phần trong việc nuôi dạy con - bằng trải nghiệm thay vì lời nói. Tôi hy vọng, nhiều năm sau, các con vẫn nhớ mùa hè ấy: không điều hòa, không màn hình, nhưng có bố mẹ, có biển, có mùi cá tươi, tiếng sóng đêm và cả bầu trời sao đẹp đến ngỡ ngàng.
Nếu bạn đang cân nhắc một chuyến đi dài với con nhỏ, hãy cứ đi. Đừng quá lo chuyện phải chu toàn hay tìm kiếm một hành trình hoàn hảo, bởi trẻ con đâu cần nhớ mình đã đến chỗ "xịn sò" nào, chỉ cần nhớ rằng cả nhà từng cùng nhau rong ruổi. Tin tôi đi, bạn sẽ không hối tiếc, vì các con lớn nhanh lắm.
Linh Huỳnh (ghi)
Ảnh: Nguyễn Hồng Nhật
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/toi-dua-con-di-hanh-xac-xuyen-viet-post1569112.html