Tổng Bí thư Tô Lâm dự điểm cầu truyền hình tại Cà Mau

Tổng Bí thư Tô Lâm dự điểm cầu truyền hình tại Cà Mau
6 giờ trướcBài gốc
Tổng Bí thư Tô Lâm với các đại biểu tham dự tại điểm cầu truyền hình tại Cà Mau. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Đêm 16/11/2024, đã diễn ra cầu truyền hình trực tiếp cả nước tại các điểm đưa, nhận quân tập kết ra Bắc cách đây 70 năm là Cà Mau, Hải Phòng và Thanh Hóa, tái hiện lại một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc sau ngày ký hiệp định Gieneve 1954.
Tới dự tại điểm cầu tỉnh Cà Mau có Tổng Bí thư Tô Lâm; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng Chánh văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc và lãnh đạo một số ban, bộ ngành Trung ương.
Tái hiện chân thực giai đoạn hào hùng của dân tộc
Sự kiện tập kết ra Bắc là dấu son quan trọng đặc biệt trong lịch sử cách mạng Việt Nam, khẳng định sự sáng suốt trong lãnh đạo chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ đối với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sự kiện đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước, của tinh thần đoàn kết dân tộc, ý chí quyết tâm của quân dân ta: ra đi vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc.
Chương trình nghệ thuật tại điểm cầu cuối Cà Mau (Hoàng Nam).
Vì thế, sự kiện đã được tổ chức cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm tập kết ra Bắc với chủ đề “Tình sâu nghĩa nặng” nhằm hành trình nhìn lại dấu mốc lịch sử ấy, ở đó có những cống hiến, những hy sinh của bao thế hệ để tạo nên nền độc lập, hòa bình, phồn vinh, hạnh phúc hôm nay.
Hình ảnh tiễn quân 70 năm trước được tái hiện xúc động tại điểm cầu Cà Mau (Hoàng Nam).
Bằng hình thức sân khấu hóa, chương trình nghệ thuật “Lễ kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc” tại điểm cầu cuối của đất nước đã tái hiện lịch sử, vùng đất, con người Cà Mau, lịch sử cách mạng hào hùng trong đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong xây dựng và phát triển quê hương Cà Mau.
Theo đó, chương trình kết nối liên tục 3 điểm cầu với 3 nội dung chính: Chủ đề 1 “Khát vọng thống nhất” lấy bối cảnh lịch sử của sự kiện tập kết ra Bắc; Chủ đề 2 “Một dải sắt son” thể hiện tinh thần son sắt, đồng lòng của quân và dân cả nước trước quyết định tập kết ra Bắc; Chủ đề 3 “Rạng danh Việt Nam”.
Chương trình nghệ thuật "Tình sâu nghĩa nặng" tại điểm cầu Cà Mau là lời tri ân sâu sắc đến các thế hệ cha anh đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến của các thế hệ trẻ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng cụm công trình Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc
Cũng trong tối qua 16/11/2024, UBND tỉnh Cà Mau long trọng tổ chức khánh thành công trình Cụm tượng đài Chuyến tàu tập kết ra Bắc và đón nhận bằng xếp hạng di tích quốc gia địa điểm tập kết ra Bắc cuối 1954 đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời.
Cụm tượng đài kỷ niệm tập kết ra Bắc tại Sông Đốc Trần Văn Thời Cà Mau (Hoàng Nam)
Dịp này, UBND Cà Mau vinh dự đón nhận bằng công nhận từ Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch về việc bổ sung địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc vào di tích lịch sử quốc gia Các địa điểm thuộc Xứ ủy Nam Bộ - Trung ương Cục miền Nam (giai đoạn cuối năm 1949 - 1955).
Địa điểm tập kết ra Bắc cuối năm 1954, đầu năm 1955 tại bờ Nam Sông Đốc được công nhận là di tích lịch sử quốc gia (Hoàng Nam).
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại cho biết, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết đã mở ra một trang mới trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Thực thi hiệp định, Đảng và Bác Hồ đã đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới.
Quang cảnh diễn ra lễ đón bằng di tích lịch sử quốc gia (Hoàng Nam)
Sự kiện tập kết năm 1954 được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa to lớn, đưa cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam ra miền Bắc lao động, học tập, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Tham gia những chuyến tàu tập kết có những đồng chí sau này trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. 70 năm trôi qua, với truyền thống uống nước nhớ nguồn đối với thế hệ đi trước đã anh dũng chiến đấu, hy sinh vì Độc lập – Tự do của dân tộc.
Trước nguyện vọng của cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Cà Mau mong muốn xây dựng công trình lưu giữ những hình ảnh cũng như hiện vật về giai đoạn hào hùng của lịch sử dân tộc. Vì vậy, tỉnh Cà Mau đã quyết định đầu tư cụm công trình Tượng đài chuyến tàu tập kết ra Bắc tại thị trấn Sông Đốc. Đây là một công trình văn hóa lịch sử với tổng diện tích trên 10 ha với nhiều hạng mục.
Trong đó, hạng mục chính là biểu tượng con tàu và phù điêu nhằm tái hiện, khắc ghi dấu ấn lịch sử về sự kiện tập kết ra Bắc 1954. “Đây không chỉ là công trình ghi nhớ công lao, tri ân đối với các bậc tiền nhân đi trước mà còn góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Nơi đây cũng là địa điểm để tham quan, học tập, sinh hoạt cho mọi tầng lớp Nhân dân trong tỉnh và du khách…” – Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Ngại khẳng định.
Hoàng Nam
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tong-bi-thu-to-lam-du-diem-cau-truyen-hinh-tai-ca-mau.html