Tổng Bí thư Tô Lâm
Quan điểm và chủ trương của ngài Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam
Với tư cách là công dân Việt Nam và là Việt kiều từ Canada về Việt Nam đầu tư, kinh doanh mấy chục năm qua, tôi hoàn toàn ủng hộ tư duy, quan điểm và chủ trương của ngài Tô Lâm – Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước hết phải khẳng định tư duy, quan điển, chủ trương của ngài Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết quan trọng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả" ngày 5/11/2024, là hoàn toàn đúng đắn và khoa học, thể hiện sự biện chứng của quy luật phát triển, đáp ứng yêu cầu cấp bách để đất nước ta bước vào kỷ nguyên vươn mình.
Trong bài viết quan trọng này, ngài Tô Lâm đã rất thẳng thắn khi viết:
"Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế.
Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, "lấn sân", cản trở, thậm chí "vô hiệu hóa" lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua "nhiều cửa" thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý "Nói không đi đôi với làm".
Ngài Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn lời lãnh tụ Lê Nin là "Phải tuân theo qui tắc này: thà ít mà tốt..", và sau đó ngài khẳng định: "Xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu".
Mới đây nhất, phát biểu bế mạc Hội nghị Ban chấp hành Trung ương khóa 13 ngày 25/11/2024, ngài Tổng Bí thư Tô Lâm thể hiện sự quyết liệt để thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Theo ngài Tô Lâm, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ngài Tô Lâm nhấn mạnh: "Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cần thống nhất rất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng và cả hệ thống chính trị"; các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là các ủy viên Trung ương cần xác định quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, gương mẫu chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ các ban, bộ, ngành, lĩnh vực, địa phương được phân công phụ trách theo tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng"; "Trung ương không chờ cấp tỉnh, cấp tỉnh không chờ cấp huyện, cấp huyện không chờ cơ sở".
Theo tôi được biết, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị lần 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, các kết quả đạt được cũng tương đối tích cực. Nhưng công bằng mà nhận xét thì những kết quả đó chưa đáp ứng yêu cầu, tính quyết liệt khi thực hiện chỉ ở mức... trung bình. Nói chung là nếu cứ để thế thì trong kỷ nguyên mới này chúng ta không thể... vươn mình!
Quan điểm của ngài Tổng Bí thư Tô Lâm là sẽ tiếp tục tinh gọn bộ máy mạnh mẽ hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa, triệt để hơn nữa. Để làm gì? Để thực sự hiệu quả hơn. Sự tiếp tục "cuộc cách mạng" tinh gọn bộ máy ở cấp độ cao hơn, với tinh thần quyết liệt hơn, để nhằm có hiệu quả hơn - đó thực chất là sự kế thừa, phát triển với tâm thế mới, với tinh thần mới, quyết liệt hơn, đáp ứng yêu cầu cao hơn – yêu cầu bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc!
Quan điểm của ngài Tổng Bí thư Tô Lâm là phải khai thông các "điểm nghẽn" về thể chế
Ở đây, cũng với tư cách là công dân Việt Nam và là Việt kiều từ Canada về Việt Nam đầu tư, kinh doanh mấy chục năm qua, tôi có vài nhận xét về hệ thống bộ máy và hệ thống luật ở nước ta. Và hy vọng rằng, công cuộc tinh gọn bộ máy cũng đồng thời tinh gọn... các điều luật sẽ khai thông các "điểm nghẽn" như ngài Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu.
Hiện nay dường như nhiều điều luật và quá nhiều các tầng nấc các bộ/ban/ngành/cơ quan đang "bóp nghẹt" chúng ta!
Trước hết tôi xin cung cấp một vài con số về nước Mỹ. Xin thưa rằng, mỗi quốc gia có con đường đi riêng, không ai giống ai, cũng không câu nệ coi quốc gia nào đó là chuẩn mực. Tuy nhiên, có những mẫu số chung cho mọi quốc gia, đó là chính phủ tốt phải là một chính phủ luôn làm mọi cách để cho dân ấm no, hạnh phúc.
Nước Mỹ có lịch sử chỉ hơn 248 năm, nhưng họ có nền kinh tế, khoa học, an sinh xã hội vào cấp mạnh nhất thế giới. Họ có dân số có hơn 340 triệu người, thu nhập bình quân đầu người 59,428USD/năm. Đến nay, họ vẫn chỉ có 16 bộ, và chỉ đã ban hành có...480 điều luật liên quan quốc kế dân sinh và sự phát triển. Chỉ có 480 điều luật được xây dựng sau 248 năm- có nghĩa là trung bình mỗi năm nước Mỹ chỉ sinh ra 2 điều luật mới. Với con số khiêm tốn về việc sinh ra điều luật mới như vậy mà đã bị coi là chính phủ đang "bóp nghẹt" sự phát triển của người dân, doanh nghiệp và hạn chế, kiềm hãm sức sáng tạo của xã hội Mỹ.
Trong khi Việt Nam sau 79 năm thành lập nước (1945-2024) với dân số 100 triệu người, thu nhập bình quân 4.500 USD/năm, nhưng hiện nay có tới 23 bộ và cơ quan ngang bộ; đặc biệt chúng ta đã có tới 266 bộ luật và mỗi bộ luật có vài chục đến cả trăm điều luật. Làm phép tính đơn giản thì chúng ta đã có hàng ngàn điều luật ăn theo. Trong đó có nhiều điều luật vừa ra đời đã "chết yểu", hoặc ra đời được thời gian ngắn không còn tác dụng nhưng vẫn còn đó, nằm "chình ình" như "kỳ đà" cản bước tiến của xã hội.
Thiết nghĩ, với chính bộ máy cồng kềnh từ trung ương tới tỉnh, thành, huyện thị, rồi xã phường là... chúng ta đang tự bóp nghẹt sức sống của chúng ta. Không "chết" ngay lập tức nhưng "nó"- sự cồng kềnh quá mức đó - làm yếu từ từ sức sống của xã hội, sức sáng tạo của người Việt Nam. Trong kỷ nguyên mới, muốn "vươn mình" thực sự, đất nước ta cần phải dẹp ngay, hủy bỏ ngay và luôn những cơ quan có cũng được mà không có cũng không sao, chồng chéo chức năng, thừa thãi nhân sự; phải dẹp ngay, hủy bỏ ngay những điều luật tự xây dựng mà các bộ, ban, ngành sinh ra để "tốt" cho mình mà "hại" cho người dân, doanh nghiệp.
Việc sáp nhập, tinh gọn các bộ/ban/ngành, cơ quan nhà nước và bóc tách các điều luật không phù hợp, thiếu logic thực tiễn, không đáp ứng được tính khoa học của thời kỳ mới, là điều tiên quyết và cần thiết phải làm ngay, không thể để kéo dài.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay - ngài Tô Lâm, đã và đang chỉ đạo quyết liệt thực hiện việc tinh gọn bộ máy, khai thông nhanh chóng các điểm nghẽn về thể chế, luật pháp và nhân sự, của ban/bộ/ngành, của ngân sách chi phí cho hệ thống công chức nhà nước và đặc biệt là thủ tục hành chính "không quản được thì cấm".
Ngài Tổng Bí thư Lâm đã từng kể câu chuyện một em bé ra đời phải qua 5 cơ quan mới hoàn thành thủ tục "chứng sinh". Chúng ta hy vọng rằng sắp tới sẽ không còn những câu chuyện đau lòng như chuyện về chứng sinh cho các bé.
Ở nước ta, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất lãnh đạo tuyệt đối nhân dân làm cách mạng – đó là giải phóng đất nước, để nhân dân thoát khỏi ách nô lệ của ngoại bang, cũng như thoát khỏi ách nô lệ của tư duy và nền cai trị phong kiến. Đảng đem lại điều có lợi nhất, tốt nhất cho nhân dân Việt Nam là ấm no, hạnh phúc trong hiện tại và tương lai. Tôi tin rằng, trong "kỷ nguyên vươn mình của đất nước", dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà đứng đầu là ngài Tổng Bí thư Tô Lâm, những việc làm cực kỳ quan trọng, cấp thiết và cần thiết là tinh gọn bộ máy, dẹp loạn các điều luật đang ngăn cản sự phát triển đất nước, sẽ được triển khai quyết liệt, đồng bộ và có hiệu quả.
Việc tinh gọn bộ máy phải gắn với khát vọng phát triển và phải dành nhiều công sức, trí tuệ mới thành công. Với góc nhìn cá nhân, tôi hoàn toàn ủng hộ và tin tưởng vào Đảng Cộng sản Việt Nam và ngài Tổng Bí thư Tô Lâm. Chắc chắn rằng chúng ta sẽ thành công.
Nguyễn Hoài Bắc (Việt kiều Canada)