Tổng Bí thư Tô Lâm. (Ảnh: Quang Vinh)
Chiều 17/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam; dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Phát biểu tại tổ, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thể chế là một điểm nghẽn, kìm hãm sự phát triển. Nhưng, đồng thời chúng ta cũng xác định rõ thể chế, pháp luật là động lực, nền tảng phát triển đất nước. Ai cũng phải làm việc theo pháp luật mới có sức mạnh.
Tổng Bí thư nêu rõ, quy định luật pháp phải huy động được sức mạnh, sự đồng tình, sự tham gia của người dân, bởi đây là nguồn lực rất lớn. Bộ Chính trị đã nêu những quan điểm chính về xây dựng thể chế, xây dựng pháp luật được thể hiện trong Nghị quyết 66.
Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 66 với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, khả thi, minh bạch để tạo ra môi trường ổn định cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực hội nhập quốc tế. Đồng thời, loại bỏ triệt để các rào cản do pháp luật chồng chéo, mâu thuẫn gây ra, đây là các mục tiêu rất lớn.
Tổng Bí thư cũng cho rằng, trong bối cảnh “vừa chạy, vừa xếp hàng” không thể sửa hết các luật, nếu chờ để sửa luật sẽ bị chậm trễ trong phát triển. Phải đổi mới căn bản tư duy về xây dựng pháp luật, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ bị động sang chủ động và kiến tạo cho sự phát triển.
“Chúng ta phải hình dung trước sự phát triển, quy định đều phải phục vụ cho kiến tạo. Đây là tư duy rất mới. Nếu không có được tư duy đó rất khó để đồng bộ, thống nhất.”, Tổng Bí thư nêu rõ.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, việc xây dựng pháp luật phải đi trước một bước, có tính dự báo cao, phù hợp với thực tiễn và phục vụ nhu cầu phát triển, phải thi hành pháp luật nghiêm minh, công bằng và thực chất. Đồng thời, phải thực chất, gắn liền với công khai, minh bạch, thuận tiện tối đa cho người dân, cho doanh nghiệp, cho toàn xã hội, luật pháp không phục vụ cho lợi ích của một nhóm nào cả mà cho toàn dân, cho mọi đối tượng.
Cùng với đó theo Tổng Bí thư, phải phân cấp, phân quyền rõ ràng, gắn với trách nhiệm, xóa bỏ cơ chế xin-cho, triệt tiêu các lợi ích cục bộ và các đặc quyền, đặc nhóm. Phải bỏ tư duy ai xây dựng dự luật gì là bảo vệ quyền lợi, tạo lợi ích cho mình ở luật đó.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, việc thực hiện các quy định hiện hành còn quá khó khăn, cần tháo gỡ.
Theo Tổng Bí thư, nhu cầu nguồn lực cho phát triển đất nước rất lớn, phải đi vay mà nhiều năm có tiền không tiêu được hết. Như mục tiêu của đấu thầu là để hiệu quả nhất, tốc độ nhanh nhất, chất lượng tốt nhưng xét ra lại nhiều “tội” vì gây chậm tiến độ, chất lượng kém, không tiết kiệm, thậm chí mất cán bộ. Rồi hợp tác công – công cũng khó khăn. Cùng tiền Nhà nước mà hai bên không hợp tác được với nhau. Hay công – tư, muốn phát triển phải huy động sức toàn dân mà muốn đóng góp vào có khi cũng không được. Những “bệnh” này trên thực tế nhiều, do đó các quy định phải làm sao khắc phục được vấn đề này.
Tổng Bí thư cho rằng, với doanh nghiệp tư nhân, đôi khi bị đối xử chưa công bằng. Họ có vốn, sức lực, tâm huyết nhưng khi muốn tham gia lại bảo thế này, thế kia. Như thế không phát huy được. Trong khi đó chính họ tiêu thụ nguồn lực rất lớn từ nước ngoài, nhất là đầu tư gián tiếp, qua các quỹ, với số vốn vài chục nghìn tỷ đô la, còn FDI mới chỉ mấy chục tỷ đô la. Nguồn lực vô cùng lớn nhưng chưa huy động, kêu gọi được nên gây nhiều bức xúc. Cho nên phải nghiên cứu sửa ngay một số điều để khơi thông nguồn lực, tháo gỡ khó khăn; làm sao để giải ngân vốn đầu tư công phải nhanh, hợp tác công, tư rành mạch.
Liên quan quy định về các tổ chức tín dụng, Tổng Bí thư đề nghị, phải làm sao thực sự phục vụ sản xuất kinh doanh, huy động được nguồn lực xã hội. Bởi, nguồn lực xã hội lớn lắm, làm sao để người dân đóng góp vào kiến thiết đất nước mà vẫn hưởng được quyền lợi xứng đáng.
Việt Thắng