Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN
Tại cuộc họp, Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao 10 giải pháp chiến lược do Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương đề xuất, cũng như những góp ý tâm huyết từ các chuyên gia kinh tế và đại diện các bộ, ngành. Tổng Bí thư nhấn mạnh, cần nhanh chóng áp dụng các chính sách kích thích kinh tế từ phía cung và cầu, gỡ bỏ rào cản, khai thông "điểm nghẽn", đặc biệt quan tâm tới kinh tế tư nhân.
Buổi làm việc không chỉ tập trung vào mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, mà còn hướng đến những bước đi chiến lược để kinh tế Việt Nam có thể bứt phá mạnh mẽ trong tương lai. Tổng Bí thư nhấn mạnh rằng sự phát triển bền vững không thể chỉ dựa vào những chính sách vĩ mô mà cần một hệ thống giải pháp đồng bộ, từ việc tháo gỡ rào cản, thúc đẩy đầu tư, cải cách thể chế, đến việc khai thác tối đa tiềm năng của nền kinh tế tư nhân và chuyển đổi số.
Về vấn đề quản lý đồng tiền kỹ thuật số, Tổng Bí thư chỉ rõ: "Không để chậm chân, không để mất cơ hội." Tổng Bí thư nhấn mạnh không được để Việt Nam tụt hậu, mà phải chủ động nắm bắt cơ hội, không để khoảng cách giữa nền tài chính truyền thống và các phương thức giao dịch hiện đại trở thành rào cản phát triển. Người đứng đầu Đảng yêu cầu Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương tiếp thu đầy đủ ý kiến chuyên gia để nghĩ ra giải pháp quản lý tiền kỹ thuật số linh hoạt, không tạo kẽ hở hoặc rào cản với các hình thái tài chính mới.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương. Ảnh TTXVN
Về các biện pháp phát triển, Tổng Bí thư nhấn mạnh sự cần thiết của cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh, đặt ra mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là chi phí hải quan, tuân thủ quy định và chi phí không chính thức. Ông đề ra kỳ vọng trong vòng 2 - 3 năm tới, môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ lọt vào top 3 ASEAN.
Nhằm thích ứng với tốc độ phát triển của nền kinh tế số, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế, Tổng Bí thư đề xuất mạnh dạn áp dụng khung pháp lý chuyên biệt, thử nghiệm có kiểm soát đối với các ngành công nghệ mới như tài chính, trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại điện tử và đặc khu kinh tế. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của một khung pháp lý riêng cho các đặc khu kinh tế và công nghệ, với cơ chế thuế đặc biệt ưu đãi và phương thức giải quyết tranh chấp thương mại phù hợp.
Về chiến lược phát triển đô thị, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần đầu tư vào hệ thống hạ tầng đồng bộ, xây dựng bản đồ số quốc gia về quy hoạch và giá đất, đồng thời thành lập "Quỹ nhà ở quốc gia" để phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Ông cũng đề xuất áp dụng chính sách tài chính mở để thu hút đầu tư vào các trung tâm tài chính quốc tế, tạo lập mô hình "Cảng miễn thuế" đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực, đồng thời triển khai "Cổng một cửa đầu tư quốc gia" để hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài.
Tổng Bí thư đặc biệt nhấn mạnh cần cụ thể hóa hơn nữa chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, tạo động lực để đội ngũ cán bộ chủ động đổi mới và chịu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy nhà nước, trong đó đặc biệt chú trọng cơ chế phân cấp, phân quyền theo hướng rõ ràng, minh bạch, gắn với trách nhiệm giải trình. Việc tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương cần đi đôi với cơ chế kiểm soát hiệu quả nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh sự cần thiết của các chính sách ứng phó với già hóa dân số, đặc biệt là cải cách hệ thống an sinh xã hội, bảo hiểm hưu trí và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh dân số đang già hóa nhanh.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương. Ảnh TTXVN
Về phía cầu của nền kinh tế, Tổng Bí thư chỉ đạo cần đẩy mạnh đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Trước hết, cần gia tăng đầu tư công, đặc biệt là đầu tư của Chính phủ vào hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược và các nền tảng quốc gia, không chỉ về quy mô mà còn về chất lượng và tính đồng bộ. Song song đó, cần có các giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy đầu tư tư nhân thông qua việc cải thiện môi trường kinh doanh, đảm bảo tính minh bạch, an toàn, chi phí hợp lý và khả năng tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu dùng nội địa trong tăng trưởng kinh tế, khẳng định rằng chỉ khi sức mua trong nước được kích thích mạnh mẽ mới có thể tạo động lực tăng trưởng GDP bền vững. Đồng thời, cần thúc đẩy xuất khẩu ròng, trong đó ưu tiên các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao nhằm nâng cao đóng góp vào tăng trưởng GDP.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, ông nhấn mạnh sự cần thiết của việc chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp để nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm. Chính sách hạn điền cần được điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, giúp doanh nghiệp và nông dân quy mô lớn có thể mở rộng sản xuất hiệu quả hơn. Ngoài ra, cần khuyến khích thử nghiệm các mô hình hợp tác mới trong nông nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất và chuỗi giá trị.
Về các biện pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng từ phía cầu, Tổng Bí thư chỉ rõ cần thực hiện chính sách tài khóa mở rộng một cách hợp lý, tăng chi tiêu công hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt, với sự nới lỏng có kiểm soát nhằm thúc đẩy tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu Ban Chính sách Chiến lược Trung ương tiếp thu đầy đủ ý kiến của các chuyên gia kinh tế để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp quản lý đồng tiền kỹ thuật số, không để chậm chân hay bỏ lỡ cơ hội. Ông nhấn mạnh rằng để kinh tế - xã hội phát triển, điều quan trọng nhất là huy động toàn dân tham gia lao động, tạo ra của cải vật chất. Khi mọi người đều hăng say làm việc, các thành phần kinh tế tích cực phát triển, thì tăng trưởng kinh tế sẽ tất yếu tăng tốc.
Thùy Linh