Tinh gọn bộ máy để đưa đất nước phát triển
Chủ trương tinh gọn, sắp xếp bộ máy được nhân dân, các cơ quan và Quốc hội đồng tình ủng hộ, tổ chức triển khai thực hiện rất nhanh, rất tốt. Khẳng định điều này, Tổng Bí thư nêu rõ, điều đó cho thấy đây là chủ trương rất đúng, được nhân dân mong đợi từ rất lâu, nhất là đã được kiểm nghiệm thực tế rất hợp lòng dân.
“Mục đích quan trọng nhất của việc tinh gọn tổ chức bộ máy là hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy Nhà nước để đưa đất nước ta phát triển”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 1
Để đưa đất nước phát triển, Tổng Bí thư cho rằng có 2 nhiệm vụ rất quan trọng, đó là phải có sự tăng trưởng kinh tế, từ đó bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực.
"Hai vấn đề này phải liên tục được bảo đảm. Tăng trưởng nhưng đời sống nhân dân thực tế không tăng thì không được. Đời sống nhân dân toàn diện trên các lĩnh vực, từ xã hội đến y tế, giáo dục, văn hóa đều phải được nâng cao. Đấy là hiệu quả của Nhà nước". Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư nêu rõ, để đất nước phát triển, đời sống của người dân được bảo đảm là mục tiêu xuyên suốt, thì phải thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng; phải xác định rõ chức năng, nhiệm vụ trong bộ máy nhà nước.
Một vấn đề nữa, theo Tổng Bí thư, đó là phải có hệ thống quy định pháp luật để bộ máy nhà nước và toàn dân, toàn xã hội đồng lòng thực hiện. Bên cạnh đó, cần bố trí đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 1
“Mô hình tổ chức bộ máy đã sắp xếp, cơ bản được đồng tình, từ Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đến chính quyền địa phương, cơ sở, người dân đồng thuận; cơ chế để bộ máy hoạt động và hệ thống pháp luật bây giờ chúng ta đang thực hiện sửa đổi; sau đó phải bố trí được đội ngũ cán bộ để thực thi nhiệm vụ hết lòng, hết sức vì dân, vì Đảng. Lộ trình, bước đi là như thế, chúng ta đang làm từng bước một”, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ.
Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh thời điểm hiện nay là “thời cơ vàng” để thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy. Khả năng lãnh đạo, tầm nhìn dài hạn và khả năng thích ứng, ưu tiên chiến lược và sự đổi mới của chính quyền, của Chính phủ là những tiêu chí để đánh giá hiệu năng và kết quả của bộ máy.
“Mỗi một giai đoạn, mỗi cuộc cách mạng, mỗi đường lối lại cần có một bộ máy để thực thi. Chúng ta xác định phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì bộ máy, chính sách pháp luật phải bảo đảm được mục tiêu đó”, Tổng Bí thư lưu ý.
Ngoài ra, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ rõ, yêu cầu giai đoạn mới của đất nước đòi hỏi phát triển với tốc độ rất cao, rất nhanh nhưng ai cũng phải thừa nhận rằng bộ máy nhà nước hiện nay còn nặng nề thì có phát huy được hết hiệu quả và tiềm lực hay không? Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chỉ là bước đầu. Đây là cả một quá trình cần được tiếp tục đánh giá...
“Tôi lấy ví dụ về một quận, huyện của Hà Nội như Đông Anh, Hoàn Kiếm..., thu ngân sách bằng nhiều tỉnh, thậm chí hơn hàng chục lần so với một số tỉnh. Vậy tại sao một huyện, một quận với quy mô đất đai, tài nguyên và dân số hạn chế, lại có thể làm được những điều như vậy? Thực tế đó đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề phải nghiên cứu, phải suy nghĩ”, Tổng Bí thư phân tích.
Về mục tiêu của cuộc cải cách tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bởi chỉ có tăng trưởng thì mới có đủ tiềm lực bảo vệ đất nước, bảo vệ Tổ quốc, đủ điều kiện để thực thi các chính sách của Đảng, Nhà nước, đạt được các mục tiêu mới, tránh được nguy cơ tụt hậu, không còn cách nào khác. Những gì cản trở ta phát triển, cái gì là điểm nghẽn thì phải giải quyết.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, bộ máy nhà nước phải làm sao để phục vụ cho sự phát triển của xã hội, phải động viên được nhân dân, doanh nghiệp tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước; phải nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân để thúc đẩy sự tham gia của toàn xã hội vào quá trình nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính, củng cố nền dân chủ; nếu không huy động được sức mạnh của nhân dân thì sẽ rất khó khăn.
Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận Tổ 1, các ĐBQH cũng cho rằng, việc Quốc hội xem xét, cho ý kiến các luật liên quan đến tổ chức bộ máy là rất kịp thời, đáp ứng cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả, hiệu năng. Các dự thảo luật đã bám sát theo yêu cầu, định hướng của Trung ương, Bộ Chính, trị, đã thể hiện rõ tư duy đẩy mạnh phân cấp phân quyền, kiến tạo phát triển.
Điểm mới chung của dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) lần này là tập trung sửa đổi thẩm quyền cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, thực hiện cơ chế phân cấp, phân quyền và ủy quyền.
Đồng tình cao với quan điểm phân cấp, phân quyền, bởi đây là cơ chế để giải quyết hiệu quả các nút thắt hiện nay và nếu không phân cấp, trao quyền sẽ khó cho cơ quan thực thi cấp dưới, ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nêu rõ, để phân cấp được hiệu quả cần gắn với trao quyền.
Theo đó, Luật không nên quy định cụ thể, chi tiết cách thức thực hiện, mà chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc, yêu cầu khi trao quyền cho địa phương, còn việc thực hiện như thế nào do địa phương thực hiện.
ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 1
Cùng quan điểm, một số đại biểu cho rằng, phân cấp, phân quyền cần gắn liền với công khai, minh bạch, giám sát, kiểm soát, tránh lạm dụng quyền lực. Cùng với đó, không nên quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thực hiện, chỉ nên quy định về quan điểm, mục tiêu và nguyên tắc. Bởi phương pháp thực hiện phụ thuộc vào tư duy của mỗi người, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang đề cao tinh thần dám nghĩ, dám làm.
Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn về cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền, về điều kiện thực hiện quyền lực, trong đó quy định nhiệm vụ nào có thể phân quyền thì phân quyền ngay cho địa phương, bởi phân cấp được quy định trong luật, nhưng phân quyền lại được quy định trong các văn bản dưới luật.
Theo ĐBQH Lê Quân (Hà Nội), chúng ta cần nới rộng cơ chế phân cấp, ủy quyền, giúp tháo gỡ và giảm bớt thủ tục hành chính. Các vướng mắc xảy ra nhiều nhất là các địa phương hỏi bộ, ngành, do đó cần phân cấp nhiều hơn cho Chủ tịch UBND các tỉnh; cấp tỉnh có quyền được phân cấp nhiều hơn cho cấp sở, ngành và cấp huyện. Bên cạnh bổ sung quy định phân cấp cho các thủ trưởng đơn vị trực thuộc, có thể phân cấp cho các tổ chức đáp ứng được yêu cầu và ủy quyền cho các cá nhân đáp ứng được yêu cầu...
Phi Long