Từng câu chữ trong bài như những nhát cọ nhẹ nhàng vẽ nên bức chân dung của người mẹ Việt Nam tảo tần, nhẫn nại và yêu thương con bằng tất cả cuộc đời mình.
Ca từ và giai điệu mang màu sắc dân gian hòa quyện như một dòng chảy tự nhiên, dẫn người nghe đi từ những ký ức khó khăn tới sự vĩ đại của tình mẫu tử.
Mỗi câu hát là một lát cắt đời thường, gói ghém cả một bầu trời yêu thương và biết ơn, như một lời tri ân gửi đến mẹ thân yêu, như một lời nhắc nhở về cội nguồn của mỗi con người.
Tình mẹ vĩ đại
Bài hát miêu tả cuộc đời tảo tần của người mẹ bằng các hình ảnh vô cùng mộc mạc, dân dã, giàu cảm xúc.
Ngay từ những dòng đầu tiên, nhạc sĩ đã khắc họa hình ảnh người mẹ trong “nắng mưa tần tảo”, nuôi con khôn lớn suốt “bao năm tuổi trẻ”.
Bằng cách đặt mẹ giữa những biến chuyển khắc nghiệt của thiên nhiên và thời gian, bài hát khéo léo tôn vinh sự hy sinh thầm lặng và sức bền bỉ phi thường của mẹ.
Hình ảnh “lặn lội thân cò” tiếp nối trong những câu sau càng làm đậm nét cuộc đời nhọc nhằn, lam lũ mà kiên trì vì con – một hình ảnh văn học quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam.
Không dừng lại ở việc kể về sự vất vả, bài hát còn đi sâu vào những chi tiết đời thường đậm chất tình cảm như “thắp đèn dầu, thắp cả tuổi thơ tôi”, một hình ảnh vừa cụ thể vừa giàu tính biểu tượng.
Mẹ không chỉ thắp sáng căn nhà thủa gian khó, mà còn thắp sáng tuổi thơ, chăm sóc cả tâm hồn, trí tuệ, gửi gắm ánh sáng yêu thương vào ký ức con trẻ, thắp lên ước mơ và niềm tin cho con bằng tất cả tình thương và sự hy sinh.
Bài hát cũng gợi về những kỷ niệm thời còn gian khó nhưng đầy ấm áp như “dạy con biết yêu quả cà”, “yêu bát canh rau muống”, nhường nhịn “ăn đầu con cá”, “tiếc miếng cơm cháy khô”.
Những chi tiết nhỏ bé ấy mang theo hơi thở cuộc sống, tái hiện một thời thiếu thốn nhưng ngập tràn yêu thương. Đó là những bài học lớn lao mẹ dạy con, “biết yêu” cái đơn sơ, biết quý trọng những điều giản dị nhất trong đời.
Ở đoạn cao trào, nhạc sĩ không ngại bộc lộ những nỗi đau âm thầm của mẹ: “Có những lúc cuộc đời khốn khổ, nước mắt cứ chảy ra lòng biển hồ thổn thức”.
Hình ảnh lòng biển hồ gợi lên sự bao la, thăm thẳm, đồng thời cũng dậy lên những cơn sóng ngầm, tượng trưng cho những nỗi đau mà mẹ giấu kín sau nụ cười và lời ru, những đau thương âm thầm, xúc động ngầm, không phô bày nhưng mênh mang và bất tận.
Dù vậy, mẹ vẫn tiếp tục “vẫn hát ru khúc hát nghẹn lời”, như một phép màu giữ gìn bình yên cho con giữa những giông tố cuộc đời. Câu hát miêu tả sức mạnh của tình mẫu tử, vượt qua cả khổ đau, mất mát, chỉ để giữ lại bình yên cho con.
Trong những câu hát cuối, hình ảnh “ngày bão giông”, “ánh trăng vàng thấy mệt”, “gánh gánh gồng gồng”, “trĩu nặng tình thương” lại hiện lên như mẹ đã gánh hết mọi gian nan, tình thương, trách nhiệm, sự hy sinh cho con trên đôi vai nhỏ bé.
Nhạc sĩ so sánh tình mẹ với “lòng biển hồ sâu rộng” bởi sự bao dung và vĩ đại. Trong cái sự vĩ đại đó, có “chất chứa tình người trĩu nặng hai vai”, là một hình ảnh giàu sức nặng, nâng tình mẫu tử lên thành một thứ vĩnh cửu, không đo đếm được.
Bài hát khép lại bằng hình ảnh ánh mắt mẹ “nua nhìn đàn trẻ” với “hương hoa bưởi thơm trên tóc mẹ” tạo ra một kết thúc vừa hiện thực vừa thi vị. Ở đây nhạc sĩ sử dụng từ ‘nua” rất hay, chưa có ai dùng như vậy, nó vừa ám chỉ tuổi tác mẹ đã già, lại có cảm giác rất thư thái khi “nua nhìn” để thể hiện mẹ giờ đang hạnh phúc.
Hoa bưởi, loài hoa mộc mạc, thanh khiết, tượng trưng cho sự trong sáng, thuần khiết và vĩnh cửu của tình mẹ toát lên sự yêu thương và ký ức ngọt ngào.
Hát ru khúc hát nghẹn lời
Bài hát được viết ở nhịp 4/4, âm điệu chủ yếu là những bước chuyển nhỏ, liền bậc, các quãng nhảy lớn hầu như không xuất hiện, tạo cảm giác êm đềm, sâu lắng.
Sử dụng nhịp chậm, nhẹ để phù hợp với những ca từ giàu tính hoài niệm, tạo ra một mạch cảm xúc nhẹ nhàng nhưng sâu sắc. Một số chỗ nhấn nhá bằng luyến nhỏ tạo độ ngân nga tình cảm như kiểu dân ca Việt Nam.
Khúc thức của bài kiểu tự do trong dân ca hoặc ballad tự sự, bài hát không có phần điệp khúc, tuy nhiên, nếu phân chia chi tiết thì cấu trúc có thể quy thành dạng: Mở đầu, phát triển, chuyển đoạn và phát triển sâu.
Khúc thức không gò bó theo chuẩn mực ca khúc pop, mà rất tự nhiên như một lời tâm sự trôi chảy, tương tự dòng nhạc trữ tình dân gian. Mỗi đoạn có sự phát triển ý nghĩa mới, nên dù về kỹ thuật có lặp lại chủ đề thương mẹ ở motip câu nhạc khởi ý của từng đoạn nhưng không bị đơn điệu.
Phần mở đầu, giai điệu dịu dàng, đơn giản để mô tả nỗi thương mẹ qua hình ảnh đời thường. Phần phát triển, giai điệu nâng cao hơn khi kể đến những thời khắc mẹ vất vả (giọng hát ở cao độ nhấn mạnh).
Phần “chuyển đoạn” hay “cầu nối” đóng vai trò như một khúc tâm sự đỉnh điểm, làm cho cảm xúc bài hát được đẩy lên rồi mới nhẹ nhàng buông xuống. Cao trào ở câu “Tôi thương mẹ tôi ngày bão giông, ánh trăng vàng…”, giai điệu lúc này căng tràn cảm xúc, rộng mở hơn, chuyển mạnh hơn về cao độ và nhịp điệu.
Câu kết, giai điệu rơi nhẹ về tông thấp, như một tiếng lòng chan chứa “Tôi thương mẹ tôi”. Cấu trúc khúc thức tự sự mở rộng, giai điệu liền bậc, ít nhảy xa quãng rộng để tạo sự liền lạc, nối tiếp tự nhiên giữa các nốt, tạo không gian mơ màng từ đó giúp bài hát không bị khô cứng, mà mềm mại, thủ thỉ, giống như một hành trình từ hồi ức tuổi thơ đến sự ngộ ra, biết ơn tình mẹ khi trưởng thành, rất phù hợp với dòng nhạc dân ca trữ tình.
Mặc dù, bài hát có nhịp điệu thở đều, truyền cảm giác yên bình trong dân ca, tuy nhiên, khác dân ca ở chỗ có các cao trào cảm xúc mạnh hơn (như “ngày bão giông ánh trăng vàng thấy mệt”), đẩy cảm xúc lên cao trào, rồi mới thả lỏng về.
Những câu như “À ơi, tôi thương mẹ tôi” có luyến đuôi cực kỳ tự nhiên và nhẹ nhàng giống với dân ca ru con ở cách ngân luyến êm ái, đậm chất ru ngọt ngào, cảm giác vỗ về.
Giai điệu mộc mạc, tự nhiên không phô trương, để lời ca giàu hình ảnh và cảm xúc được nổi bật. Khi lời ca mô tả cảnh “nắng mưa tần tảo” thì giai điệu chậm rãi, trầm mặc.
Khi miêu tả nỗi khổ “có những lúc cuộc đời khốn khổ” thì giai điệu thấp xuống, lặng hơn. Đoạn khẳng định tình mẹ rộng lớn “lòng biển hồ sâu rộng” thì giai điệu mở rộng ra, vang xa như sóng biển.
Nhạc sĩ lựa chọn cung Mi thứ rất phù hợp cho các bài hát về ký ức, hoài niệm, lòng biết ơn, và tình mẫu tử, tạo nền tảng cho sự dịu dàng, da diết, tạo cảm xúc buồn nhưng không tuyệt vọng, tăng cường âm lượng và quãng âm một cách tự nhiên, không quá gắt, không vỡ không gian bài ở chỗ vừa đủ nâng cao cảm xúc, rồi lại hạ xuống mềm mại để kết thúc.
Bên cạnh đó, nhạc sĩ đã khéo léo lựa chọn sử dụng ngũ cung “Mi - Sol - La - Si - Rê” trên giọng Mi thứ, làm cho giai điệu vừa mang tính dân gian Việt Nam đậm nét (gần hơi Oán, ru con), vừa diễn tả trọn vẹn tình cảm ngọt ngào và nghẹn ngào thương mẹ.
Toàn bài thống nhất khai thác ngũ cung này xuyên suốt, chỉ thoáng có một vài nốt ngoài ngũ cung (như F) khi chuyển động nhanh hoặc dẫn dắt tiến trình hợp âm.
Tôi thương mẹ tôi không chỉ là bài ca ca ngợi mẹ, mà còn là bức tranh cuộc đời người mẹ Việt Nam chịu thương, chịu khó, yêu thương con bằng tất cả sự nhẫn nại và hy sinh thầm lặng.
Từng câu chữ trong bài giản dị nhưng đậm chất thơ, khiến người nghe như lạc vào không gian ký ức, nơi có tiếng ru, có ánh trăng, có mùi hương hoa bưởi thanh tao và trên hết là có một tình yêu vĩnh cửu.
VƯƠNG HÀ
Nguồn Văn hóa : http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/toi-thuong-me-toi-loi-ca-ve-tinh-me-bat-tan-lay-dong-long-nguoi-130046.html