Ngày 13-2, Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết đã tiếp nhận một số trường hợp nhiễm giun lươn với biến chứng bất thường.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nữ (64 tuổi, ngụ tại Tiền Giang), tiền căn đau xương khớp, tăng huyết áp, suy thượng thận. Một tháng trước đó, bệnh nhân ăn kém, sụt cân, ho và khó thở nhưng điều trị không thuyên giảm.
Tại Bệnh viện Nhân dân 115, kết quả xét nghiệm cho thấy người bệnh bị thiếu máu mức độ trung bình, tăng bạch cầu ái toan (một chỉ điểm của tình trạng nhiễm ký sinh trùng), viêm phổi với tổn thương dạng nốt lan tỏa hai phổi.
Khi nội soi dạ dày tá tràng để kiểm tra, ghi nhận viêm dạ dày tá tràng có nhiều chấm trắng li ti, gợi ý tình trạng nhiễm ký sinh trùng. Quá trình nội soi phế quản, bơm rửa phát hiện nhiều dị vật màu trắng xám. Kết quả kiểm tra dưới kính hiển vi cho thấy đó là ấu trùng giun lươn.
Dị vật màu trắng xám (giun lươn) từ dịch rửa phế quản phổi người bệnh
Bác sĩ chẩn đoán người bệnh nhiễm giun lươn nặng ở phổi và ruột trên cơ địa suy giảm miễn dịch. Sau khi được điều trị với thuốc đặc hiệu, bệnh nhân ổn định và xuất viện.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nam (69 tuổi, ngụ tại Tiền Giang), tiền căn ung thư thanh quản. Bệnh nhân ăn kém, nôn ói, đau bụng, ho và khó thở khoảng 10 ngày.
Chụp phim cắt lớp vi tính ngực và ổ bụng ghi nhận tình trạng hẹp môn vị, tổn thương phổi hoại tử hai bên. Kết quả dịch phế quản cho thấy có ký sinh trùng. Bác sĩ xác định bệnh nhân nhiễm giun lươn nặng ở phổi và ruột, biến chứng hẹp môn vị, điều trị đặc hiệu theo phác đồ.
ThS-BS Đặng Nam Hải, Khoa Hô hấp - Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết, nhiễm giun lươn một bệnh thường gặp, có thể xảy ra trên nhiều hệ cơ quan khác nhau. Bệnh diễn biến bất thường và nặng nề, đặc biệt ở người có hệ miễn dịch suy yếu.
Ghi nhận những ấu trùng khi soi kính hiển vi dịch rửa phế quản phổi
Để phòng ngừa, người dân cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, ăn chín uống sôi, tránh thức ăn sống hoặc tái, đi giày dép khi tiếp xúc đất cát. Khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm giun lươn, người bệnh cần khám sớm để được chẩn đoán và điều trị.
Giun lươn có tên khoa học là Strongyloides spp., trong đó loài hay gây bệnh ở người là Strongyloide stercoralis. Khoảng 100 - 370 triệu người trên thế giới bị nhiễm giun lươn. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm có thể lên đến 20%.
Ấu trùng giun lươn không chỉ gây bệnh ở đường tiêu hóa mà còn có thể xâm nhập vào phổi và nhiều cơ quan khác, gây ra biến chứng nguy hiểm hoặc đe dọa tính mạng. Một số triệu chứng khi nhiễm giun lươn gồm: đau bụng, nôn, biếng ăn, sụt cân; ngứa, phát ban; biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, viêm não màng não, suy gan, suy thận. Đối với người suy giảm miễn dịch, bệnh có thể trở nên nguy kịch.
GIAO LINH