Sáng 13/2, Quốc hội thảo luận tổ về 2 dự án luật: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Tại tổ TP Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm trong phát biểu đã nêu rõ chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy được nhân dân, các cơ quan, Quốc hội đồng tình, ủng hộ, tổ chức triển khai nhanh. Đây là chủ trương rất đúng, không chỉ nhằm "tiết kiệm tiền" mà quan trọng nhất là nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước, đưa đất nước phát triển.
Theo Tổng Bí thư, "nếu chưa chín, nhiều tâm trạng, ý kiến khác thì không chắc thực hiện được, bởi khi không đồng tình, không thống nhất, rất khó thực hiện". Tuy nhiên, thực tế người dân rất đồng tình.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại tổ. Ảnh: Phạm Thắng
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy phải xác định đúng chức năng, nhiệm vụ, cần xác định được mô hình tổ chức bộ máy, hệ thống quy định pháp luật và bố trí cán bộ. Theo đó, mô hình sắp xếp tổ chức bộ máy cơ bản được đồng tình từ Trung ương đến địa phương, Quốc hội và Chính phủ. Và khi đã thống nhất thì bố trí cán bộ để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, thực thi pháp luật đúng quy định.
Theo Tổng Bí thư, việc tổng kết Nghị quyết 18 là để xem đã làm được việc gì, nhưng còn nhiều việc chưa làm được.
"Khi tiến hành sắp xếp, có đồng chí nói để sau đại hội, nhiệm kỳ mới sẽ làm, sẽ cải cách, chứ bây giờ làm thì va chạm lắm. Rồi việc sắp xếp lại thì ai ở bộ này bộ kia. Khi đó tôi bảo, để sau đại hội thì càng không làm được, vì vừa đại hội xong, vừa bầu, vừa biểu quyết, ai làm khác được và cũng rất khó khăn. Vì vậy, đây là thời cơ vàng của chúng ta", Tổng Bí thư khẳng định.
Tổng Bí thư cũng chia sẻ về vị thế quốc gia trên trường quốc tế và khẳng định, thành quả đổi mới là rất vĩ đại nhưng nhìn sang các nước thì "quá chậm". Ông dẫn chứng các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, thế kỷ trước khó khăn nhưng bây giờ rất phát triển. Hay như Trung Quốc cũng tương đồng với Việt Nam, nhưng sau 40 năm cải cách mở cửa, thu nhập bình quân đầu người đã hơn gấp 3 lần Việt Nam.
Thực tế, về nguy cơ tụt hậu đã được Đảng nhận định từ Đại hội 6 và đến bây giờ vẫn còn hiện hữu, thậm chí phức tạp hơn vì thế giới đã có bước phát triển mới. Theo Tổng Bí thư, bây giờ mới chỉ là bước đầu sắp xếp, còn tiếp theo là cả quá trình.
Đánh giá về bộ máy chính quyền, Tổng Bí thư dẫn chứng huyện Đông Anh (Hà Nội) thu ngân sách gần 30.000 tỷ đồng, quận Hoàn Kiếm thu 22.000 tỷ đồng, con số này bằng số thu ngân sách của vài tỉnh, thậm chí hơn 20 lần của một tỉnh.
Tổng Bí thư đặt vấn đề, tại sao một quận, huyện với quy mô đất đai, dân số như thế lại làm được, còn phạm vi của một tỉnh lại không được.
Tổng Bí thư phát biểu tại tổ. Ảnh: Phạm Thắng
Không có đất đai, tài nguyên mà quận, huyện đó lại khuyến khích được sản xuất, kinh doanh, thì địa phương không làm được "phải mang sách vở đến học, phải tính toán lại, phải rút kinh nghiệm...".
Tổng Bí thư khẳng định, chỉ có tăng trưởng mới có đủ tiềm lực để bảo vệ được đất nước, bảo vệ Tổ quốc, mới đủ điều kiện để thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước và mới đạt được các mục tiêu, mới bỏ được nguy cơ tụt hậu.
Cũng theo Tổng Bí thư, trong tăng trưởng có nhiều giải pháp nhưng bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu rất quan trọng. Bộ máy làm sao phải phục vụ cho xã hội phát triển, phải động viên được nhân dân có trách nhiệm tham gia, làm được như vậy thì toàn xã hội phải chuyển mình.
Đề cập mô hình chính quyền 3 cấp hay 4 cấp, Tổng Bí thư cho biết, phải tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, nhưng 80% các nước đều có chính quyền 3 cấp. Vừa qua, công an thí điểm trước bỏ cấp huyện vì công an chính quy đã về xã. Và khi mọi việc liên quan đến người dân đều làm trực tiếp ở xã, họ rất mừng. Khi đó, từ hộ khẩu, đăng ký ô tô, xe máy, thậm chí điều tra vụ án… công an xã đều xử lý được, không cần chờ đến huyện, tỉnh.
Tổng Bí thư cũng thông tin thêm, có ý kiến nêu Trung Quốc diện tích lớn, dân số đông nhưng có ít tỉnh, thành phố, còn Việt Nam diện tích nhỏ hơn, dân số ít hơn mà có đến 63 tỉnh, thành. "Chúng tôi nói việc này cũng phải nghiên cứu. Thực tế, có tỉnh tách ra rất phát triển, song có tỉnh nói hết đất, hết dư địa rồi, chỉ tính liên kết vùng, vì vậy mới có hội đồng vùng, liên kết vùng...", Tổng Bí thư nói.
Trần Thường